Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Tản mạn về thuyền độc mộc

Hồ Xuân Toản - 17:14, 12/03/2023

Thuyền độc mộc được người Gia Rai gọi là “thuyền cây” (Byan) là một trong những loại thuyền truyền thống có từ lâu đời và tồn tại khá phổ biến trong đời sống của cộng đồng DTTS sinh sống ven sông ở Tây Nguyên. Đó không chỉ là phương tiện để đi lại, vận chuyển hàng hóa, phục vụ lao động sản xuất, sinh hoạt của con người từ xa xưa, mà còn là vật dụng chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với sự hình thành và phát triển của cộng đồng cư dân ở cao nguyên trung phần.

Người dân sử dụng thuyền độc mộc trên sông sê san
Người dân sử dụng thuyền độc mộc trên sông sê san

Vật dụng gắn liền với đời sống cộng đồng

Không ai biết rõ thuyền độc mộc có từ khi nào và ai là người đầu tiên làm ra nó, chỉ biết rằng, thuyền độc mộc trường tồn và gắn liền với cuộc sống thường nhật của cộng đồng các DTTS sống ven sông ở Tây Nguyên nói chung, người Gia Rai ở Gia Lai nói riêng như một nét văn hóa truyền thống bất biến qua bao đời. 

Trước đây, khi chưa có thuyền máy xuất hiện, người Gia Rai dọc sông Sê San ở Gia Lai thường sử dụng thuyền độc mộc để di chuyển trên sông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu, đánh bắt thủy sản... Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thuyền độc mộc còn là phương tiện vận chuyển khí tài đắc lực của lực lượng cách mạng trên địa bàn sông nước phía Tây tỉnh Gia Lai. Hình ảnh người lái đò trên sông Pô Cô gắn với chiếc thuyền độc mộc thân thuộc, giản dị như là hình tượng của con người và vùng đất nơi đây trong lịch sử.

Thuyền độc mộc thường do một người chèo (phần lớn là nam giới), khi đi trên những khúc sông có nước chảy xiết hoặc ghềnh đá... thì đòi hỏi có hai người chèo (một người ở mũi thuyền và một người ở đuôi thuyền). Trong quá trình sử dụng nếu hư hỏng, tùy theo mức độ để người ta có nhiều hướng xử lý khác nhau. Hư hỏng nhẹ, người ta có thể chắp vá lại và tiếp tục sử dụng thêm một thời gian nữa; nếu hư hỏng nặng người ta bỏ, đưa thuyền về nhà, lấy phần còn lại để tận dụng làm các vật dụng khác như máng chứa thức ăn cho bò, lợn, hoặc dùng phần gỗ còn lại cho việc che chắn trên nóc nhà mồ...

Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (Ảnh: Internet)
Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (Ảnh: Internet)

Quy trình chế tác và những điều cấm kỵ nghiêm ngặt.

Với quan niệm “vạn vật hữu linh” mọi sự vật đều có linh hồn, đằng sau mỗi hiện tượng tự nhiên đều có các vị thần. Vị thần đó quyết định sự vận hành của vũ trụ và đời sống con người. Vậy nên, để làm được một chiếc thuyền độc mộc, người Gia Rai phải trải qua nhiều công đoạn gắn liền với những nghi thức nghiêm ngặt.

Trước khi xuống nhà chuẩn bị đi lấy nguyên liệu làm thuyền, các thành viên trong gia đình phải kiêng cữ, không được làm các việc: Không chẻ củi; không may vá; không đổ nước vào quả bầu; không trồng các loại cây chuối, cây mì... bởi nếu phạm những điều này, việc làm thuyền sẽ không suôn sẻ, thuyền làm xong dễ bị nứt, lật ngược hoặc gặp nhiều điều không may mắn.

Khi đi lấy cây làm thuyền, người Gia Rai cũng có một số tập tục bắt buộc phải tuân theo, đó là khấn xin và báo cho thần linh biết việc mình dự định làm. Sau khi cầu khấn, nếu nghe tiếng chim blang (chim bồ chao) kêu phía trước mặt - là điềm tốt; chim kêu phía sau lưng - là điều xấu; chim kêu bên trái - cần suy nghĩ lại; chim kêu bên phải - có thể tiến hành công việc dự định làm. Hoặc khi cầu khấn mà không nghe tiếng chim kêu thì cũng phải gác việc đó lại chờ hôm sau tiếp tục khấn cho đến khi nào nghe tiếng chim báo hiệu tốt mới tiến hành công việc lấy cây làm thuyền. Ngoài ra, trong quá trình đi lấy cây nếu bắt gặp con rắn, con mang chạy ngang qua đường thì phải lùi ngày lại để tránh điềm xấu xảy ra, vì nếu tiếp tục sẽ có điềm gở, không may mắn cho việc làm thuyền.

Người Gia Rai cho rằng, khi chọn cây để làm thuyền họ chỉ ước lượng đường kính, chiều cao của thân cây, tuyệt đối không được dùng thước để đo nhằm tránh làm náo động thần cây. Hoặc khi chặt cây người ta thường kiêng kỵ đối với các trường hợp như cây đổ đè phải con vật nào đó (thỏ, sóc, chồn...), thân cây không nằm xuống đất, cây đổ mà ngọn đâm xuống hoặc chắn ngược dòng suối chảy, hay có bất chợt một con vật nào chạy ngang qua thân cây... đều bị coi là điềm xấu, điềm gở. Đặc biệt, các cây bị cụt ngọn hoặc bị sét đánh thì không thể dùng để làm thuyền.

Thuyền độc mộc trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai
Thuyền độc mộc trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Nguyên liệu làm thuyền độc mộc được chọn lựa kỹ lưỡng: Thuyền độc mộc của người Gia Rai được chế tác từ cây gỗ nguyên thân, phần lớn được làm từ cây sao với đặc điểm nhẹ, bền, ít bị nứt và lướt nhanh trên mặt nước. Những cây gỗ được chọn phần lớn là những cây gỗ có thân thẳng, ít cành, có đường kính lớn vừa đủ để đẽo thuyền (kích thước khoảng 2 - 3 vòng tay người ôm).

Thuyền được làm trực tiếp tại nơi lấy gỗ. Sau khi chọn được cây, người Gia Rai thường dùng rìu để hạ cây, sau đó chặt tỉa những cành cây nhỏ, rồi dùng chính các cành cây nhỏ này làm củi thổi cơm cúng yàng (thần). Bằng các dụng cụ thô sơ như rìu, rựa, ngoài con mắt tinh tường và kỹ thuật đục, đẽo điêu luyện, người thợ phải biết tính toán trong quá trình khoét rỗng lòng thuyền, đẽo mạn thuyền làm sao cho cân đối để khi xuống nước thuyền không bị nghiêng lệch. 

Việc đẽo thuyền cũng phải theo tuần tự nhất định. Lần lượt đẽo từ phần đuôi thuyền (sai), mũi thuyền (co) rồi sau đó chia từng phần nhỏ để khoét lòng thuyền. Việc đẽo, khoét lòng thuyền được sử dụng các dụng cụ đơn giản như rìu, rựa và kết hợp giữa đục đẽo với đốt lửa nhằm vừa làm khô bớt lượng nước trong thân gỗ vừa dễ đẽo gọt. Sau khi đục khoét xong lòng thuyền người thợ dùng củi đốt lửa hơ nóng chiếc thuyền, tạo độ co giản để dễ nong - căng và cố định mạn thuyền (glăng) bằng các thanh ngang vững chắc; việc đốt lửa sau khi khoét lòng cũng là một cách để ”tút lại”, tu chỉnh bề mặt bên ngoài chiếc thuyền phù hợp hình dạng của lòng thuyền được tạo dáng trước đó và làm đẹp cho chiếc thuyền.

Khi tiến hành các công đoạn cuối cùng của việc làm thuyền độc mộc, người Gia Rai sử dụng quả trứng gà để cúng khấn cầu mong cho mọi việc được thuận lợi, chiếc thuyền khi xuống nước không chòng chềnh. Đặc biệt, trứng gà còn được sử dụng như vật dụng để cân bằng chiếc thuyền. Để thử thuyền, người ta lật úp lại và đặt quả trứng gà vào chính giữa lưng thuyền, nếu quả trứng không đổ thì chiếc thuyền khi xuống nước không bị nghiêng.

Mỗi chiếc thuyền thường được nhóm thợ (5 - 7 người) làm khoảng 3 - 6 ngày thì hoàn thành. Sau khi hoàn thành người ta không đưa về ngay mà để tại nơi làm một thời gian để gỗ có độ khô cứng nhất định mới đưa thuyền về sử dụng. Độ bền của chiếc thuyền tùy thuộc vào tần suất và người sử dụng. Ông Kpă Thol cho biết, mỗi chiếc thuyền độc mộc bình quân sử dụng được khoảng 20 - 30 năm.

