Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tết Việt trong không gian phố cổ Hà Nội

PV - 11:33, 08/02/2018

Nhằm bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, mang đến cho du khách những giá trị tiêu biểu trong sinh hoạt Tết cổ truyền của dân tộc, từ ngày 2/2 đến hết ngày 4/3/2018, Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức “Tết Việt” với nhiều hoạt động hướng về cội nguồn. Đây cũng là một trong rất nhiều hoạt động của Ban Tổ chức nhằm hướng tới chủ đề mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới.

Tết cổ truyền của dân tộc luôn mang ý nghĩa sâu sắc, là dịp để những người con xa quê đoàn tụ với gia đình. Người Việt đón Tết không chỉ để vui chơi mà còn là cách thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ cha ông, lưu giữ các giá trị truyền thống từ nghìn xưa để lại. Từ đó, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ về những giá trị tiêu biểu trong nét sinh hoạt Tết truyền thống của người Hà Nội và các vùng ven đô.

 Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút giới thiệu và trình diễn thư pháp Việt. Câu lạc bộ Thư pháp Việt Tâm Bút giới thiệu và trình diễn thư pháp Việt.

 

Theo đó, các nội dung hoạt động của “Tết Việt” 2018 bao gồm chuỗi các hoạt động giới thiệu phong tục, tập quán của gia đình Hà Nội mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Cụ thể như trang trí, sắp đặt không gian Tết truyền thống tại Đình Kim Ngân. Trong đó, BQL phố cổ Hà Nội hợp tác cùng các đơn vị có liên quan, như: Hội quán Di sản, CLB Thư pháp Việt Tâm Bút; CLB Cây cảnh Nghệ thuật Thăng Long giới thiệu, sắp đặt không gian thờ của gia đình thành thị và gia đình Đồng bằng Bắc bộ; giới thiệu và trình diễn thư pháp Việt; giới thiệu nghệ thuật cây cảnh và thú chơi cây cảnh của người Hà Nội trong ngày Tết; tranh dân gian Đông Hồ, Kim Hoàng …

Đặc biệt, không gian đón Tết của một gia đình Hà Nội đã được BTC giới thiệu tại ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây với các nội dung như: sắp đặt không gian đón Tết của gia đình Hà Nội xưa; giới thiệu văn hoá Trà Việt; giới thiệu ảnh Tết xưa của Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam. Toàn bộ không gian đón Tết của gia đình Hà Nội được tái hiện, tạo dựng, phối cảnh, mang đặc trưng của Tết Việt với hệ thống trưng bày và thiết kế mỹ thuật đẹp mắt. Ở đây, một không gian gần gũi, thân thương, đậm sắc màu Tết Việt đã được tái hiện qua những điều giản dị và gần gũi, với mâm ngũ quả, nồi bánh chưng, câu đối Tết, nhà tranh mái lá, ao sen, giếng đá ong...

Không gian thờ của gia đình thành thị và gia đình Bắc bộ. Không gian thờ của gia đình thành thị và gia đình Bắc bộ.

 

Ngoài ra, BQL phố cổ Hà Nội còn trưng bày và giới thiệu các tác phẩm tranh và chó đá nghệ thuật với chủ đề “Chó trong đời sống người Việt” được giới thiệu tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ). Công chúng có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm tranh nghệ thuật đặc sắc của nhóm họa sĩ 60+ với chủ đề “Chó trong đời sống người Việt”, linh vật biểu tượng cho năm 2018.

Các họa sĩ đã tập trung mô tả các bức chân dung rất sinh động và đa dạng về các loại chó nuôi. Sự cuốn hút của mỗi bức tranh không chỉ bởi những chân dung các chú cún cực kỳ sinh động với đủ tư thế, màu sắc, mà đặc biệt còn rất cá tính, mang hơi thở cuộc sống và hơi ấm của con người.

Đó là ánh nhìn da diết ngóng chờ chủ nhân về của chú chó mực trong tác phẩm Ngóng, họa sĩ Nguyễn Hưng, hay là sự bình yên chơi đùa giữa chó mẹ với chó con và cậu bé trong tác phẩm Tình bạn, họa sĩ Đỗ Cường…

Đến với đình Kim Ngân, số 42-44 Hàng Bạc trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2018, người dân và du khách đã được hoài niệm hương vị Tết truyền thống với không gian thờ của gia đình thành thị và cả gia đình nông thôn đồng bằng Bắc bộ.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, người tham gia thiết kế không gian trưng bày Tết Việt năm nay chia sẻ: “Câu chuyện bàn thờ Việt tưởng chừng đơn giản nhưng có những giá trị văn hóa từng bị lãng quên mà bây giờ không phải ai cũng biết.

Chúng tôi muốn giới thiệu nội dung, ý nghĩa, giá trị thẩm mỹ của từng đồ vật người Việt xưa dùng trong thờ cúng để mọi người hiểu hơn về những giá trị cổ truyền”.

Cũng tại điểm di tích này, Ban Quản lý phố cổ đã giới thiệu đến du khách dòng tranh Kim Hoàng, trình diễn viết thư pháp và nghệ thuật cây cảnh cùng thú chơi cây cảnh của người Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán.

HOÀNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục
Âm vọng đại ngàn của người Chu Ru luôn vang lên rộn rã…

Âm vọng đại ngàn của người Chu Ru luôn vang lên rộn rã…

Đã có những năm tháng, âm nhạc dân gian và những vũ điệu Tamya Arya, Dăm Dar của người Chu Ru vắng bóng trong các buôn làng. Nhưng hôm nay đã khác, mỗi khi buôn làng mở hội hay đón khách quý, âm vọng đại ngàn của người Chu Ru lại vang lên rộn rã...