Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS

PV - 18:29, 15/07/2022

Trên cơ sở những kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn 1, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2 Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025”.

Những chuyển biến tích cực

Những năm qua, ngành Giáo dục đã tổ chức cho trẻ mầm non, tiểu học học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường, tăng thời lượng dạy Tiếng Việt cho học sinh DTTS lớp 1 từ 350 tiết lên 500 tiết, quan tâm tạo môi trường trong và ngoài lớp học cho trẻ rèn luyện ngôn ngữ, tăng cường tiếng Việt cả trong dịp Hè và thực hiện ngay từ bậc mầm non… Nhờ đó, khả năng nói tiếng Việt của trẻ DTTS hiện nay đã có những tiến bộ rõ rệt, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục.

Lớp tăng cường tiếng Việt trong Hè năm 2022 cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 Trường Tiểu học Cam Phước Đông 1
Lớp tăng cường tiếng Việt trong Hè năm 2022 cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 Trường Tiểu học Cam Phước Đông 1

Cô Nguyễn Thị Ý, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Phước Đông 1 (Tp. Cam Ranh) cho biết: “Năm học 2021 - 2022, trường có 255 học sinh DTTS, chiếm gần 1/3 số học sinh toàn trường. Các học sinh được học tăng cường Tiếng Việt hàng tuần, được trang bị đồ dùng học tập, sách vở, tham gia các hoạt động ngoài giờ… So với trước, HS DTTS đã mạnh dạn, tự tin hơn, nói tiếng Việt lưu loát hơn nhiều. Hè này, nhà trường tổ chức tăng cường Tiếng Việt cho 55 trẻ người dân tộc Raglay chuẩn bị vào lớp 1”.

Ông Lê Minh Trung - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Khánh Vĩnh nhận định: “Đề án có ý nghĩa rất thiết thực, hiệu quả và cần được duy trì. Nhờ được tăng cường Tiếng Việt, đa số học sinh DTTS có vốn từ vựng phong phú hơn, kỹ năng giao tiếp tốt hơn ngay từ bậc mầm non, tạo nền tảng để bước vào lớp 1”.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, ở cấp mầm non, toàn tỉnh hiện có 485 giáo viên dạy trẻ DTTS, trong đó giáo viên người Kinh chiếm 73,8%. Số giáo viên người Kinh biết tiếng DTTS chiếm 59,4%. Ở cấp tiểu học, có 639 giáo viên tại các trường có tổ chức giảng dạy và thực hiện tăng cường tTiếng Việt cho học sinh DTTS, trong đó giáo viên người Kinh chiếm 76,7%; có 121 giáo viên người Kinh biết tiếng DTTS, chiếm 18,9%, tăng 39 người so với năm học 2015 - 2016 khi mới triển khai thực hiện Đề án. Trình độ chuyên môn của giáo viên tham gia dạy tăng cường tiếng Việt ngày một nâng cao. Trong số 149 giáo viên DTTS cấp tiểu học, trình độ đại học chiếm 52,4%, tăng 30,5% so với 5 năm trước.

Bên cạnh đó, chất lượng và tỷ lệ học sinh ra lớp tăng cường Tiếng Việt cũng tăng theo từng năm. Trong Hè, tỷ lệ trẻ DTTS được tăng cường Tiếng Việt đạt 100% đối với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, hơn 97% đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, hơn 50% đối với các lớp 3 - 4 tuổi, 4 - 5 tuổi. Đối với cấp tiểu học, sau 5 năm, tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi đạt 94,2% (tăng 5,4%), hoàn thành chương trình đạt 100% (tăng 0,8%), bỏ học còn 0,11% (giảm 0,08%), lưu ban còn 2,01% (giảm 2,05%).

Sẽ bồi dưỡng để giáo viên áp dụng dạy song ngữ

Kinh phí thực hiện Đề án tăng cường Tiếng Việt cho trẻ DTTS giai đoạn 2016 - 2020 gần 2,02 tỷ đồng, trong đó chi bồi dưỡng giáo viên đứng lớp hơn 1,24 tỷ đồng, còn lại là mua sắm đồ dùng học tập cho học sinh, hỗ trợ xăng xe cho giáo viên, chi cho cán bộ quản lý trường, bồi dưỡng cán bộ quản lý phòng GD&ĐT, mua sắm tài liệu.

Theo ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tăng cường Tiếng Việt cho trẻ DTTS vẫn còn khó khăn. Do chưa có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo trong Hè, nên việc huy động trẻ ra lớp để tăng cường Tiếng Việt gặp khó khăn. Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp với học sinh, phụ huynh bằng tiếng DTTS của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên còn hạn chế. Một số trường có nhiều điểm lẻ xa nhau nên khó tập trung học sinh để tổ chức hoạt động.

Mặt khác, kinh phí thực hiện Đề án đến nay không còn phù hợp; việc hỗ trợ kinh phí mua đồ dùng học tập cho trẻ, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên tham gia tăng cường Tiếng Việt rất ít ỏi, thiếu sự thu hút. 2 năm học gần đây, việc dạy và học gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên công tác tăng cường Tiếng Việt cho trẻ cũng bị ảnh hưởng, việc tổ chức các lớp trong hè không thực hiện được. Hiện nay, các trường đã dạy học ổn định và đang tổ chức các hoạt động tăng cường Tiếng Việt cho trẻ trong hè. Sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ kiểm tra, đánh giá lại và hỗ trợ các trường trong công tác này.

Được biết, Bộ GD&ĐT đang biên soạn tài liệu để triển khai Đề án tăng cường Tiếng Việt cho trẻ DTTS giai đoạn 2. Một trong những điểm đáng chú ý của Đề án là ngành Giáo dục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường bồi dưỡng tiếng DTTS cho đội ngũ giáo viên để có thể áp dụng giáo dục song ngữ (tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của trẻ) khi giảng dạy nhằm giúp trẻ dễ hiểu hơn.

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 35% trẻ người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ mẫu giáo DTTS được huy động ra lớp; 100% trẻ các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường Tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Hằng năm, 100% học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường Tiếng Việt trong Hè, các môn học và hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp.

Ở cấp mầm non, toàn tỉnh hiện có 53/205 trường, 43 nhóm trẻ, 248 lớp có trẻ DTTS. Cấp tiểu học có 64/189 trường, 118 điểm trường có học sinh DTTS, trong đó có 37 trường với 79 điểm trường có học sinh DTTS được tăng cường Tiếng Việt (3 trường thuộc địa bàn khó khăn và 22 trường thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn). Tỷ lệ trẻ mầm non người DTTS đến lớp đạt 83,3%, trong đó nhà trẻ đạt 38,9%, mẫu giáo 86%, mẫu giáo 5 tuổi 99%. Tổng số trẻ ăn bán trú tại trường đạt 94%. Học sinh tiểu học là người DTTS chiếm hơn 8%.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Quảng Ngãi: Lan tỏa các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống trong học đường

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, các trường học ở miền núi Quảng Ngãi đã mở lớp đào tạo hát múa dân ca, đánh chiêng… trong học đường. Điều này vừa tạo sự thích thú cho học sinh, vừa góp phần gìn giữ văn hoá truyền thống.