Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Sức vươn lên ở miền Tây Trà Bồng: Từ “vùng trũng” trở thành điểm sáng giáo dục (Bài 2)

T.Nhân - 07:09, 12/04/2024

Một tín hiệu vui ở miền Tây Trà Bồng là lĩnh vực giáo dục đã có sự phát triển vượt bậc. Trước khi sáp nhập vào huyện Trà Bồng, Tây Trà là huyện nghèo nhất nước, các chỉ số về kinh tế, giáo dục, y tế... trong nhóm “chót bảng”. Thế nhưng hiện nay, vùng đất miền Tây Trà Bồng đã trở thành điểm sáng của giáo dục miền núi tỉnh Quảng Ngãi.

Niềm tự hào của thôn làng

Vùng đất miền Tây Trà Bồng có hơn 90% dân số là đồng bào Co, trước đây, cái ăn còn bữa đói bữa no nên cha mẹ chẳng ai quan tâm đến con chữ. Vì theo họ, cái chữ không giúp no cái bụng được. Nhưng nhờ sự miệt mài tuyên truyền, động viên của các thầy cô,  thành tích học tập vượt bậc của các em học sinh, đã dần thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh.

Thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà hăng say học tập
Thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà hăng say học tập

Một sự kiện đáng nhớ của vùng đất nghèo này, là trong năm học 2022-2023, có 7 học trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Tây Trà được cử đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh và tất cả đều đoạt giải. Trong đó, một em đoạt giải nhất, hai em đoạt giải nhì, hai em đoạt giải ba và hai em đoạt giải khuyến khích. Đây là kỳ tích, bởi Tây Trà vốn được xem là “vùng trũng” của giáo dục tỉnh Quảng Ngãi.

Đáng chú ý là, cả 7 học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi năm 2022-2023 đều có chung hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không muốn con đi học. Điển hình là em Hồ Thị Thơm đoạt giải ba môn Lịch sử. Thơm kể: Nhà em ở xã Sơn Trà, xã xa nhất của huyện Trà Bồng. Cha mất sớm, mẹ em phải bám rẫy lo cái ăn, các mặc cho các con. Anh chị đều nghỉ học nên lúc em rời làng xuống trường nội trú học, mẹ em chỉ nói: “Con xuống đó tự lo, không học được thì về đi rẫy”.

Không phụ lòng mẹ, Thơm cố gắng học thật giởi, 4 năm học tại trường nội trú em không bỏ học ngày nào. Nỗ lực của Thơm đã được đền đáp bằng giải ba học sinh giỏi môn Lịch sử. “Hôm lễ tuyên dương, mẹ em mượn xe máy chở em xuống trung tâm huyện. Lúc em lên bục nhận khen thưởng, mẹ nhìn em và nở nụ cười hãnh diện. Hôm em báo đoạt giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh, mẹ em còn không tin, giờ mẹ tin rồi”, Thơm trải lòng.

Còn em Hồ Văn Thịnh đoạt giải nhì môn Lịch sử cũng có cuộc đời đầy dông bão. Nhà Thịnh có ba anh em, Thịnh là con đầu, ba mẹ bắt phải nghỉ học đi làm nuôi các em. Nhưng Thịnh không chịu, cậu muốn thay đổi đời mình bằng cách theo đuổi con chữ. Với quyết tâm học hành đến nơi, đến chốn thoát khỏi cái đói, cái nghèo, từ học sinh yếu, Thịnh đã phấn đấu trở thành học sinh giỏi.

Bảy học sinh làm nên kỳ tích cho giáo dục miền Tây Trà Bồng
Bảy học sinh làm nên kỳ tích cho giáo dục miền Tây Trà Bồng

Em cho hay: Nhiều lần cha em bắt em nghỉ học vì theo suy nghĩ của cha, người Co không giỏi bằng người Kinh và có học cũng chẳng để làm gì. Và với thành tích học tập, em đã chứng minh suy nghĩ của cha là không đúng.

 “Khi em đoạt giải nhì học sinh giỏi môn Lịch sử, cha em đã làm thịt gà để đãi em. Điều khiến em vui nhất là cha không ép em nghỉ học mà động viên con cố gắng vào đại học”, Thịnh kể.

Thầy Hồ Xuân Bằng, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Tây Trà tâm sự: Tôi thật sự hạnh phúc khi nhìn thấy học sinh của mình có thành tích cao. Bây giờ, tôi có niềm tin giáo dục Tây Trà. Rồi đây sẽ có một thế hệ tài năng thay đổi bộ mặt Tây Trà bằng học thức và tỏa đi muôn nơi góp sức cho cuộc phát triển chung của đất nước.

