Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Sử thi - Bản tình ca đoàn kết cộng đồng: Buôn làng nhớ những đêm khan (Bài 2)

Lê Hường-Thùy Dung - 19:02, 06/09/2022

Sử thi là nghệ thuật truyền khẩu độc đáo của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, được lưu giữ trong trí nhớ các nghệ nhân và thường được diễn xướng trong các dịp sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật dân gian truyền miệng này lại rất dễ mai một. Bởi nghệ nhân am hiểu, thuộc nhiều sử thi ngày càng hiếm hoi, trong khi người trẻ vẫn chưa sẵn sàng đón nhận vốn liếng cha ông để lại. Theo thời gian, những đêm khan đang dần vắng bóng ở các buôn làng.

Thi thoảng nghệ nhân Y Wang HWing, ở buôn Tría, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk vẫn hát kể sử thi cho con cháu
Thi thoảng nghệ nhân Y Wang HWing, ở buôn Tría, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk vẫn hát kể sử thi cho con cháu

Những viên ngọc quý còn sót lại

Già Y Wang HWing, ở buôn Tría, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, là một trong những nghệ nhân hát kể sử thi hiếm hoi của người Ê Đê ở Đắk Lắk. Với ông các điệu khan thân thuộc, như hơi thở cuộc sống của chính mình mà ông say mê hát kể cho bất cứ ai muốn nghe và sẵn sàng truyền dạy cho bất kỳ ai muốn học.

Hiện, nghệ nhân Y Wang còn thuộc 4 sử thi nổi tiếng của người Ê Đê gồm: “ÊĐăm Bhu - Đăm Bha”, “ÊĐăm San”, “Êbõng Hiu Knuh” và “YBũng HĐăng”.

Trong ngôi nhà xây kiên cố, nghệ nhân già đưa ánh mắt đăm chiêu nhìn về phía mấy nhạc cụ dân tộc ông cất giữ cẩn thận, ông mở ngăn tủ kính lấy cây đàn goong ra tấu một bản để đón khách.

Nói về sử thi, giọng ông trùng xuống: kể khan là một trong những điều bí ẩn nhất của văn hóa Tây Nguyên. Người Ê Đê gọi sử thi là klei khan. Không gian thiêng liêng để kể khan là bên bếp lửa bập bùng, ché rượu cần và bà con trong buôn quây tụ. Hát kể sử thi Ê Đê là sinh hoạt văn hóa dân gian được truyền miệng từ đời này qua đời khác.

“Xưa kia hầu như buôn làng nào cũng có nghệ nhân kể khan, nhiều buôn có đến 2 - 3 người. Nhưng nay, đời sống văn hóa xã hội có nhiều biến đổi, làm cho không gian diễn xướng sử thi Tây Nguyên bị thu hẹp, thậm chí mất đi nên số lượng nghệ nhân biết kể sử thi cũng vơi đi nhiều”, ông Y Wang cho biết.

Thi thoảng nghệ nhân Y Wang HWing, ở buôn Tría, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk vẫn hát kể sử thi cho con cháu
Nghệ nhân Y Wang HWing đang biểu diễn nhạc cụ dân tộc

Chúng tôi ghé thăm căn nhà nhỏ của già Dach (105 tuổi) ở thôn Prông Thôn, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, Gia Lai khi ông đang cặm cụi chẻ nứa để đan gùi. Già Dach là người Gia Rai cuối cùng biết hát sử thi ở xã Ia Băng. Vì tuổi cao sức yếu già không còn đủ sức để hát được, nhưng các bài sử thi của dân tộc mình mà già đã thuộc vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ.

Già Dach chia sẻ về sử thi bằng tiếng Gia Rai, chúng tôi phải thông qua anh Jêm-con trai của già làm phiên dịch. Già bộc bạch: “Sử thi của người Gia Rai, Ba Na là những câu chuyện dài gắn liền với những anh hùng thần thoại, những anh hùng của buôn làng, phản ánh được những tâm tư tình cảm của dân làng,… Mình biết hát sử thi vì ngày trẻ hay tham gia lễ hội của làng, rồi lời ca tiếng hát của những già làng năm xưa đã in hằn vào trong tiềm thức. Khi lớn lên, mình lại tiếp tục hát kể những bài sử thi cho dân làng và các thế hệ sau này nghe”.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch tỉnh Gia Lai thì, có nhiều nguyên nhân khiến sử thi của dân tộc Ba Na và Gia Rai mai một dần như: Hiện nay những nghệ nhân cao tuổi thì đã mất. Những nghệ nhân còn sống thì tuổi cao sức yếu cũng không thể hát kể sử thi. 

Đặc biệt, không gian hát kể cũng không còn nữa. Cùng với sự đi lên, phát triển của xã hội hiện đại, thì không còn ai quan tâm, mặn mà với sử thi Tây Nguyên. Vì vậy sử thi đã và đang đứng trước nguy cơ biến mất trong cộng đồng.

(CHUYÊN ĐỀ DTTG) Sử thi - Tình ca đoàn kết cộng đồng của đồng bào Tây Nguyên: Về đâu những đêm khan huyền thoại? (Bài 2) 2

Mai này ai hát sử thi

Đến nay, nghệ nhân hát kể sử thi hầu hết tuổi đã cao sức khỏe yếu, đôi chân đã mỏi, đôi mắt không còn tinh tường, và sức khỏe cũng không đủ để có thể cất được tiếng hát, kể những bài khan.

Trong câu chuyện với chúng tôi, giọng già Dach thoáng buồn: Ở làng mình bây giờ không còn ai biết hát kể sử thi nữa. Mình có 6 người con, nhưng chúng nó cũng không học. Người ta bây giờ chỉ thích nghe âm nhạc hiện đại nên không mặn mà với văn hóa truyền thống.

“Mình bây giờ muốn dạy, muốn truyền lại cũng không được nữa, vì mình không biết chữ và cũng không còn hơi sức nào để hát kể. Những người thích nghe hát kể đã đi về phía bên kia chân dốc cuộc đời. Lứa trẻ trong làng bây giờ chỉ tập trung vào làm kinh tế để nuôi con. Mấy đứa con mình cũng vậy, nó lấy vợ, lấy chồng rồi lo cho cuộc sống riêng của chúng nó. Sử thi cứ thế mà vắng dần,… dù mình rất muốn có người kế cận học tập để lưu giữ được văn hóa của người Ba Na thời xưa. Đến bây giờ, mình chỉ biết nói về sử thi thông qua mấy cuốn sách, vì bây giờ mình chẳng thể hát trọn vẹn 1 bài nữa” già Dach nói.

Nghệ nhân Dach hiện nay đã 105 tuổi, ông là người cuối cùng biết hát kể sử thi của xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, Gia Lai
Nghệ nhân Dach hiện nay đã 105 tuổi, ông là người cuối cùng biết hát kể sử thi của xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, Gia Lai

Nếu như trước đây, buôn làng nào cũng có vài người biết hát kể sử thi và loại hình nghệ thuật này vẫn được trình diễn phổ biến trong cộng đồng, thì ngày nay số lượng nghệ nhân đang ngày càng hiếm. Bà con buôn làng cũng không còn quây quần bên bếp lửa bập bùng nghe nghệ nhân hát sử thi, những đêm khan huyền thoại ở Tây Nguyên đang mất dần. Những nghệ nhân hát kể sử thi nổi tiếng người thì đã về với tổ tiên, người còn sống thì tuổi đã cao, trí nhớ không còn minh mẫn, chỉ còn thuộc vài đoạn sử thi, hoặc chỉ nhớ tên mà quên mất nội dung.

Chúng tôi tìm về làng Châu, xã Chư Krey (huyện Kông Chro) để tìm gặp Nghệ nhân Đinh Rung. Ông là một trong 8 cá nhân của tỉnh Gia Lai được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” (đợt 2- năm 2019) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Đáng buồn thay, gia đình ông thông báo ông đã về bên kia thế giới. Và trong tất thảy 4 người con của ông cũng không ai biết hát kể sử thi.

Ông Y Kô Niê, Phó trưởng Đoàn ca múa dân tộc thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết: Ngày nay, rất nhiều buôn làng không còn giữ nếp nhà dài, không còn bến nước và những đêm khan huyền thoại. Diễn xướng sử thi Tây Nguyên phải có không gian, thì lời diễn xướng mới có hồn, mới đi vào lòng người.

“Cái khó hiện nay không chỉ ở chỗ đào tạo người kế tục hát kể khan, mà còn làm sao tạo ra lượng người nghe, bởi không có người nghe thì nghệ nhân không thể hát kể. Thế hệ trẻ ngày nay không đam mê nghe khan cũng do ngay từ nhỏ họ đã không có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu và buôn làng bây giờ đã không còn những đêm lễ hội tràn ngập lời kể khan như trước”, ông Y Kô Niê cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Lý Sơn (Quảng Ngãi): Tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Lý Sơn (Quảng Ngãi): Tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Ngày 24/4, Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân, tưởng nhớ những binh phu trong Đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đã có công khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.