Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thách thức trong triển khai các chương trình MTQG ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Kim Ngân-An Yên - 15:33, 02/03/2023

Khó khăn trong thực hiện các chương trình MTQG vùng miền núi xứ Nghệ không chỉ là địa hình rộng, tỷ lệ hộ nghèo cao, phát huy nội lực hạn chế… mà còn có những yếu tố vướng mắc, bất cập khách quan khác đến từ việc là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025...

Hỗ trợ bò giống cho người nghèo sẽ giúp họ vươn lên trong cuộc sống
Hỗ trợ bò giống đang giúp cho nhiều hộ nghèo vươn lên

So với cả nước, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất. Trong đó, vùng đồng bào DTTS và miền núi có diện tích tự nhiên 13.745 km2 (chiếm 83% diện tích của tỉnh) với dân số trên 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh); riêng đồng bào DTTS là gần 500.000 người. Đây cũng là vùng có 24 xã biên giới với 131 xã thuộc khu vực I, III và 588 thôn đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, vùng DTTS và miền núi mặc dù được quan tâm đầu tư hằng năm, nhưng kết cấu hạ tầng vẫn còn bất cập; đời sống của đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (27,71%) so với bình quân chung của tỉnh (7,8%). Do đó, việc triển khai thực hiện đồng bộ 3 Chương trình MTQG trong giai đoạn mới có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Từ việc đầu tư đó, sẽ góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa… giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Đời sống của đồng bào các DTTS ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn
Đời sống của đồng bào các DTTS ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn

Trong khi đó, tỉnh Nghệ An lại là đơn vị có số lượng dự án và đối tượng thụ hưởng lớn gồm: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai 9 dự án thành phần, với 708 dự án chi tiết; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững triển khai 2 dự án thành phần, với 48 dự án chi tiết; Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới triển khai tại 411 xã, với 988 dự án chi tiết nên có những khó khăn nhất định. 

Vì vậy, để triển khai đúng thời gian, lộ trình, kế hoạch được phê duyệt là rất thách thức. Chưa kể, quá trình triển khai, phải thực hiện để làm sao tạo được sự đồng thuận lớn trong Nhân dân. Có như vậy, ý nghĩa, mục tiêu, mục đích của các chương trình MTQG mới đạt được hiệu quả như mong muốn.

Theo kế hoạch, tổng vốn Ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Nghệ An thực hiện 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Xây dựng Nông thôn mới; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, xóa đói giảm nghèo bền vững là hơn 4.931 tỷ đồng, riêng năm 2022 được phân bổ hơn 1.295 tỷ đồng.

Tỉnh Nghệ An cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 cấp tỉnh; ban hành kế hoạch cụ thể về triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn; rà soát, xác định nhu cầu đầu tư, danh mục đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 chi tiết đến các danh mục dự án theo lĩnh vực…

Kể từ khi triển khai 3 chương trình MTQG đến nay, tỉnh Nghệ An đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai các cơ chế chính sách, hướng dẫn và đôn đốc triển khai thực hiện đến tận cơ sở. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng đã ban hành các nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình MTQG.

Giao thông thuận lợi sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội ở Hương Sơn, huyện Tân Kỳ phát triển
Đầu tư vào giao thông là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội ở những xã vùng biên giới huyện Tân Kỳ phát triển

Trên cơ sở đó, tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ trì các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần và UBND các huyện bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc để triển khai thực hiện nguồn vốn được giao; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các danh mục dự án đầu tư để trình giao vốn năm 2022 theo quy định.

Đến nay, các huyện cũng đã thành lập các Ban Chỉ đạo, các Tổ công tác thực hiện các Chương trình MTQG và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ công tác cấp huyện. Theo chức trách nhiệm vụ, UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã rà soát kiện toàn, thành lập các Ban quản lý cấp xã, các Ban Giám sát cộng đồng bảo đảm năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình.

Trong quá trình thực hiện các chương trình MTQG vùng DTTS và miền núi Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, bước đầu cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc và thách thức. Đây là năm đầu tiên triển khai Bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới các cấp độ của giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều nội dung, chỉ tiêu mới và yêu cầu cao hơn. Tuy nhiên, việc làm rõ căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn trong một số văn bản của một số bộ, ngành còn chậm và thiếu, làm ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo triển khai, nhiều địa phương vướng mắc, lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình với nhiều nội dung (10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung hỗ trợ đầu tư) nhiều đầu mối chủ trì, quản lý, tổ chức thực hiện (8 sở, ngành và 12 huyện, thị xã). Mặc dù hiện nay, đã có 112 văn bản hướng dẫn của Trung ương và các bộ, ngành (31 văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách, 81 văn bản chỉ đạo điều hành) nhưng ban hành chậm; một số văn bản thiếu tính kế thừa, một số nội dung chưa quy định rõ, hướng dẫn chưa phù hợp, khó thực hiện.

Thực hiện 3 chương trình MTQG được kỳ vọng sẽ làm đổi thay bộ mặt các bản làng miền tây xứ Nghệ
Thực hiện 3 chương trình MTQG được kỳ vọng làm đổi thay bộ mặt các bản làng vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Trong quá trình rà soát triển khai tại các địa phương vẫn còn vướng mắc, bất cập về việc cần phải xây dựng tiêu chí xác định thôn, bản tập trung đông đồng bào DTTS có khó khăn đặc thù.

Hiện nay, nguyên tắc, cách thức phân bổ nguồn lực mới chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên cơ sở thực tế của việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm. Vì vậy, dẫn đến việc nguồn kinh phí được phân bổ cho các địa phương không phù hợp và khó đáp ứng nhu cầu sử dụng kinh phí hàng năm của địa phương.

Thêm khó khăn nữa, là chưa có định mức đất sản xuất/hộ làm cơ sở xác định hộ thiếu đất sản xuất; chưa có định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, định mức tối đa của nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện công trình nước sinh hoạt tập trung; một số địa phương khó khăn khi không còn quỹ đất để cấp cho các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất.

Nghệ An là tỉnh có địa hình miền núi chiếm đa số và còn nhiều khó khăn. Đối với những dự án thực hiện trên địa bàn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, việc huy động sự đóng góp của người dân, kể cả bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động đều rất khó khăn, ngân sách nhà nước có thể phải hỗ trợ đủ 100% tổng mức đầu tư. Đây cũng là áp lực của tỉnh trong cân đối nguồn lực ngân sách địa phương, đồng nghĩa với khó thực hiện cơ chế huy động sự đóng góp của cộng đồng Nhân dân.

Từ những bất cập, khó khăn trên, ít nhiều đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện 3 Chương trình MTQG tại Nghệ An. Do vậy, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cần sớm có giải pháp để tháo gỡ cho địa phương, vì mục tiêu chung là thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Tin cùng chuyên mục
Không khí chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây rộn ràng nơi phum, sóc

Không khí chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây rộn ràng nơi phum, sóc

Về với đồng bào Khmer ở các tỉnh như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… mới cảm nhận được không khí đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer đang tới gần. Đi qua từng phum sóc, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nức chuẩn bị đón tết cổ truyền của đồng bào qua từng việc làm, hoạt động cụ thể.