Điểm sáng giáo dục miền núi

Chúng tôi đến thăm Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Tây Trà, không khí học tập của các em học sinh rất sôi nổi. Trước đây, ngăn học sinh bỏ học là một bài toán nan giải đối với các thầy cô. Còn hôm nay, việc học tập, sinh hoạt nội trú của học sinh đã trở thành nền nếp. Chuyện học sinh bỏ học giữa chừng đã không còn phổ biến như trước. Chất lượng học tập mỗi ngày được nâng lên.

Theo thầy Hồ Xuân Bằng, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Tây Trà chia sẻ: Những năm gần đây, các em học sinh lớp 9 khi thi vào 10 đều đạt kết quả tốt và hầu hết đều đủ điều kiện nhập học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Riêng về nền nếp học tập, nhờ những chính sách cho học sinh bán trú được triển khai rộng rãi, con em đồng bào người Co ở miền Tây Trà Bồng được quan tâm chăm lo; tình trạng bỏ học hầu như đã không còn. Các em có điều kiện học tập trung, cùng sinh hoạt tập thể nên việc giáo dục kỹ năng, truyền thụ kiến thức rất thuận lợi.

Còn tại Trường THPT Tây Trà, các em học sinh đang tất bật chuẩn bị thi học kỳ II. Hầu hết học sinh ở nội trú nên ngoài giờ học trên lớp, các thầy cô giáo luôn đồng hành cùng các em ở khu nội trú. Bất kể khi nào học sinh cần đều có giáo viên hỗ trợ, giúp đỡ tận tình trong quá trình ôn của các em.

Nếu như trước đây, các thầy cô tại trường phải hằng ngày suy nghĩ làm cách nào để học sinh đến lớp chuyên cần, thì nay, họ không còn phải lo nữa vì học sinh đã ý thức được tầm quan trọng của việc học nên tình trạng bỏ học giảm hẳn. Chất lượng học tập mỗi ngày được nâng lên. Qua các năm học, sĩ số được duy trì ổn định ở mức 500 học sinh. Trường THPT Tây Trà đã trở thành điểm sáng của ngành giáo dục huyện Trà Bồng.

Bên cạnh việc dạy trên lớp thì giáo viên Trường THPT Tây Trà cũng cố gắng hỗ trợ, kèm cặp các em sau giờ học
Bên cạnh việc dạy trên lớp thì giáo viên Trường THPT Tây Trà cũng cố gắng hỗ trợ, kèm cặp các em sau giờ học

Cô giáo Trần Thị Phương Thùy, giáo viên Trường THPT Tây Trà, tâm sự: Học sinh miền núi thì điều kiện học rất khó khăn, không thể có điều kiện học thêm luyện thi như các bạn ở đồng bằng, thì bên cạnh việc dạy trên lớp, giáo viên cũng cố gắng hỗ trợ, kèm cặp các em sau giờ học.

Thầy Võ Hồng Trường, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Trà cho biết, đầu năm, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập và tiến hành ôn tập cho các em theo hình thức cuốn chiếu, học đến đâu ôn đến đó nhằm giúp các em có thể nắm vững kiến thức. Như mọi năm, Nhà trường tiếp tục tổ chức các buổi học dạy phụ đạo cho các học sinh yếu kém, tập trung các vào môn thi tốt nghiệp. Tổ chức dạy kèm cho các em ở khu bán trú nói riêng và các em học sinh lớp 12 nói chung. 

“Đối với học sinh ở bán trú, nhà trường bố trí giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để kèm cặp các em, khi có gì thắc mắc các em có thể hỏi trực tiếp thầy cô. Nhà trường cũng định hướng cho các em ôn tập theo phương pháp kiến thức - kỹ năng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn”, thầy Trường cho hay.

Bà Đinh Thị Thu Hương Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng cho biết: Xã Trà Phong ngày trước là trung tâm huyện lỵ Tây Trà, nay trở thành trung tâm giáo dục của miền Tây Trà Bồng. Con em của 6 xã trong khu vực đều tập trung về đây học tập. Ở Trà Phong, hiện có đủ các cấp học, từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT, với gần 3.000 học sinh. Hiện nay, huyện đang tích cực động viên con em các trường học điểm lẻ về các điểm trường chính ở Trà Phong để học. Mục đích là để các em có điều kiện, môi trường học tập tốt hơn, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tin cùng chuyên mục