Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Tây Giang xây dựng lò đốt rác thải giảm thiểu ô nhiễm môi trường

PV - 10:40, 29/03/2022

Rác thải ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) hầu hết được xử lý bằng hình thức chôn lấp, hay đốt tự phát, khiến cho môi trường đất, sông suối dễ bị ô nhiễm. Vì vậy, địa phương đang triển khai các biện pháp để giảm thiểu tình trạng này.

Anh Bling Níu (áo thun xanh) và các anh em trong tổ thu gom, đốt rác thôn Tr'Lêê, xã A Tiêng tự tay phân loại rác và đem đi đốt. (Ảnh: ĐH)
Anh Bling Níu (áo thun xanh) và các anh em trong tổ thu gom, đốt rác thôn Tr'Lêê, xã A Tiêng tự tay phân loại rác và đem đi đốt. (Ảnh: ĐH)

Ông Lê Văn Phú - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tây Giang cho biết, thời gian qua, tình trạng người dân vứt rác thải bừa bãi ra dọc đường, sông, suối... gây ô nhiễm nguồn nước, làm mất mỹ quan nông thôn miền núi. Đây là áp lực đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Để giải quyết vấn đề bức xúc trên, ngành môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng thí điểm 15 lò đốt rác thủ công tại 15 khu dân cư trên địa bàn đang bức xúc về môi trường. Mỗi lò trị giá khoảng trên 20 triệu đồng.

Ngoài ra, cán bộ còn xuống tận thôn vận động người dân không vứt rác bừa bãi; hướng dẫn cách thu gom, phân loại rác thải trước khi đem ra lò đốt. Theo ông Phú, để việc triển khai thu gom, đốt rác hiệu quả, các xã đã thành lập các tổ thu gom, xử lý rác ở từng thôn. Mỗi tổ khoảng 10 người và thay phiên nhau làm. Rác sau khi đốt được tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Những loại rác vô cơ (chai, lọ nhựa...) được tập hợp lại bán phế liệu.

Phần lớn rác được đốt là loại rác hữu cơ, tro sẽ được tận dụng làm phân bón cho cây. (Ảnh: ĐH)
Phần lớn rác được đốt là loại rác hữu cơ, tro sẽ được tận dụng làm phân bón cho cây. (Ảnh: ĐH)

Chính quyền các xã, thôn cũng vận động người dân thực hiện tốt việc đóng phí vệ sinh môi trường theo Quyết định số 22 ngày 19/9/2017 của UBND tỉnh. Số tiền này, một phần chi trả công cho các thành viên trong tổ thu gom, xử lý rác. Trước mắt Tây Giang xây 15 lò đốt tại các điểm thôn khó khăn về giao thông, xe chuyên chở rác không vào được và đây cũng là thôn nằm trong diện xây dựng nông thôn mới, để bảo đảm tiêu chí số 17 về môi trường.

“Sau 1 năm thí điểm sử dụng, nếu hiệu quả chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai mô hình này tại các thôn còn lại", ông Phú nói.

Như thói quen cuối tuần, anh Bling Níu, thôn Tr'Lêê (xã A Tiêng) tự tay phân loại rác và xách thùng đựng rác ra lò đốt. “Từ ngày xây lò đốt, tất cả các loại rác đều được phân ra và đốt cháy sạch hết. Trong nhà, ngoài ngõ, đường làng sạch sẽ không còn tình trạng vứt rác lung tung như trước nữa. Con suối trong xanh hơn, con cá, con tôm sống khỏe hơn", anh Bling Níu phấn khởi.

Còn theo ông Pơloong Acông - Chủ tịch UBND xã A Tiêng, số tiền để xây lò đốt rác không nhiều nhưng nó mang lại nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước. Đợt này, xã A Tiêng có hai thôn (Rb'hượp và Tr’lêê) được chọn để triển khai.

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện (giữa) cùng lãnh đạo các ban ngành kiểm tra mô hình lò đốt rác tại thôn Bloóc, xã Bhalêê. (Ảnh: ĐH)
Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện (giữa) cùng lãnh đạo các ban ngành kiểm tra mô hình lò đốt rác tại thôn Bloóc, xã Bhalêê. (Ảnh: ĐH)

“Chúng tôi đã cùng với cán bộ thôn tuyên truyền vận động Nhân dân cam kết không xả rác ra môi trường và phải tự giác thu gom, phân loại rác đem đi đốt. Đây là việc làm mới nhưng phải tập dần cho quen”, ông Acông nói.

Được biết, Tây Giang là một trong những dịa phương đang trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, mà cái khó thực hiện nhất là tiêu chí số 17 về môi trường. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành, các xã triển khai thực hiện tốt tiêu chí này.

Với địa bàn miền núi giao thông chia cắt, xe thu gom rác chuyên dụng không đến thu gom, thì với việc thí điểm mô hình sử dụng lò đốt bước đầu đem lại hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục