Những chuyến đò chòng chành đưa đón học sinh ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau theo đuổi con chữChông chênh đường tới trường
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 - 2024, cả nước có gần 104 nghìn HS học tại 318 trường PTDTNT. Trong khi đó, theo “Niên giám thống kê năm 2023” của Tổng cục Thống kê (nay là Cục Thống kê) cho thấy, năm học 2023 - 2024, cả nước có gần 3,29 triệu HS phổ thông là người DTTS. Như vậy, trừ những trường hợp nhà ở gần trường thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ HS phổ thông người DTTS ở vùng sâu, vùng xa hằng ngày phải trèo đèo, lội suối để đến trường.
Đơn cử ở cụm dân cư Lũng Pu, thôn Nà Lạn, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, nơi có 35 hộ sinh sống, 100% là đồng bào dân tộc Mông, cách Quốc lộ 279 gần 3km đường mòn trắc trở. Hằng ngày, hơn 20 em HS Trường Tiểu học Hiệp Lực từ lớp 1 đến lớp 5 nơi đây vẫn phải dậy sớm đi bộ xuống núi để tới trường. Không có nội trú, bán trú cũng không nên HS phải gói cơm mang theo để ăn trưa, chiều học xong lại theo lối mòn về Lũng Pu.

Bộ Chính trị đã quyết định miễn học phí cho toàn bộ HS từ mầm non đến phổ thông trên cả nước từ năm học 2025 - 2026. Tuy nhiên, nếu trường ở quá xa thì không thu hút được học sinh, nhiều cháu sẽ thất học”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Trích phát biểu tại Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo ngày 1/3/2025)
Không riêng miền núi mà ở đồng bằng, con đường đến trường của nhiều HS người DTTS vẫn rất chông chênh. Như ở Trường Tiểu học Đất Mũi 2, xã Đất Mũi - một địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, năm học 2024 - 2025, toàn trường có 350 HS thì có khoảng 75 - 80% HS đến trường bằng phương tiện thủy, chủ yếu bằng ghe, đò.
Đường đến trường của HS Tiểu học Đất Mũi 2 cũng như hơn 20 em HS ở cụm dân cư Lũng Pu cũng là hành trình của rất nhiều HS người DTTS có nhà cách xa trường học. Số liệu điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ II năm 2019 cho thấy, để đến trường, HS bậc tiểu học cần vượt qua khoảng cách trung bình là 2,2km; ở bậc THCS trung bình là 3,7km; bậc THPT trung bình là 10,9km. Trong điều kiện số lượng trường nội trú còn thiếu, nhiều HS người DTTS ở vùng sâu, vùng xa phải vượt qua quãng đường gập ghềnh từ nhà tới trường, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, có thể đe dọa an toàn đối với các em.
Mệnh lệnh từ trái tim
Tại Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo ngày 01/3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bày tỏ trăn trở về trường nội trú cho HS ở vùng sâu, vùng xa. Theo Thủ tướng, Bộ Chính trị đã quyết định miễn học phí cho toàn bộ HS từ mầm non đến phổ thông trên cả nước từ năm học 2025 - 2026. Tuy nhiên, nếu trường ở quá xa thì không thu hút được HS, nhiều cháu sẽ thất học.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương xây dựng đề án trên phạm vi cả nước trong năm nay để các cháu HS có trường nội trú mà “không phải đi xa, không phải đi bộ hàng chục km để đi học”; đồng thời lo ăn ở cho các cháu.
Được ở nội trú, học sinh người DTTS có điều kiện phát triển toàn diện. (Trong ảnh: Học sinh Trường PTDTNT THCS B huyện Đà Bắc trong giờ ngoại khóa)Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ là mệnh lệnh từ trái tim, xuất phát từ trăn trở trước thực tế vẫn còn nhiều HS người DTTS ở vùng sâu, vùng xa phải vượt quãng đường rất xa để đến trường. Không chỉ đối diện nhiều hiểm nguy trên quãng đường đến trường mà với nhiều HS - nhất là với HS bậc THPT, để theo đuổi con đường học tập, không được nội trú nên các em phải thuê trọ ở nhà dân, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong cuộc sống.
Như tỉnh Nghệ An, từ năm 2013 không thực hiện chế độ nội trú trường THPT cấp huyện. Từ năm 2013 đến nay, bình quân mỗi năm có từ 5.000 - 6.000 HS vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh phải thuê trọ để theo học bậc THPT ở các huyện. Cũng từ đây, nhiều hệ lụy đã xảy ra đối với HS chưa đủ trưởng thành đã phải xa nhà, trọ học; một số HS đã sa vào tệ nạn xã hội. Đơn cử như ở Trường THPT Quỳ Châu, năm học 2021 - 2022, trường có 4 HS vi phạm pháp luật khi sa vào tệ nạn ma túy; sau xét xử, có 3 HS phải chịu án từ 5 - 7 năm tù, một HS bị cải tạo không giam giữ với thời gian 10 tháng.
Mặc dù chỉ là cá biệt nhưng đây cũng là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho thấy sự quan tâm sâu sát, sâu sắc của người đứng đầu Chính phủ. Việc tăng cường cơ sở nội trú sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, rèn luyện và phát triển toàn diện của HS, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục PTDTNT, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là con em đồng bào DTTS.