Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Tây Nguyên: Nhiều ca mắc bạch hầu trước thềm năm học mới

PV - 09:26, 08/09/2020

Sau thời gian tạm lắng, hiện một số tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện nhiều ca mắc bệnh bạch hầu. Đáng lo ngại hơn khi hàng nghìn học sinh đang trước thềm năm học mới. Vừa đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vacccine mở rộng, ngành Y tế các tỉnh chỉ đạo chủ động các biện pháp đối với phó dịch bạch hầu.

Trung tâm Y tế tỉnh Gia Lai phun khử khuẩn khu vực có dịch bạch hầu. Ảnh: THANH TUẤN
Trung tâm Y tế tỉnh Gia Lai phun khử khuẩn khu vực có dịch bạch hầu. Ảnh: THANH TUẤN

Nhiều trẻ nhỏ bị mắc bạch hầu

Tại tỉnh Gia Lai, ngành Y tế vừa phát hiện thêm 3 ca mắc bệnh bạch hầu tại huyện Chư Păh. 3 bệnh nhân gồm là: Ksor Thuân (SN 2001, trú tại làng Grái, thị trấn Phú Hoà), Rơ Châm Chiêu (SN 2010, trú tại làng Bloi, thị trấn Ialy) và Rơ Châm Trúc (SN 2008, trú tại làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông).

Tính đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có 38 bệnh nhân mắc bạch hầu với 14 ổ dịch.

Sở Y tế tỉnh Gia Lai chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC) phối hợp với UBND huyện Chư Păh thành lập các chốt kiểm soát tại các ổ dịch, phun khử khuẩn và khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài. CDC tỉnh Gia Lai cũng phun tiêu độc khử trùng tại gia đình bệnh nhân và các hộ dân xung quanh, đồng thời tổ chức khám sàng lọc để cách ly, điều trị dự phòng những trường hợp tiếp xúc gần.

TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận một ca mắc bạch hầu. Bệnh nhân được xác định là Y.M.E (SN 2017, thôn 7, xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột). Như vậy, hơn 2 tháng qua, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 41 trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở 15 xã, 6 huyện, thành phố.

UBND TP.Buôn Ma Thuột vừa có văn bản hỏa tốc về triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống bạch hầu. Theo đó, lực lượng y tế trên địa bàn tiến hành khoanh vùng, cách ly y tế từ 0h ngày 4.9 đến 0h ngày 11.9 khoảng 700 hộ dân (thôn 7, xã Cư Êbur). Chính quyền thành phố yêu cầu tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các trường học ở địa bàn thôn 7 cho học sinh nghỉ học đến hết thời gian cách ly.

Người dân cần tiêm chủng vaccine đủ liều

Trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Đăng Khoa - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Đắk Lắk - cho hay, đơn vị đã chỉ đạo việc dạy tăng cường cho các em học sinh ở trường tiểu học Nơ Trang Lơng, xã Cư Êbur khi các em đến trường trở lại để đảm bảo theo kịp tiến độ chương trình học. Ngoài trường tiểu học trên, địa bàn thôn 7, Cư Êbur còn có thêm 1 trường mầm non khác đã không tổ chức khai giảng năm học mới để đảm bảo an toàn cho các em học sinh.

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk - cho hay, hàng trăm hộ dân ở xã Cư Êbur sẽ được uống thuốc phòng dịch bệnh, 7 ngày sau tất cả người dân trong vùng sẽ được tiêm vaccine phòng bạch hầu. Nếu hết cách ly, khu vực trên vẫn còn thêm ca mắc thì các em trong vùng vẫn sẽ đi học như bình thường. Tuy vậy, phía nhà trường phải vệ sinh khử khuẩn, theo dõi diễn biến sức khỏe các cháu. Khi phát hiện học sinh nào có những dấu hiệu phát bệnh cần đưa đến trung tâm y tế để được khám, chữa trị kịp thời.

Ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế Gia Lai - nói rằng, sau thời gian dài phòng chống dịch, đến nay, các ổ dịch về cơ bản đã được kiểm soát, nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và đã cho xuất viện. Sở Y tế Gia Lai khuyến cáo người dân cần đến các cơ sở y tế tiêm chủng vaccine bạch hầu đầy đủ, đúng liều, hạn chế tiếp xúc gần với người bị bệnh. Bởi có nhiều trường hợp người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa đến cơ sở y tế tiêm chủng không đủ liều để tạo kháng thể, vẫn có thể mắc bệnh như thường.

Chuẩn bị bước vào thềm năm học mới, các em học sinh vẫn là các đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh bạch hầu. Ông Lê Duy Định - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Gia Lai - cho biết, khai giảng năm học mới, toàn tỉnh có hơn 400.000 học sinh chính thức tựu trường. Nhiều tuần trước, các trường, điểm trường đã tiến hành vệ sinh phòng học, khuôn viên và xung quanh trường học nhằm đảm bảo môi trường an toàn, sạch sẽ để đồng thời phòng chống dịch COVID-19.

Đồng thời, nhà trường chuẩn bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng, nước diệt khuẩn và bố trí giáo viên đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào cổng. Các giáo viên, nhà trường hướng dẫn cho phụ huynh, học sinh nếu có triệu chứng ho, sốt thì cần báo ngay cơ sở y tế để khám và kiểm tra sức khỏe. Không tập trung đông người vào giờ đưa đón con.

Tin cùng chuyên mục