Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Tăng quyền tiếp cận nước sinh hoạt ở vùng đồng bào DTTS và miền núi

Sỹ Hào - 06:49, 17/12/2023

Chương trình MTQG 1719 đã đưa vấn đề hỗ trợ nước sinh hoạt là một trong những nội dung trọng tâm cần giải quyết, với mục tiêu đến năm 2025 có 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Để đạt được mục tiêu này, ngoài nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thì cần huy động sự tham gia, đóng góp của Nhân dân trong xây dựng cũng như quản lý các công trình nước sinh hoạt.

Chương trình MTQG 1719 phấn đấu đến năm 2025 có 90% hộ đồng bào DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. (Ảnh minh họa)
Chương trình MTQG 1719 phấn đấu đến năm 2025 có 90% hộ đồng bào DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. (Ảnh minh họa)

Khi người dân chung tay

Quảng Ninh là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống. Theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021, giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ninh có 56 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi; toàn tỉnh có 162.531 nhân khẩu người DTTS (chiếm 11,45% dân số toàn tỉnh), cư trú tập trung chủ yếu ở các huyện như: Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV (ngày 6/12/2023), tỷ lệ hộ gia đình khu vực nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đã đạt 99,96%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; đặc biệt là tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 67,17%.

Để đạt được kết quả này, một trong những giải pháp được tỉnh Quảng Ninh triển khai hiệu quả trong những năm qua là huy động sự tham gia của người dân trong thực hiện mục tiêu tăng cường quyền tiếp cận nước sinh hoạt. Không chỉ ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mà với những địa phương còn khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, người dân cũng hăng hái tham gia đóng góp tài chính để xây dựng các công trình nước sinh hoạt.

Xã vùng cao Quảng An (huyện Đầm Hà) là một ví dụ. Toàn xã có 1.427 hộ, trong đó hơn 74% dân số là đồng bào DTTS (Dao, Sán Dìu, Sán chỉ, Hoa, Tày, Nùng). Tính đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã Quảng An chưa phải là cao (khoảng trên 40 triệu đồng/người/năm), nhưng từ nhiều năm trước, người dân trên địa bàn xã đã tích cực quyên góp để xây dựng công trình nước sinh hoạt. Đến hết năm 2020, trên địa bàn xã có 7 công trình cấp nước tập trung, trong đó chỉ có 3 công trình do Nhà nước đầu tư; 4 công trình còn lại đều do người dân đóng góp kinh phí.

Không riêng Quảng Ninh mà thời gian qua, ở một số địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi, các hộ DTTS đã chủ động tăng quyền tiếp cận nước sinh hoạt bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Đơn cử tại Yên Bái, theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, tính đến tháng 4/2023, đã có 92.577 hộ dân ở khu vực nông thôn trên địa bàn được vay 960 tỷ đồng để làm mới, sửa chữa 150.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Nhờ đó, hiện tỷ lệ dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 93%. Trong đó, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung là 29% (358 công trình); tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ công trình nhỏ lẻ là 62% với khoảng 100.000 công trình. Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn lên trên 98%.

Đồng bào DTTS tỉnh Yên Bái được hỗ trợ téc trữ nước sinh hoạt từ Chương trình MTQG 1719.
Đồng bào DTTS tỉnh Yên Bái được hỗ trợ téc trữ nước sinh hoạt từ Chương trình MTQG 1719.

Tăng cường phân cấp quản lý cho cộng đồng

Kết quả của Quảng Ninh, Yên Bái rất cần nhân rộng trong lộ trình thực hiện mục tiêu tăng cường tiếp cận nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ nhiều năm qua, ngân sách nhà nước đã bố trí nguồn lực không nhỏ, cùng với đó là vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để đầu tư, hỗ trợ cấp nước sinh hoạt ở địa bàn này, nhưng kết quả vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.

Trong “Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020” theo Quyết định số 449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% hộ gia đình DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, theo Báo cáo 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 về tổng kết Chiến lược này, đến năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chỉ đạt 85%.

Trong khi đó, liên quan đến nước sạch cho người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng đã có nhiều chương trình, dự án trong và ngoài nước được triển khai. Có thể kể đến Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn qua 3 giai đoạn (từ năm 1998 – 2015); Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a…

Trước thực trạng nước sinh hoạt hợp vệ sinh vẫn là vấn đề cấp bách ở một bộ phận người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719) tích hợp chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt trong Dự án 1. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 có 90% hộ đồng bào DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Cần nghiên cứu phương án quản lý, sử dụng công trình nước sinh hoạt sau đầu tư. (Trong ảnh: Công trình nước sinh hoạt tại Bản Khằm, thị trấn Quan Hóa, huyện Quan Hóa không còn sử dụng được do đường ống dẫn nước bị hư hỏng)
Cần nghiên cứu phương án quản lý, sử dụng công trình nước sinh hoạt sau đầu tư. (Trong ảnh: Công trình nước sinh hoạt tại Bản Khằm, thị trấn Quan Hóa, huyện Quan Hóa không còn sử dụng được do đường ống dẫn nước bị hư hỏng)

Sau 03 năm triển khai, Chương trình MTQG 1719 đã đầu tư nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung, đồng thời hỗ trợ hàng chục nghìn hộ đồng bào DTTS nước sinh hoạt phân tán (trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước). Nguyên tắc thực hiện chính sách là ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Cũng chính từ sự ưu tiên địa bàn triển khai của Chương trình MTQG 1719 nên các địa phương cần quan tâm phương án quản lý đối với các công trình nước sinh hoạt tập trung sau khi bàn giao, đưa vào sử dụng. Từ nhiều năm nay, đây là vấn đề đã được thảo luận trong nghị trường Quốc hội cũng như trên nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo. Trong đó nhiều ý kiến đề nghị các địa phương cần xem xét bàn giao cho cộng đồng quản lý các công trình nước sinh hoạt tập trung để bảo đảm hiệu quả sử dụng lâu dài.

Trở lại tỉnh Quảng Ninh để xem xét kỹ hơn về nhận định này. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV, toàn tỉnh hiện có 262 công trình cấp nước tập trung nông thôn; trong đó cộng đồng quản lý 227/262 công trình (chiếm tỷ lệ 86,64%). Cộng đồng quản lý, sử dụng nên tuổi thọ công trình được kéo dài.

Đơn cử như công trình nước sinh hoạt tập trung ở thôn Làng Ngang (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) được đầu tư từ năm 2017, từ đóng góp của Nhân dân trong thôn (mỗi hộ gần 7,3 triệu đồng). Đến nay công trình vẫn bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt rất tốt cho 55 hộ dân trong thôn. Đây là kinh nghiệm cần được các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi nghiên cứu, thực hiện trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý các công trình, từ đó tăng quyền tiếp cận nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.