Trồng rừng không phải khai thác, mà để cho rừng có nhiều cây hơn. Trồng rừng cũng chính là hành động trả cây lại cho rừng, bù đắp lại những thiếu hụt và cả tổn thương mà con người tác động đến thiên nhiên; là thông điệp về đảm bảo môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo sinh kế bền vững... Nhận thức ấy đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng ở nhiều thôn, bản ở Quảng Trị
Thắp hi vọng từ những mầm xanh
Cánh rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) dường như mướt xanh hơn trong nắng gió biên thùy. Hỏi ra mới hay, đồng bào Bru-Vân Kiều nơi đây trồng rừng không phải để khai thác mà để cho rừng có nhiều cây hơn, rừng được xanh hơn. Bao năm rồi, việc làm ấy đã trở thành lẽ sống ý nghĩa của những cư dân miền biên viễn trên đỉnh Trường Sơn này.
Tiên phong trong hoạt động trồng cây, gây rừng là 22 thành viên trong Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Trăng - Tà Puồng, đứng đầu là anh Hồ Văn Giỏi, sinh năm 1994. Anh Giỏi trải lòng: Xưa nay người dân thôn bản vẫn trồng cây vào rừng, nhưng tiện đâu thì trồng đấy. Mấy năm gần đây, bà con trồng có quy mô hơn, chỉ riêng tháng 3/2024, bà con đã trồng được 1.500 cây bản địa là cây bồ kết và bồ hòn.
Chia sẻ với chúng tôi về hoạt động trồng cây bản địa vào rừng, người dân thôn Trăng – Tà Puồng nói chắc nịch: Trồng cây bản địa con bò, con dê không phá, nó hợp với khí hậu, hợp với đất nên phát triển tốt. Muốn con cháu có cuộc sống tốt hơn thì thế hệ hôm nay phải trồng rừng, nhất là trồng rừng bền vững.
Những tháng ngày lượm hạt, ươm mầm rồi mang những cây bản địa này đi trồng, chỉ với mục đích trả cây lại cho rừng, bù đắp lại những thiếu hụt và kể cả tổn thương mà con người tác động đến thiên nhiên.
Chăm từ những mầm xanh, cuốc từng nhát đất, gieo trồng từng cây con…; đồng bào Bru-Vân Kiều đang thắp lửa hi vọng từ những mầm xanh nhỏ nhoi. Anh Hồ Văn Hùng, thành viên Ban quản lý rừng cộng đồng ở thôn Trăng - Tà Puồng hồ hởi: Khi trồng cây vào rừng, mỗi một lần đi qua gặp chúng lên lá mới, lên mầm xanh, nhìn thích lắm. Cứ thế chứng kiến cây lớn lên bằng đầu gối, cao đến đầu người, cây cao đến phải ngước nhìn, đó là tương lai của người trồng rừng bền vững. Khác với trồng rừng để khai thác (rừng tràm, keo lai…) việc trồng rừng bằng cây bản địa, là gửi cho rừng những cái cây vĩnh viễn, không ai được quyền chặt phá, không mua bán, hàng trăm năm sau có thể người trồng cây không còn nhưng cây sẽ còn.
Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Trị trồng mới khoảng 8.000ha rừng tập trung, từ 2,5 - 3 triệu cây phân tán, duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt gần 50%, góp phần giảm nhẹ thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan.
Và rừng sẽ xanh thêm
Quảng Trị xưa là chiến trường. Rừng ở Quảng Trị cũng vì thế mà đã trở thành “đồng chí, đồng đội” chở che bộ đội, hãm vây quân thù. Nhưng sự khốc liệt của đạn bom, đã khiến nhiều cánh rừng trơ trọi, nham nhở.
Sau ngày giải phóng, cùng sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân, rừng tiếp tục bị tàn phá không thiêng tiếc. Còn nhớ sự việc ngày 18/4/2022, Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông nhận được thông tin xảy ra vụ phá rừng ở tiểu khu 699 và 708, thuộc địa bàn xã Đakrông. Qua kiểm tra xác định có 13,93ha rừng tự nhiên bị chặt phá. Đây là diện tích rừng do UBND xã Đakrông, cộng đồng thôn Ba Tầng và giao cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ.
Những cây rừng ngã xuống dưới nhát dao, đường cưa không thương tiếc. Mất một phút để hạ một vạt rừng, nhưng có khi một thập kỷ sau vẫn chưa phục hồi lại được.
Trước thực tế xót xa ấy, Quảng Trị đã hành động để cứu lấy rừng, tô thêm màu xanh cho rừng. Ngoài các đợt phát động trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc được thực hiện hằng năm; tỉnh đang hối hả cho hành trình một tỷ cây xanh. Từ năm 2021 cho đến nay, tỉnh Quảng Trị đã trồng khoảng 20 triệu cây rừng bản địa. Trong giai đoạn tiếp theo, Quảng Trị sẽ tiếp tục thực hiện “Chiến dịch trồng cây xanh – Phục hồi hệ sinh thái” phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đảm bảo môi trường, nâng cao độ che phủ rừng, chống biến đổi khí hậu đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân từ rừng.
Ông Tạ Hùng Vỹ, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá – Đakrông cho biết: Nhiều vùng đất ở Quảng Trị bị nhiễm các chất độc do chiến tranh để lại, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây. Do vậy, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia trồng, bảo vệ rừng, đồng thời động viên các lực lượng liên quan nỗ lực chăm sóc, phục hồi rừng bảo đảm chất lượng.
Trong chuỗi hoạt động gây rừng, từ tháng 10/2022, dự án trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Thạch Hãn được Công ty TNHH Xã hội trồng và phục hồi rừng Việt Nam (VARS) triển khai trồng 117,9ha rừng trên địa bàn 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa. Trong đó, 52,1ha tại xã Tà Rụt (huyện Đakrông) và 65,8ha tại xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa). Hễ có đất trống, hay khu vực cần phục hồi rừng, những mầm xanh nhỏ nhoi lại được cộng đồng dân cư ở các địa phương, các lực lượng chức năng tại tỉnh Quảng Trị trồng xuống.
Mục tiêu đến năm 2027, VARS phấn đấu hoàn thành 1.000ha cây bản địa góp phần phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế tác động biến đổi khí hậu và phát triển bền vững khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên dãy Trường Sơn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị Phan Văn Phước cho biết: Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ để khuyến khích công tác bảo vệ rừng, trồng rừng và phục hồi rừng. Đồng thời, Sở cũng đã tập trung huy động, kêu gọi được các nguồn lực khác nhau để triển khai trồng, phục hồi rừng tự nhiên bằng cây bản địa./.