Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Lai Châu: Nỗ lực đưa nước sạch đến với đồng bào DTTS

Xuân Hải - 05:47, 28/11/2023

Hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những chính sách được triển khai, thực hiện hiệu quả ở nhiều địa bàn thuộc tỉnh Lai Châu. Qua đó, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS.

Việc duy tu, sửa chữa, bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt luôn được các cấp chính quyền tại tỉnh Lai Châu quan tâm, chú trọng.
Việc duy tu, sửa chữa, bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt luôn được các cấp chính quyền tại tỉnh Lai Châu quan tâm, chú trọng.

Trước đây, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu thường phải sử dụng nước suối để tắm giặt, ăn, uống. Ngày ngày người dân phải ra suối để cõng nước về sinh hoạt. Nguồn nước thường bị thiếu hụt vào mùa khô và ô nhiễm do thói quen thả rông gia súc, mữa lũ…

Tuy vậy, vài năm trở lại đây, từ nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng (trong đó có việc xây dựng, sửa chữa các công trình nước sạch), từng bước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Những năm trước, do bản Nà Cúng, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu chưa có công trình nước sạch, nhiều gia đình phải tự bỏ tiền mua máy hút nước, ống dây dẫn nước từ mó về. Tuy vậy, do không có bể lọc, khi trời mưa, lượng đất, rác làm tắc ống và nước đục. Vào mùa khô, nhất là vào tháng 3, tháng 4 hằng năm, nguồn nước xuống thấp, nhiều lúc không có nước để sử dụng. Năm 2022, huyện Phong Thổ đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt tại khu C5, C7 tại bản Nà Cúng với các hạng mục: Bể lọc, bể chứa, bể thu nước, tường chắn đất, hố van trên tuyến, thay mới đường ống, lắp đồng hồ công tơ… Hiện công trình đang giúp 72 hộ dân bản Nà Cúng có đủ nước sinh hoạt, yên tâm lao động, sản xuất. 

Ông Trần Bảo Trung, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, tính đến nay toàn huyện có 152 công trình cấp nước sinh hoạt, phục vụ cho trên 11.600 hộ dân với 55.924 nhân khẩu. Nhờ người dân đồng thuận lắp đồng hồ công tơ, trả tiền nước sử dụng để làm kinh phí cho đội tự quản vận hành và bảo dưỡng, đến nay, cơ bản các công trình cấp nước sinh hoạt tại huyện Phong Thổ đều phát huy hiệu quả sau đầu tư. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng lên 88,8%. Theo kế hoạch, năm 2023, huyện Phong Thổ đầu tư thêm 5 công trình cấp nước sinh hoạt với kinh phí gần 4,5 tỷ đồng, phục vụ cho 274 hộ ở các xã Ma Ly Pho, Nậm Xe, Bản Lang, Hoang Thèn.

Còn tại huyện Mường Tè, số lượng hệ thống công trình nước sạch cũng tăng lên qua từng năm. Đứng cạnh công trình nước sạch của xã, chị Chìu Tài Múi (trú tại xã Bum Tở, huyện Mường Tè) chia sẻ: “Trước đây để có nước sinh hoạt, gia đình tôi thường phải đi gánh nước hàng cây số vừa vất vả, tốn thời gian, nguồn nước tại các con suối lại không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ khi được Đảng, Nhà nước, chính quyền quan tâm đầu tư xây cho bản các công trình nước sinh hoạt, gia đình tôi rất vui vì nguồn nước vừa sạch vừa tiện lợi. Có nước về bản, chúng tôi có nhiều thời gian tập trung cho lao động sản xuất để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Từ đó, cũng không lo thiếu hụt lúa gạo, thiếu hụt cả nước ăn”.

Người dân vùng đồng bào DTTS tại nhiều địa bàn thuộc tỉnh Lai Châu phấn khởi khi được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.
Người dân vùng đồng bào DTTS tại nhiều địa bàn thuộc tỉnh Lai Châu phấn khởi khi được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.

Ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè thông tin, đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây dựng 114 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh tới địa bàn các xã, bản, số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 95,9%. 

Để quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả công trình nước sinh hoạt, UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ quản lý tại các bản. Đồng thời xây dựng quy chế hoạt động, đôn đốc các tổ quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa công trình hằng tháng, quý... để đảm bảo việc cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Ðánh giá về kết quả đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước sạch, nước sinh hoạt đạt chuẩn, ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho rằng: Với điều kiện đặc thù là tỉnh miền núi khó khăn, nhiều đồng bào DTTS sống phân tán, tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp... cho nên mục tiêu đưa nước sinh hoạt về vùng sâu, vùng xa phục vụ người dân luôn được cấp ủy, chính quyền và các ngành đặc biệt quan tâm.

Dưới sự chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán trong sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đến nay toàn tỉnh Lai Châu đã có gần 1.100 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (trong đó cấp nước sạch cho 99,6% dân số khu vực thành thị và cấp nước hợp vệ sinh cho 84,92% dân số khu vực nông thôn). Lai Châu đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% dân số khu vực thành thị được sử dụng nước sạch sinh hoạt và 85% dân số nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh.

Có thể nói, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Nhận thức rõ giá trị của công trình nước sạch, người dân đã tuân thủ nghiêm túc việc quản lý, vận hành, sử dụng để phát huy hiệu quả một cách cao nhất.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.