Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tết Bunpimay trên đất Tây Nguyên

PV - 08:38, 19/04/2018

Tết Bunpimay hay còn gọi là Tết mừng năm mới của dân tộc Lào diễn ra từ 13 đến 16/4 hằng năm.

Trong Lễ hội Bunpimay, người dân thường té nước vào nhau để chúc phúc, cầu bình yên no ấm, hạnh phúc cả năm và mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Năm 2018, tỉnh Đăk Lăk, Hội liên hiệp Các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt Nam-Lào tỉnh Đăk Lăk phối hợp Huyện ủy, UBND huyện Buôn Đôn tổ chức Lễ hội Tết Bunpimay cho người Việt gốc Lào trên địa bàn huyện tại xã Krông Na, diễn ra trong hai ngày 14 và 15/4.

Đại diện Ủy ban Dân tộc, Vụ trưởng Vụ Địa phương II Nguyễn Xuân Đức (ngoài cùng trái) trao quà cho đồng bào Lào. Đại diện Ủy ban Dân tộc, Vụ trưởng Vụ Địa phương II Nguyễn Xuân Đức (ngoài cùng trái) trao quà cho đồng bào Lào.

 

Cộng đồng người Lào đến giao thương và định cư tại Buôn Đôn từ những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, hiện có khoảng 220 nhân khẩu tập trung sinh sống tại xã Krông Na. Tết Bunpimay không những thể hiện sự tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân các bộ tộc Lào, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của các bộ tộc Lào mà còn làm phong phú thêm văn hóa dân gian của đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Lễ đón năm mới được tổ chức chu đáo với đầy đủ các nghi lễ truyền thống, giúp đồng bào người Lào có được cảm giác gần gũi, ấm cúng, vui tươi.

Tết Bunpimay diễn ra với nhiều nghi thức độc đáo mang đậm nét văn hóa Phật giáo. Mở đầu là lễ “Dâng quà”-“Nhận quà” cầu mong cho gia đình có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong năm mới. Tiếp đến là Lễ hội hoa đăng, mọi người cùng thả bè trôi sông để xả những cái xui đi. Rồi lễ tắm Phật mọi người cung kính vẩy nước thơm được chế từ nước, nghệ, dầu thơm và cánh hoa đoọc khun (hoa bò cạp vàng), loài hoa vàng duyên dáng nở rộ khắp nơi trên đất Lào đúng dịp Tết Bunpimay lên các bức tượng phật để mang lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, cuộc sống hạnh phúc của con người. Tiếp đến là Lễ buộc chỉ, người Lào sẽ buộc sợi chỉ đã được kết nhiều màu vào tay khách để cầu cho vị khách sức khỏe dồi dào, may mắn, bình yên và hạnh phúc trong năm mới, còn với thanh niên nam nữ chưa lập gia đình thì buộc chỉ nhằm cầu duyên cho họ được như ý muốn.

Lễ buộc chỉ cầu sức khỏe, may mắn. Lễ buộc chỉ cầu sức khỏe, may mắn.

 

Theo phong tục của người Lào thì sợi chỉ phải được đeo trên tay suốt 3 ngày mới được tháo ra thì điều may mắn mới đến trong suốt cả năm. Cuối cùng là Lễ té nước được xen lẫn với các điệu múa Lăm vông chào đón khách của những cô gái Lào trong trang phục truyền thống. Để thể hiện lòng tôn kính, người trẻ tuổi thường té nước vào người lớn tuổi để chúc cho họ được sống lâu, cầu thịnh vượng, tốt lành trong năm mới.

Lễ Tết Bunpimay không chỉ là dịp bà con kết thúc một năm lao động vất vả nhìn lại thành quả của mình, mà còn là hoạt động rất quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào Lào.

Tổ chức Tết Bunpimay là dịp để người Việt gốc Lào tự hào về nguồn cội, càng gia sức phấn đấu xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp hơn trên quê hương Việt Nam. Đồng thời, qua đó thể hiện tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng gắn bó keo sơn. Ngày nay, Lễ hội Bunpimay không còn là của riêng người Lào nữa, mà đã trở thành lễ hội chung cho tất cả bà con trên địa bàn.

Nhân dịp Tết Bunpimay, thừa ủy quyền lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Vụ trưởng Vụ Địa phương II Nguyễn Xuân Đức đã trao 30 suất quà cho già làng, Người có uy tín, thân nhân liệt sĩ và các hộ nghèo với số tiền 400 nghìn/hộ; trao quà cho Hội Hữu nghị Việt-Lào xã Krông Na với số tiền 3 triệu đồng.

LÊ LIÊN- LÊ HƯỜNG