Nghệ nhân Rmah Hyen bên chiếc thuyền độc mộc (Ảnh: Internet)
Nghệ nhân Rmah Hyen bên chiếc thuyền độc mộc (Ảnh: Internet)

Nguy cơ mai một ngày càng lớn

Ở Gia Lai, huyện Ia Grai là địa phương còn bảo lưu nhiều yếu tố liên quan đến thuyền độc mộc, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 xã Ia Khai và Ia O. Trong một đợt khảo sát, thống kê sơ bộ từ năm 2020, số lượng thuyền độc mộc trên địa bàn xã Ia Khai có 16 chiếc, ở xã Ia O với 8 chiếc đều còn sử dụng được. Đến tháng 9/2022, Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp cùng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiến hành khảo sát và nghiên cứu các loại hình thuyền truyền thống của các DTTS, kết quả thống kê được ở xã Ia Khai còn 11 chiếc, ở Ia O còn 3 chiếc. Phần lớn thuyền còn sử dụng nhưng mức độ hư hỏng ngày càng lớn, phải chắp vá, chỉnh sửa mới sử dụng được. 

Như vậy, chỉ sau 2 năm, số lượng thuyền độc mộc đã giảm đi đáng kể. Đề cập đến nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, người dân địa phương cho biết một số thuyền do hư hỏng nặng không thể sửa chữa, một số bị chìm xuống sông mất trong mùa nước lớn và một số đã bán cho các người sưu tầm.

Cũng như bao di sản khác, để bảo tồn và phát huy di sản thuyền độc mộc trước hết phải có người đẽo thuyền, nguyên liệu làm thuyền và người sử dụng thuyền. Tức là phải có môi trường để di sản tồn tại và phát huy. Thiếu một trong các yếu tố trên thì mọi hoạt bảo tồn sẽ chỉ mang tính tức thời và không mang lại hiệu quả cao. 

Hiện tại số lượng nghệ nhân ở 2 xã nói trên chỉ được 6 người thuần thục trong việc đẽo thuyền, đa phần đã lớn tuổi, già yếu, số ít lớp trẻ biết các kỹ thuật cơ bản về làm thuyền nhưng chỉ trên lý thuyết thông qua các lớp truyền dạy, thực tế họ chưa được thao tác trực tiếp, nên kỹ năng thực hành chưa được đánh giá cao. Do đó việc tiếp tục duy trì “nghề” làm thuyền độc mộc là hết sức khó khăn. Ông Rmah Hyen (sinh năm 1954, trú tại làng Bi, xã Ia O) là một trong những người đẽo thuyền giỏi ở xã Ia O cho biết: “hiện nay không có gỗ để làm thuyền, những người biết làm thuyền giỏi thì già yếu, bọn trẻ ít quan tâm, người dân ít sử dụng thuyền trong cuộc sống”.

Thuyền độc mộc tại bến thuyền làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai
Thuyền độc mộc tại bến thuyền làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai

Từ lâu, hình ảnh những chiếc thuyền độc mộc in bóng trên những dòng sông đã trở thành nét đặc trưng và tồn tại bất biến của cư dân vùng ven sông. Trong xã hội hiện đại, khi nguyên liệu làm thuyền bị hạn chế, số người biết đẽo thuyền ngày càng thưa dần, cuộc sống thay đổi với những chiếc cầu vững chãi bắc qua sông, nhiều phương tiện mới thay thế dẫn đến thuyền độc mộc và việc đẽo thuyền độc mộc - một loại hình tri thức dân gian độc đáo đang bị mai một cũng là một xu hướng tất yếu. 

Để giữ lại hồn cốt của di sản, để di sản thuyền độc mộc có môi trương tồn tại, để nghệ nhân có điều kiện để thực hành di sản thì tiếp tục phát huy các việc đã làm trong thời gian qua như mở lớp truyền dạy đẽo thuyền độc mộc, sửa chữa thuyền, chèo thuyền; tổ chức các cuộc thi đua thuyền độc mộc gắn liền với phát triển du lịch nhằm tạo sinh kế cho người dân… là vô cùng cần thiết. Song, cũng cần chú ý tới việc làm sao để duy trì mạch nguồn, khơi gợi khả năng sáng tạo và ý thức tự hào về văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc tại chỗ. Cần có cơ chế mở nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu để nghệ nhân có cơ hội thực hành di sản; khuyến khích hoặc hỗ trợ người dân sử dụng thuyền độc mộc trong cuộc sống. Khi đó di sản thuyền độc mộc ắt sẽ có môi trường tiếp tục tồn tại và phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Nguyên Bình

Ghi ở Nguyên Bình

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 8 - 10/9, mưa lũ tràn về đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đặc biệt tại huyện Nguyên Bình. Tính đến ngày 14/9, các điểm sạt ở tại hai xã Ca Thành và Yên Lạc đã có 52 người chết. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm số người mất tích. Đây là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào DTTS.