Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thái Nguyên: Đồng bào các DTTS đặt nhiều kỳ vọng vào Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV, năm 2024

Thảo Khánh - 7 giờ trước

Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên, lần thứ IV, năm 2024 sẽ được tổ chức vào ngày 23 - 24/10/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, nhằm tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc (CSDT) của tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019 - 2024, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc, CSDT trong giai đoạn tiếp theo. Nhân dịp này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Đức Cường, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh trò chuyện với Người có uy tín vùng đồng bào DTTS
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh trò chuyện với Người có uy tín vùng đồng bào DTTS

Thưa ông! Ông cho biết về đặc điểm tình hình vùng đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên?

Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên: Thái Nguyên là một tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện; 177 xã, phường, thị trấn, trong đó có 110 xã, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi (DTTS&MN). Diện tích tự nhiên 3.526km2, dân số trên 1,28 triệu người với 51 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 50 DTTS với hơn 384 nghìn người, chiếm tỷ lệ 29,87% dân số của tỉnh; có 8 dân tộc chiếm số đông là: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Mông, Dao, Sán Chay và Hoa.

Trải qua các thời kỳ xây dựng và phát triển, Thái Nguyên được Trung ương xác định là trung tâm của vùng trung du miền núi Bắc Bộ; đồng thời là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa giữa vùng trung du miền núi với vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Thái Nguyên còn là nơi hội tụ nền văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc, là một trong những trung tâm đào tạo lớn của cả nước, góp phần quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp lượng tri thức, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề cho khu vực phía Bắc của cả nước.

Đồng bào DTTS ở xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ thu hái chè
Đồng bào DTTS ở xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ thu hái chè

Thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ III, giai đoạn 2019 - 2024, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào DTTS tại địa phương đã có những chuyển biến như thế nào, thưa ông?

Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên: Giai đoạn 2019 - 2024, các chương trình, dự án, CSDT trong vùng đồng bào DTTS luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh Thái Nguyên quan tâm thực hiện có hiệu quả. Một trong những chính sách nổi bật được triển khai là Chương trình 135 tiếp tục được thực hiện trong năm 2019, năm 2020 với tổng kinh phí thực hiện đã đạt trên 556 tỷ đồng.

Chương trình 135 đã thực hiện 482 dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; nhân rộng 66 mô hình giảm nghèo; đầu tư xây dựng 414 công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt; duy tu bảo dưỡng 190 công trình; tổ chức 117 lớp tập huấn với gần 11.000 học viên tham gia tập huấn về công tác dân tộc và CSDT...

Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, với 10 dự án thành phần đã tác động trực tiếp, toàn diện đến đời sống xã hội vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh. Cụ thể, Thái Nguyên đã huy động nguồn lực đầu tư, hỗ trợ giai đoạn 2021 - 2024 đạt trên 630 tỷ đồng. 

Các đơn vị, địa phương đã thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 6.300 hộ; đầu tư xây dựng 29 công trình nước sinh hoạt tập trung; 724 hộ được vay vốn hỗ trợ làm nhà ở; xây dựng 3 dự án ổn định dân cư tập trung; đầu tư xây dựng 268 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu và duy tu, bảo dưỡng trên 110 công trình cơ sở hạ tầng đã được đầu tư từ những năm trước.

Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục lồng ghép nhiều chương trình, dự án và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS&MN. Đến nay, đã có 100% các xã và trên 99% các xóm thuộc vùng DTTS&MN của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 96% hộ gia đình vùng DTTS&MN được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng DTTS&MN có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết; 100% xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố, trong đó trên 90% trạm y tế xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN giảm 5,1%; đã giảm được 8 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Qua đó, góp phần làm cho diện mạo vùng đồng bào DTTS&MN có bước phát triển khá toàn diện; thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng tỷ lệ hộ dân là người DTTS biết làm giàu từ những mảnh đất nơi mình sinh sống. Đồng thời các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên.

Đồng bào dân tộc Dao ở Nghinh Tường, huyện Võ Nhai giữ nghề thêu, may - Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia của dân tộc Dao
Đồng bào dân tộc Dao ở Nghinh Tường, huyện Võ Nhai giữ nghề thêu, may - Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia của dân tộc Dao

Thưa ông, Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống của cộng đồng DTTS tỉnh Thái Nguyên?

Ông Phan Đức Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên: Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV, năm 2024, là sự kiện chính trị quan trọng, nhằm tổng kết, đánh giá công tác dân tộc, thực hiện CSDT của cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2019 - 2024; tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS&MN.

Đại hội cũng sẽ ghi nhận, biểu dương công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện CSDT; đồng thời thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội lần này cũng sẽ đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc, CSDT trong giai đoạn tiếp theo.

 Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục