Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Sông Công (Thái Nguyên): Nguy cơ tai nạn giao thông cao vì dân phải đi ngược chiều!

Thiên An - Mỹ Dung - 20:16, 08/08/2022

Theo phản ánh của người dân thuộc tổ 3, Tân Sơn, phường Lương Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, các hộ dân sống tại đây vô cùng bất an, khi gần chục năm nay, họ vẫn phải đi đường cấm lối lên cao tốc - khu vực nút giao Sông Công và đi ngược chiều mỗi khi ra Quốc lộ 3.


Người dân vẫn buộc phải đi dù có biển cấm
Người dân vẫn buộc phải đi dù có biển cấm

Được biết, phần đường hiện có 6 hộ dân thuộc tổ 3, Tân Sơn đang đi tạm nằm trong hành lang của đường dẫn lên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, do Cục Quản lý đường bộ quản lý. Mặc dù dự án có phương án xây dựng, hoàn trả đường gom dân sinh nhưng đoạn cuối tuyến đường gom bị thi công dở dang, nên 6 hộ dân này không có lối chung ra quốc lộ.

Phía đầu đường gom giáp với Quốc lộ 3 cũ, là trạm biến áp, cung cấp điện chiếu sáng cho tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Đoạn nút giao đặt biển báo cấm xe máy, xe đạp và người đi bộ vào cao tốc nhưng người dân vẫn buộc phải đi qua đây.

Chị N.T.A ngậm ngùi cho biết:“Nhà tôi ở đây mỗi khi đi ra Quốc lộ 3 lại phải đi ngược chiều. Nhất là có biển cấm lối lên cao tốc mà vẫn phải đi, biết là dễ xảy ra tai nạn nhưng cũng không biết làm thế nào cả”.

Gia đình ông N.Q.S đã sinh sống tại tổ 3 Tân Sơn từ năm 1980. Ông cho biết, từ khi cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được triển khai và đi vào hoạt động, 6 gia đình ở khu vực này đều phải đi ngược chiều, nhiều khi đành “nhắm mắt đi liều” vì cũng chẳng còn con đường nào khác: “Chúng tôi nhiều lần gửi đơn đề nghị tạo điều kiện cho các hộ có đường gom dân sinh để đi lại thuận tiện và không vi phạm Luật Giao thông, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết”, ông bức xúc.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Vũ Văn Sơn, Bí thư phường Lương Sơn, thành phố Sông Công cho biết: “Nắm bắt tình hình của người dân tại đây, phường Lương Sơn nhiều lần đã có ý kiến qua các kỳ họp, gửi văn bản để đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý và khắc phục, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn đang trong giai đoạn chờ giải quyết”.

Được biết, mới đây Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên - Môi trường thành phố Sông Công, phường Lương Sơn và đại diện Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng công trình Bắc Nam, đại diện tổ dân phố 3 Tân Sơn đã họp, đề nghị Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng công trình Bắc Nam khôi phục lại mốc giải phóng mặt bằng đoạn nút giao cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; đề nghị đơn vị quản lý bàn giao một phần diện tích để địa phương cùng Nhân dân đầu tư làm đường dân sinh.

Cao tốc Hà Nôi - Thái Nguyên đã đi vào hoạt động gần chục năm nay (Ảnh minh họa)
Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã đi vào hoạt động gần chục năm nay (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố Sông Công, cho biết: “Địa phương và cơ quan chức năng đã làm việc với đơn vị quản lý cao tốc; kiến nghị Cục Quản lý đường bộ hoàn trả lại đường gom theo thiết kế ban đầu khi xây dựng đường cao tốc, hoặc bàn giao lại một phần diện tích đường gom để thành phố làm đường giao thông”.

Việc đi ngược chiều và đi vào lối cấm lên cao tốc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Mong rằng các cơ quan chức năng kịp thời có phương án giải quyết, khắc phục tồn tại trên, đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông. 


Tin cùng chuyên mục
Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Dự án treo ở Vân Đồn (Quảng Ninh) - Hàng trăm hộ dân "đi cũng dở, ở không xong"

Đã gần chục năm nay, hàng trăm hộ dân chủ yếu là người DTTS ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang phải sống trong cảnh "đi cũng dở, ở không xong" do nằm trong quy hoạch Khu công viên phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp. Theo thời gian, đặc biệt là ảnh hưởng cơn bão số 3, nhiều nhà cửa, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương.