Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đội chiêng “nhí” ở làng Tnung - Măng

Ngọc Thu - 10:20, 10/09/2024

Những nghệ nhân "nhí" người Ba Na ở làng Tnung - Măng (xã Ya Ma, huyện Kông Chro, Gia Lai) với lối chơi chiêng sáng tạo, trong sáng, tươi vui đã mang lại luồng sinh khí mới mẻ, tràn đầy hứng khởi cho cồng chiêng Tây Nguyên. Đây cũng là minh chứng cho lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc của những chủ nhân di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” mang tính kế thừa mạnh mẽ và sáng tạo của đồng bào Ba Na ở Kông Chro.

Đội chiêng "nhí" huyện Kông Chro tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024
Đội chiêng "nhí" huyện Kông Chro tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024

Thế hệ trẻ đam mê cồng chiêng

Ngay từ khi học mẫu giáo, em Đinh Thị Lệ (SN 2010) có thể nhẩm nhịp, ngân nga theo các giai điệu của các loại nhạc cụ truyền thống mà người lớn trong làng vẫn thường chơi. Nhờ có năng khiếu và kiên trì luyện tập, chẳng mấy chốc, em đã diễn tấu được nhiều bài hát bằng 2 loại nhạc cụ này. Năm 12 tuổi, Lệ được xã chọn vào đội chiêng “nhí”, thường xuyên tham gia các hội thi do các cấp, ngành tổ chức. Nhờ vậy, kinh nghiệm, kỹ thuật chơi nhạc cụ dân tộc của Lệ ngày càng được nâng lên.

Đội chiêng “nhí” làng Tnung - Măng hăng say luyện tập
Đội chiêng “nhí” làng Tnung - Măng hăng say luyện tập

Đặc biệt, được người cha cũng là nghệ nhân chỉnh chiêng trong làng Tnung - Măng chỉ dẫn cụ thể lối chơi từng loại nhạc, tiếp lửa đam mê cho mình, em Lệ càng thêm tự tin. Em phấn khởi chia sẻ: “Đàn đá, đàn T’rưng là 2 loại nhạc cụ có cách chơi và kỹ thuật riêng. Vì vậy, khi tiếp cận học cùng lúc 2 loại nhạc cụ, em cảm thấy khó khăn. Tuy nhiên, do em thường đi theo quan sát và lắng nghe các bài hát do các nghệ nhân trình diễn và sau một thời gian tập luyện, em đã diễn tấu được nhiều bài từ các nhạc cụ này. Em ước mơ trở thành nghệ nhân chế tác, diễn tấu nhạc cụ dân tộc để sau này hướng dẫn lại cho các em nhỏ trong làng”.

Trong đội cồng chiêng nhí của làng Tnung - Măng còn có em Đinh Tuy (14 tuổi). Với lối chơi chiêng nhuần nhuyễn, trong sáng, em đã vinh dự được cùng Đội cồng chiêng của xã Ya Ma tham gia biểu diễn tại Chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” và Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm “Gia Lai ơi” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Đây là 2 chuyến đi ý nghĩa và nhớ nhất của Tuy.

Em Đinh Tuy (bên trái) tập đánh cồng chiêng cùng bạn nhỏ trong làng
Em Đinh Tuy (bên trái) tập đánh cồng chiêng cùng bạn nhỏ trong làng

“Em học đánh cồng chiêng từ lúc 10 tuổi. Đến nay, em đã biết diễn tấu một số bài cồng chiêng cơ bản và cũng đánh thành thạo chiêng tre rồi. Từ lúc học cồng chiêng, em được tham gia nhiều chương trình ở huyện. Đặc biệt là hai chuyến đi gần đây nhất trên TP. Pleiku khiến em cảm thấy tự hào khi được mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Em đã cố gắng biểu diễn những bài cồng chiêng hay nhất cho mọi người thưởng thức và được mọi người vỗ tay khen nhiều lắm”, Tuy háo hức chia sẻ.

Vào dịp lễ, hội làng, đội chiêng "nhí" được sự hưởng ứng tích cực từ dân làng, được dành riêng vị trí biểu diễn. Trong các màn trình diễn, các em rất tích cực, hào hứng trình diễn say sưa các màn đánh chiêng, trống; biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc với thanh âm trong trẻo, hồn nhiên, mượt mà, vang vọng.

Nối dài mạch nguồn văn hóa

Năm 2009, Đội chiêng “nhí” tại làng Tnung - Măng được thành lập, với thành viên 40 thành viên, trong đó, 30 thành viên Đội cồng chiêng, 10 thành viên Đội múa xoang. Là người chỉnh chiêng, chế tác nhạc cụ của làng Tnung - Măng, nghệ nhân Đinh Hlich dành thời gian để mở lớp truyền dạy cho các cháu nhỏ trong làng. 

Để phục vụ cho công việc này, từ số tiền dành dụm được, cách đây vài tháng, ông mua 1 bộ chiêng 16 chiếc trị giá 35 triệu đồng. Đội chiêng “nhí” cũng vì thế ngày càng say mê chơi chiêng giỏi và đông hơn. Đến nay, nhiều nghệ nhân “nhí” đã lớn lên, Đội chiêng “nhí” vẫn thu hút được các thế hệ trẻ tiếp nối luyện tập, duy trì với 40 thành viên.

“Thấy mấy đứa nhỏ trong làng đam mê chơi chiêng, nhạc cụ dân tộc mình vui lắm. Mình sẵn sàng hướng dẫn, truyền lại cho chúng nó cách đánh sao cho đúng, cho hay để sau này còn tiếp nối, không làm mai một văn hóa truyền thống, để tiếng cồng chiêng của đồng bào Ba Na vang vọng mãi đến mai sau”, nghệ nhân Đinh Hlich chia sẻ.

Nghệ nhân Đinh Hlich truyền dạy cách chơi nhạc cụ cho đội chiêng nhí làng Tnung - Măng
Nghệ nhân Đinh Hlich truyền dạy cách chơi nhạc cụ cho Đội chiêng nhí làng Tnung - Măng

Nhờ sự đam mê và siêng năng diễn tập cồng chiêng, Đội chiêng “nhí” làng Tnung - Măng đã cùng các nghệ nhân của xã tham gia Liên hoan Cồng chiêng thanh - thiếu niên toàn tỉnh lần thứ II - 2015, đạt giải Nhất toàn đoàn về các nội dung hát dân ca, trình diễn cồng chiêng, hòa tấu đàn t'rưng. 

Mới đây, tại Liên hoan Cồng chiêng, hát dân ca thanh thiếu nhi và triển lãm truyền thống của người Ba Na, huyện Kông Chro lần thứ V - 2023, Đội chiêng “nhí” của xã Ya Ma cũng đạt giải Nhất toàn đoàn. Trong đó, có sự đóng góp của Đội chiêng “nhí” làng Tnung - Măng.

Nhằm tạo cơ hội, nuôi dưỡng niềm đam mê, nỗ lực của những nghệ nhân nhí, bà Nguyễn Thị Ngọc Hồ, Phó Chủ tịch UBND xã Ya Ma cho biết: Sau khi thành lập, Đội chiêng “nhí” thường xuyên được các nghệ nhân truyền dạy và cử tham dự các hội thi, lễ hội. Nhờ đó, kỹ năng trình diễn các loại nhạc cụ của các em ngày càng tiến bộ và đạt thành tích tốt tại các hội thi. 

"Xã Ya Ma thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ và thể thao để bảo tồn văn hóa truyền thống cho các nghệ nhân; cũng như Đội chiêng “nhí” Tnung - Măng giao lưu, trình diễn. Từ chương trình này, chúng tôi lựa chọn những thanh thiếu nhi tiêu biểu tham gia đội hình cồng chiêng của địa phương để đi dự thi và công diễn tại các sự kiện do các cấp tổ chức", bà Ngọc Hồ nói thêm.

Tin cùng chuyên mục
Mèo Vạc (Hà Giang): Khởi sắc ở xã biên giới Thượng Phùng

Mèo Vạc (Hà Giang): Khởi sắc ở xã biên giới Thượng Phùng

Những năm qua, với việc lồng ghép và thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Đảng, Nhà nước; cùng với hướng đi, giải pháp tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, diện mạo của xã biên giới Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã có sự thay đổi đáng kể, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.