Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thái Nguyên: Hiệu quả từ Đề án bảo tồn văn hóa

PV - 10:05, 22/07/2019

 Nhiều di sản được khôi phục, các lễ hội được phục dựng, được “đánh thức” và thực sự phát huy giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào… Đó là kết quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên khi địa phương này triển khai Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các DTTS tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020”.

Đồng bào Sán Chay, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) trình diễn Lễ hội Cầu mùa. Ảnh Ngọc Ánh Đồng bào Sán Chay, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) trình diễn Lễ hội Cầu mùa. Ảnh Ngọc Ánh

Được thành lập từ năm 2012, Câu lạc bộ (CLB) hát Soọng Cô xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã luôn đi đầu trong các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Bà Miêu Thị Nguyệt, thành viên gắn bó với CLB từ những ngày mới thành lập cho biết: “Ban đầu chỉ có vài ba người biết hát Soọng Cô tham gia sinh hoạt với mục đích giao lưu, cùng nhau hát Soọng Cô. Sau gần 1 năm hoạt động, nhiều người đã đến và xin tham gia sinh hoạt CLB”.

Khoảng 3 năm trở lại đây, khi được Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các DTTS tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” hỗ trợ, CLB hát Soọng Cô mới thực sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ngoài các hoạt động biểu diễn, giao lưu, CLB còn mở được nhiều lớp học hát Soọng Cô cho các em học sinh trong xã tham gia. Đến nay, CLB đã có khoảng 15 em từ 13 đến 15 tuổi thường xuyên tham gia sinh hoạt cùng thành viên trong CLB. Ngoài ra, CLB còn thường xuyên đi biểu diễn trong các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật của tỉnh, của huyện. Hiện nay, CLB đang có hai nghệ nhân đang chờ xét được công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

Không chỉ bảo tồn các làn điệu dân ca truyền thống, các lễ hội cũng được ngành Văn hóa tỉnh Thái Nguyên quan tâm. Qua đó, nhiều lễ hội được phục dựng, sống lại trong đời sống của người dân.

Ông Nông Văn Khoa, xóm Quang Trung, xã Nam Hòa cho biết, ông đã có hơn 30 năm làm thầy mo, nhưng chỉ vài năm trở lại đây, lễ cấp sắc dường như mới được quan tâm và tổ chức bài bản hơn. Ngoài ra, lễ cấp sắc còn được sân khấu hóa đem đi biểu diễn, nhằm giới thiệu cũng như bảo tồn văn hóa của người Tày.

Đám cưới của người Tày, huyện Định Hoá được phục dựng (Ảnh tư liệu). Đám cưới của người Tày, huyện Định Hoá được phục dựng (Ảnh tư liệu).

Cùng với lễ cấp sắc, nhiều lễ hội khác cũng được phục dựng lại như: đám cưới của người Tày ở xã Lam Vĩ, huyện Định Hoá; Lễ cầu mùa của dân tộc Sán Dìu, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương; triển khai thực hiện nghiên cứu Lễ hội Oóc Pò của người Nùng huyện Đồng Hỷ… Đặc biệt, nhờ có sự hỗ trợ đắc lực từ Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hoá các DTTS tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” đã thu hút sự tham gia tích cực của nhiều nghệ nhân dân gian trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa, như: Nghệ nhân Bàn Đức Báo, ở xóm Chiểm, xã Quân Chu, huyện Đại Từ gìn giữ, lưu truyền nghi lễ cấp sắc của dân tộc Dao; nghệ nhân Hoàng Văn Toòng, xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ gìn giữ, lưu truyền Lễ hội Oóc Pò của đồng bào dân tộc Nùng; nghệ nhân Ma Văn Cười, xóm Ru Nghệ II, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hoá lưu giữ, trình diễn và truyền dạy nghệ thuật rối cạn của dân tộc Tày....

Cùng ở huyện Định Hoá, nghệ nhân Nguyễn Văn Chu, xóm A Nhì, xã Bảo Linh, tuy bị mù 2 mắt, song ông là người lưu giữ, truyền dạy cho con em đồng bào dân tộc Nùng kỹ năng thổi sáo, hát lượn cọi. Ở TP. Thái Nguyên, nghệ nhân Ma Ngọc Chỏi, Tổ 22, phường Quan Triều, nhiều năm âm thầm sưu tầm, tập luyện nhuần nhuyễn nghệ thuật hát then cổ, gồm các điệu Then mùa xuân, Tứ quý, Kỳ yên, Cầu hoa, Cúng mụ,… rồi hăng hái truyền dạy cho lớp trẻ người dân tộc Tày mê then.

Lễ hội Lồng tồng dân tộc Tày. Ảnh: TL Lễ hội Lồng tồng dân tộc Tày. Ảnh: TL

Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hoá, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Trong thời gian tới, ngành Văn hóa của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa, trong đó công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các DTTS cũng được coi trọng. Đồng thời trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh quyết định ban hành kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh.

Đề án: “Bảo tồn, phát triển văn hoá các DTTS tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020” được thực hiện với tổng kinh phí gần 45 tỷ đồng. Đề án đặt ra những mục tiêu trọng tâm như: bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các DTTS phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt chú trọng địa bàn các dân tộc có nguy cơ bị biến dạng văn hoá cao; phát huy vai trò chủ thể văn hoá trong phát triển văn hoá dân tộc; tôn vinh các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS Thái Nguyên, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hoá mới.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Trống bỏi - Món đồ chơi Trung thu đang đi vào quá vãng...

Trống bỏi - Món đồ chơi Trung thu đang đi vào quá vãng...

Trống bỏi từng là món đồ chơi Trung thu không thể thiếu trong ký ức của biết bao trẻ em miền Bắc… Thế nhưng, ngày hôm nay trên chính “quê hương” của món đồ chơi giản dị ấy, tại làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) chỉ duy nhất ông Nguyễn Đức Hưởng còn tiếp nối và duy trì nghề làm trống.