Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; nâng cao đời sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Sỹ Hào (thực hiện) - 08:00, 04/05/2021

Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thành quả đó là công sức, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó có sự đóng góp to lớn của 54 dân tộc anh em dưới sự lãnh đạo của Đảng.Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống của cơ quan công tác dân tộc (3/5/1946 – 3/5/2021), đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021 – 2030 đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Dân tộc và Phát triển xung quanh những quyết sách phát triển vùng đồng bào DTTS và MN; củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; đưa đất nước phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 chụp ảnh lưu niệm tại đền Hùng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và các đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 chụp ảnh lưu niệm tại đền Hùng.

Phóng viên: Lời đầu tiên, xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Dân tộc và Phát triển.

Thưa Phó Thủ tướng, Đảng, Nhà nước ta xác định vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc luôn có vị trí chiến lược và được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước. Xin Phó Thủ tướng cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng, quyết định thành công của cách mạng Việt Nam.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta. Đảng ta đã đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc, với những nội dung cơ bản là: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển.

Qua các thời kỳ, công tác dân tộc đã đạt được những kết quả to lớn; chính sách dân tộc liên tục được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước cũng như quốc tế. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác dân tộc - Nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới, trong đó khẳng định những thành tựu khá toàn diện của công tác dân tộc trên các lĩnh vực, đồng thời cũng chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục như tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng, tình trạng di cư tự phát còn diễn biến phức tạp, an ninh chính trị, trật tự xã hội vùng đồng bào DTTS và MN còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ…

Trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong thực hiện chính sách về dân tộc, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương: “Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đồng bào DTTS. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào DTTS trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”.

Đây là một bước đổi mới tư duy xác định rõ định hướng chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Phóng viên: Chủ trương của Đảng về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc đã được cụ thể hóa như thế nào trong thực tiễn những năm qua, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Từ những chủ trương của Đảng về công tác dân tộc kể trên, những năm qua, Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện để phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và MN, bảo đảm an sinh xã hội cho Nhân dân. Tính đến nay, hệ thống chính sách dân tộc đã bao phủ cơ bản toàn diện các lĩnh vực với 42 luật và 118 văn bản, chính sách liên quan. Đặc biệt Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là khung pháp lý quan trọng, bao gồm 12 nhóm chính sách trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 được ban hành và nhiều Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc đến năm 2020, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS. Hiện nay, Chính phủ đã giao Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn mới.

Từ năm 2003 đến năm 2020, Nhà nước đã tập trung bố trí ngân sách để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN với kinh phí gần 2 triệu tỷ đồng, trong đó tập trung xây dựng hàng vạn công trình kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS và MN, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho các DTTS rất ít người, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất... cho hàng trăm nghìn hộ đồng bào DTTS.

Nhờ đó, vùng đồng bào DTTS và MN đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm nhanh; việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào được đặc biệt quan tâm; cơ bản giải quyết được những vấn đề bức thiết về di cư tự do, hoạt động tôn giáo trái pháp luật, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định trật tự vùng đồng bào DTTS và MN, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chúc Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2019 tại Trà Vinh.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chúc Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2019 tại Trà Vinh.

Phóng viên: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được xác định là bước đột phá để phát triển bền vững vùng “lõi nghèo” của cả nước. Để triển khai thực hiện hiệu quả, vai trò, trách nhiệm của cơ quan công tác dân tộc, của các cấp, các ngành, các địa phương được xác định như thế nào, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Thời gian qua, mặc dù nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN đã đạt được kết quả quan trọng nhưng so với nhu cầu phát triển thì vẫn còn hạn chế và vùng đồng bào DTTS và MN vẫn là “lõi nghèo” của cả nước. Đây là mối trăn trở rất lớn của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền.

Vì vậy, để cụ thể hóa Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới, Chính phủ đã xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia riêng về thực hiện các chính sách dân tộc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với đồng bào DTTS và MN, một quyết sách của “ý Đảng, lòng dân”.

Ngay sau khi Đề án và Chương trình được Quốc hội phê duyệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP để triển khai Đề án, đồng thời xây dựng Kế hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia đặc biệt này, trong đó tập trung chuẩn bị đầy đủ các cơ sở pháp lý, các điều kiện cần thiết và huy động, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện Chương trình ngay từ năm 2021. Dự kiến giai đoạn 2021 – 2025 sẽ bố trí hơn 134.000 tỷ đồng, trong đó nguồn lực nhà nước giữ vai trò quan trọng và quyết định để thực hiện Chương trình.

Hiện nay Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 đang được Chính phủ hoàn thiện để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 1 vào tháng 6/2021. Vì vậy, để có thể kịp thời triển khai thực hiện ngay Chương trình mục tiêu quốc gia thì các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, xây dựng kế hoạch, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực ngay từ bây giờ. Đặc biệt, là cơ quan được giao chủ trì quản lý Chương trình, vai trò của Ủy ban Dân tộc là rất quan trọng trong việc tổng hợp, tham mưu, tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện.

Trước mắt, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi và danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025, làm cơ sở để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia, trình Hội đồng thẩm định Nhà nước theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan xây dựng nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời chuẩn bị tốt tài liệu phục vụ Hội đồng thẩm định Nhà nước sớm hoàn thành thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030.

Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, không để trùng lắp giữa nội dung đề xuất chủ trương đầu tư 02 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030.

Các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nhuần nhuyễn, chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ các nội dung, cơ chế chính sách, nguồn lực để có thể thực hiện ngay khi được Quốc hội phê duyệt về vốn và Thủ tướng phê duyệt quyết định đầu tư.

Phóng viên: Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống cơ quan công tác dân tộc, Phó Thủ tướng có thông điệp gì gửi tới cơ quan làm công tác dân tộc các cấp trên cả nước?

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Thành tựu của lĩnh vực công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong những năm qua đã có những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến cơ sở ngày càng được hoàn thiện, nâng cao cả về trí, về tài, đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, tận tụy, tâm huyết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương các cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp đã nỗ lực, tâm huyết triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc.

Để thực hiện tốt công tác dân tộc trong thời gian tới, tôi đề nghị cơ quan công tác dân tộc các cấp cần tiếp tục nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, tổ chức quán triệt nghiêm túc, đầy đủ và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 – 2030.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân tộc phải kiên trì, kiên quyết thực hiện các nguyên tắc lớn là: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển; chăm lo phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị” và lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn quân, toàn dân ta, cùng với quyết tâm, nỗ lực, khát vọng phát triển của mỗi cá nhân, chúng ta có niềm tin sâu sắc sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, tạo bước đột phá trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc, tạo cơ hội mới cho vùng đồng bào DTTS và MN phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!