Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tăng cường giám sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Cao Bằng: Đi sau tổng kết (Bài cuối)

Sơn Lâm - 19:19, 06/10/2024

Trong quá trình triển khai Chương trình MTQG 1719, công tác kiểm tra, giám sát được tỉnh Cao Bằng đặc biệt chú trọng. Những kiến nghị, đề xuất sau giám sát được tổng hợp, báo cáo với cấp có thẩm quyền, là một trong những cơ sở để đánh giá, sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện các nội dung chính sách Chương trình MTQG 1719 ở cơ sở.

(BCĐ- Chuyên đề Ban Dtoc Cao Bằng) Tăng cường giám sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Cao Bằng: Đi sau tổng kết (Bài cuối)
Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 làm Trưởng đoàn làm việc với tỉnh Cao Bằng ngày 14/5/2024

Bảo đảm chất lượng giải ngân vốn

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 1719) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ giải ngân vốn các dự án thành phần rất khả quan.

Số liệu trong Kế hoạch số 818/KH-UBND ngày 05/4/2024 về thực hiện Chương trình MTQG 1719 năm 2024 của UBND tỉnh Cao Bằng cho thấy, tỉnh đã nỗ lực giải ngân nguồn vốn năm 2023 và vốn chuyển nguồn từ năm 2022 của các dự án thành phần. Trong đó, với Dự án 4 (Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc), tỉnh giải ngân được 703,466 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch vốn.

Ngoài ra, với Dự án 2 (Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết), Cao Bằng giải ngân đạt 88% kế hoạch vốn; Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) đạt tỷ lệ 65%; Dự án 5 (Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) đạt tỷ lệ 55 %; Dự án 3 (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị) đạt tỷ lệ 49 %;...

Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng hết năm 2023, việc triển khai thực hiện một số dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó có một số dự án có tỷ lệ giải ngân còn thấp, như Dự án 10 đạt 34%, Dự án 9 đạt 28%, Dự án 8 đạt 25%.

“Sau quá trình kiểm tra, giám sát tại các địa phương trong năm 2023, tỉnh đã làm rõ nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến việc thực hiện một số dự án thành phần Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn còn chậm tiến độ, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để thực hiện bảo đảm kế hoạch giải ngân vốn trong năm 2024 và các năm tiếp theo”, ông Hùng cho biết.

Việc đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai Chương trình MTQG trong năm 2022, 2023 là cần thiết để Cao Bằng tiếp tục bảo đảm tiến độ giải ngân vốn các dự án thành phần trong năm 2024. Với vốn chuyển tiếp từ năm 2023 sang, tổng nguồn vốn để thực hiện 10/10 dự án thành phần Chương trình MTQG 1719 năm 2024 của tỉnh là 2.240,116 tỷ đồng.

“Việc giải ngân vốn các dự án thành phần Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, đối với việc nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng. Bởi xuất phát điểm kinh tế của tỉnh thấp, nguồn lực hỗ trợ cho phát triển chủ yếu từ Trung ương; đời sống của đồng bào các DTTS vẫn còn gặp khó khăn, chênh lệch mức thu nhập của các vùng, miền, giữa các dân tộc trong tỉnh còn lớn”, ông Hùng cho biết.

(BCĐ- Chuyên đề Ban Dtoc Cao Bằng) Tăng cường giám sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Cao Bằng: Đi sau tổng kết (Bài cuối) 1
Do nhiều vướng mắc, việc giải ngân vốn Dự án 9 về đầu tư, hỗ trợ các dân tộc có khó khăn đặc thù trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn chưa đạt kế hoạch. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Lô Lô ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn có nhu cầu bức thiết về nước sinh hoạt)

Nhiều vấn đề phát sinh qua giám sát

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng, trước khi xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn, tỉnh đã tiến hành khảo sát kỹ lưỡng tại cơ sở để bảo đảm đúng đối tượng, đúng địa bàn thụ hưởng. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế là rất lớn, còn nguyên tắc đầu tư là ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo. Trong quá trình kiểm tra, giám sát đã chỉ ra, nhiều đối tượng dù không thuộc diện thụ hưởng Chương trình MTQG 1719 nhưng thực sự cần được hỗ trợ.

Đơn cử với nội dung hỗ trợ về nhà ở, Cao Bằng là tỉnh miền núi vùng cao, đời sống đồng bào DTTS còn rất nhiều khó khăn, sự chênh lệch đời sống giữa cận nghèo so với hộ nghèo không nhiều, nguy cơ tái nghèo còn cao. Hộ cận nghèo vẫn rất cần được quan tâm và hỗ trợ nhà ở, nhưng đối tượng được hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719 chỉ là hộ nghèo.

“Vì vậy, rất cần có sự điều chỉnh để các hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở từ Chương trình MTQG 1719”, ông Hùng kiến nghị.

Không chỉ đề xuất bổ sung đối tượng hỗ trợ về nhà ở mà từ kết quả kiểm tra, giám sát, tỉnh Cao Bằng cũng đã làm rõ nhiều vướng mắc cần được cấp có thẩm quyền tháo gỡ trong thực hiện một số nội dung chính sách Chương trình MTQG 1719. Đơn cử, với nội dung trợ cấp gạo cho hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào DTTS tham gia bảo vệ rừng (thuộc Tiểu dự án 1 – Dự án 3), hiện tỉnh rất khó giải ngân.

Nguyên nhân là do nội dung chính sách chồng chéo, trùng đối tượng hỗ trợ gạo theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng, đối với tỉnh Cao Bằng, Dự án 4 Chương trình MTQG 1719 có nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống là rất cần thiết để tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh nguồn kinh phí chưa đáp ứng thì công tác giải phóng mặt bằng để thi công các công trình gặp nhiều vướng mắc.

(BCĐ- Chuyên đề Ban Dtoc Cao Bằng) Tăng cường giám sát thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Cao Bằng: Đi sau tổng kết (Bài cuối) 2
Cần có sự điều chỉnh để các hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở từ Chương trình MTQG 1719; bởi sự chênh lệch đời sống giữa cận nghèo so với hộ nghèo không nhiều, nguy cơ tái nghèo còn cao. (Ảnh minh họa)

“Quá trình triển khai gặp khó do quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, rừng, công tác giải phóng mặt bằng, thiếu quỹ đất công, tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng cát, đá, sỏi, đất… Ngoài ra, một số công trình không thực hiện được do vướng rừng tự nhiên”, ông Hùng phân tích.

Những vướng mắc được nhận diện trong quá trình triển khai Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn đã được UBND tỉnh Cao Bằng báo cáo với Đoàn công tác của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn tại buổi làm việc ngày 14/5/2024. Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, Đoàn công tác tiếp thu những ý kiến kiến nghị của tỉnh để tổng hợp, tham mưu, tháo gỡ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị tỉnh Cao Bằng tiếp tục quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra; tiếp tục hoàn thiện báo cáo, đánh giá rõ hơn nguyên nhân chủ quan, khách quan liên quan đến thể chế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG; đặc biệt đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để đạt được các mục tiêu đề ra, đưa chính sách phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Tin cùng chuyên mục