Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Tết ở các trường vùng cao xứ Nghệ

Thanh Nguyễn - 09:36, 09/02/2021

Không khí đầm ấm ngày Tết cổ truyền rộn ràng ở nhiều ngôi trường nơi miền Tây xứ Nghệ. Cô trò hối hả rửa lá, vo gạo, chà đỗ… gói bánh, rồi thức đêm nấu bánh bên bếp lửa bập bùng để chuẩn bị cho bữa tất niên thực sự là những trải nghiệm bổ ích, thú vị dành cho học sinh các trường vùng cao nơi đây.

Các chú bộ đội hướng dẫn các cháu học sinh gói bánh chưng
Các chú bộ đội hướng dẫn các cháu học sinh gói bánh chưng

Những ngày gần Tết cổ truyền, trước thời điểm tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều trường vùng cao ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã tổ chức tết sớm cho học sinh. Không khí rộn rã, hồ hởi chuẩn bị tất niên tại trường như đong đầy bao cảm xúc. Thầy Nguyễn Tân Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Bảo Nam huyện Kỳ Sơn xúc động: "Học sinh con em đồng bào DTTS vùng cao còn nhiều khó khăn. Nhà nghèo, vẫn có những em thường xuyên nhịn đói, mặc rét đến trường. Việc tổ chức tết sớm tại trường, là mong muốn các em có một cái tết đầm ấm hơn, yêu trường lớp, thầy cô và bè bạn hơn".

Với mong muốn giúp các em hiểu hơn về Tết cổ truyền của dân tộc; cũng như những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, các trường thuộc 3 bậc học mầm non, tiểu học và THCS ở huyện Kỳ Sơn đã tổ chức “Xuân yêu thương, Tết sum vầy”, cùng các em đón Tết sớm. Đây là hoạt động thường niên tại huyện biên giới của tỉnh Nghệ An.

Tham gia chương trình này, các em học sinh được trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa như, thi gói bánh chưng, thi nấu các món ăn truyền thống dân tộc mình. Bên cạnh đó, những trò chơi dân gian như ném còn, múa lăm vông, đi cà kheo... cũng đã được tái hiện ngay trong sân trường, thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia.

Trong các hoạt động hướng đến “Xuân yêu thương, Tết sum vầy”, hoạt động gói bánh chưng thu hút sự quan tâm, chú ý nhất của các em học sinh và phụ huynh. Để có thể tổ chức hoạt động này, các trường đã vận động xã hội hóa từ việc góp gạo nếp, đỗ, thịt lợn rồi lên rừng hái lá dong, chẻ lạt. 

Sau các bước chuẩn bị, các lớp bắt tay cùng gói bánh chưng dưới sự hướng dẫn của giáo viên, cán bộ chiến sĩ biên phòng đóng trên địa bàn. Và học sinh các lớp trở nên hào hứng hơn, khi những sản phẩm của mình được chấm điểm thi đua, được thưởng thức ngay sau khi nấu bánh…

Học sinh hào hứng tham gia gói bánh chưng
Học sinh hào hứng tham gia gói bánh chưng

Thầy Nguyễn Thế Vịnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cho hay: "Chúng tôi còn hướng dẫn và chấm điểm việc trưng bày cỗ, mâm thờ cúng ngày Tết gắn với văn hóa cổ truyền. Các em tham gia rất hào hứng. Riêng tôi đã cảm nhận được những bổ ích thiết thực mà các em khám phá, tìm hiểu từ hoạt động này".

Đặc biệt, nhằm tái hiện một phần không gian văn hóa của phiên chợ vùng cao, các trường mầm non đã tổ chức chuỗi hoạt động trải nghiệm cho trẻ, với chủ đề “Sắc màu Tết vùng cao”. Với cách làm sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế, và hình thức, quy mô khác nhau,  “Sắc màu Tết vùng cao” được tổ chức ngay trong khuôn viên trường để trẻ được vui chơi, trải nghiệm, khám phá và hòa mình vào không khí tưng bừng chào đón Xuân Tân Sửu 2021. 

Bé Nguyễn Hà Gia Hân, lớp 5 tuổi, nhà ở bản La Ngan, Trường Mầm non Chiêu Lưu 2 huyện Kỳ Sơn bộc bạch: “Con rất vui vì được các cô giáo hướng dẫn gói bánh chưng. Tết này con sẽ gói bánh chưng giúp ông bà, bố mẹ”.

Thầy Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn bày tỏ: Cũng như nhiều trường miền núi khác, vào thời điểm sau kỳ nghỉ Tết thường xảy ra tình trạng học sinh bỏ học. Bởi vậy, chương trình “Xuân yêu thương, Tết sum vầy” không chỉ giáo dục kỹ năng sống, giáo dục truyền thống cho các em; mà còn chia sẻ yêu thương, giúp gắn kết tình cảm bạn bè, tình cảm giữa thầy trò để các em thêm yêu trường, yêu lớp, không còn tư tưởng muốn bỏ học.

Các bé mầm non thưởng thức Tết sớm tại trường
Các bé mầm non thưởng thức Tết sớm tại trường

Tết sớm ở các trường vùng cao đã là hoạt động xóa nhòa khoảng cách thầy trò, bè bạn. Thầy Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn nói thêm: "Chúng tôi coi đây là một trong những hoạt động chính, ngoài giờ lên lớp rất bổ ích và ý nghĩa. Cái khó hiện nay là phải làm sao kéo được phụ huynh cùng tham gia, xã hội hóa được kinh phí thực hiện".

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.