Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sức sống mới ở Cầu Ngang

Phương Nghi - 10:42, 29/09/2020

Cầu Ngang (Trà Vinh) là huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm 34,7%), có 8 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) thuộc Chương trình 135. Những ngày này về Cầu Ngang, dễ dàng nhận thấy phum, sóc ngày càng khởi sắc. Hệ thống giao thông nông thôn các xã được thông thoáng, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, nhà nhà có điện thắp sáng, những ngôi nhà tạm đã được thay bằng nhà xây kiên cố và bán kiên cố...

Sức sống mới ở Cầu Ngang
Tuyến đường “xanh - sạch - đẹp” ấp Ranh, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang do người dân đồng thuận chung tay xây dựng và chăm sóc.
Tuyến đường “xanh - sạch - đẹp” ấp Ranh, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang do người dân đồng thuận chung tay xây dựng và chăm sóc.

Long Sơn (huyện Cầu Ngang) là xã vùng sâu, đồng bào Khmer chiếm gần 50%, tổng số dân trong xã. Những năm gần đây, Long Sơn có những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, nhờ triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Anh Thạch Sà Nưl, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn cho biết: “5 năm trước, nhà nghèo, không đất sản xuất, tôi phải đi làm thuê ở tỉnh Bình Dương, cuộc sống chẳng dư giả nên về quê thuê đất trồng các loại rau màu. Trong thời gian này, tôi được địa phương tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng mua bò sinh sản. Đến năm 2020, gia đình tôi tiếp tục được hỗ trợ vốn vay 40 triệu đồng xây dựng nhà ở kiên cố hơn”. Nhờ chịu khó làm ăn, kinh tế gia đình anh dần ổn định. Với 0,2ha đất thuê trồng 3 vụ màu/năm chủ yếu rau cải các loại, gia đình anh thu về lợi nhuận bình quân 4 - 5 triệu đồng/vụ.

Ông Thạch Ru La, Bí thư Đảng ủy xã Long Sơn cho biết: Những kết quả đạt được trong giảm nghèo gắn với xây dựng NTM là nền tảng, động lực lớn để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã tiếp tục đoàn kết, xây dựng hoàn thành xã NTM vào năm 2022. Thời gian tới, Long Sơn tiếp tục tập trung các giải pháp chuyển đổi hiệu quả mô hình phát triển kinh tế trong vùng đồng bào Khmer, điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, bố trí tập trung cây trồng phù hợp với từng vùng, ưu tiên các chính sách hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật giúp đồng bào Khmer phát triển sinh kế, giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

5 năm qua, Cầu Ngang đã xây dựng 99 công trình kết cấu hạ tầng nông thôn với tổng kinh phí hơn 43,8 tỷ đồng. Thực hiện dự án phát triển sản xuất đa dạng sinh kế, huyện hỗ trợ trên 10,7 tỷ đồng cho 717 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện dự án nuôi bò, nuôi thỏ sinh sản; gần 2 tỷ đồng cho 134 hộ thực hiện nhân rộng mô hình nuôi bò sinh sản; hỗ trợ 727 hộ Khmer vay phát triển sản xuất, giải quyết việc làm với số tiền trên 5,8 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo.

Huyện đã mở 75 lớp dạy nghề cho 1.359 lao động, tạo điều kiện giải quyết việc làm mới cho 19.350 lượt lao động làm việc trong và ngoài tỉnh. Thành tích nổi bật trong 5 năm qua là công tác xuất khẩu lao động gắn với xóa nghèo, nhất là xóa nghèo vùng đồng bào dân tộc Khmer đạt nhiều tiến bộ mới, đã có 203 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Từ đó hộ nghèo giảm bình quân 2,95%/năm, vùng đồng bào dân tộc Khmer giảm 4,9%/năm; thu nhập đầu người đạt 51,17 triệu đồng (tăng 1,78 lần so với năm 2015). Đến cuối năm 2019, hộ nghèo toàn huyện còn 2.072 hộ (chiếm 5,81%); trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer 1.378 hộ (chiếm 10,11%).

Theo bà Trần Thị Kim Chung, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Cầu Ngang: “Đến nay, Cầu Ngang có 6/13 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM; xây dựng 4 xã là Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc, Hiệp Mỹ Đông và Hiệp Mỹ Tây đạt chuẩn NTM nâng cao, phấn đấu đến năm 2022 Cầu Ngang đạt chuẩn huyện NTM. Cầu Ngang công nhận 28.005 hộ/32.613 hộ đạt 8 nội dung gia đình văn hóa - NTM (chiếm 85,9%); có 50/90 ấp đạt chuẩn ấp NTM (tăng 24 ấp so với cuối năm 2015)”.