Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thái Nguyên: Triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn vấn nạn tảo hôn

Hoàng Phúc - 10:37, 19/11/2023

Tảo hôn là một vấn nạn lớn, đang làm trở ngại đối với sự phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đầu năm đến nay, qua rà soát của các trạm y tế tuyến xã, toàn tỉnh Thái Nguyên phát hiện 44 trường hợp tảo hôn, giảm 10 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Với mục tiêu giảm thiểu tình trạng này, Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, trách nhiệm của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Cán bộ y tế xã Thần Sa (Võ Nhai) tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Cán bộ y tế xã Thần Sa (Võ Nhai) tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Vẫn còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Bác sĩ Trịnh Phạm Thanh Tùng, Bệnh viện A Thái Nguyên chia sẻ: Bệnh viện đã tiếp nhận không ít sản phụ sinh con khi mới 15, 16, 17 tuổi. Khi cha mẹ bỏ bê, buông lỏng quản lý có thể dẫn đến việc con cái sa vào lối sống hư hỏng, ảnh hưởng đến nhận thức và tư duy của bản thân. Đặc biệt, việc thiếu giáo dục giới tính, kỹ năng sống của một bộ phận cha mẹ cũng khiến con cái thiếu kiến thức phòng vệ bản thân, quan hệ tình dục không an toàn, có thai ngoài ý muốn… và dẫn đến tảo hôn. 

Bởi vậy, để tránh tảo hôn, các bậc phụ huynh, gia đình nhất định phải dành sự quan tâm giáo dục con cái. Điển hình tại xã Dân Tiến, Võ Nhai, H.V.D, sinh năm 2006, mới lấy vợ là L.T.N, sinh năm 2009 ở Lân Thùng, Phương Giao (Võ Nhai). Không làm đám cưới, không ồn ào, đôi trẻ tự dọn về ở chung. Bởi thế, chính quyền địa phương không thể phát hiện nếu “người trong cuộc” không khai ra. Đáng nói, nhà D. có 6 anh chị em (D. là thứ 5) thì 5 người đều được dựng vợ, gả chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Còn tại xóm Liên Phương - một xóm đặc biệt khó khăn của xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ. Với đa số người dân trong xóm là đồng bào dân tộc Mông, đều là hộ nghèo, trình độ dân trí còn chưa cao và đặc biệt vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của những phong tục lạc hậu từ thời xưa, nên tình trạng tảo hôn tại đây vẫn xảy ra. Những trường hợp cặp vợ chồng mới chỉ 16, 17 tuổi… không đám cưới cũng không có đăng ký kết hôn do chưa đủ tuổi vẫn còn tồn tại. Trước thực tế đó, chính quyền địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phát huy vai trò của các cộng tác viên dân số tại các xóm, bản.

Chị Vi Thị Định, cộng tác viên dân số xóm Liên Phương, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Hôn nhân cận huyết thống ở xóm có 01 trường hợp, còn trường hợp tảo hôn thì rất nhiều. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương cũng tuyên truyền nhiều, bà con hiểu một phần nhưng cũng không phải tất cả bà con đều đồng thuận chấp hành".

Với mục tiêu bám sát các nhiệm vụ của chương trình “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 7 “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, huyện Đồng Hỷ đã xây dựng kế hoạch cụ thể với nhiều giải pháp đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ đầu năm đến nay, 15/15 xã trên địa bàn huyện đã tổ chức hội nghị thông tin về công tác dân số và phát triển; tư vấn tại hộ gia đình cho gần 2.400 đối tượng về chính sách kế hoạch hóa gia đình; truyền thông tại trạm y tế cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cho gần 3.000 đối tượng. Bên cạnh đó, huyện còn tích cực động viên đội ngũ cộng tác viên dân số đến từng nhà, rà từng ngõ để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân...

Chính quyền xã Văn Lăng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, chú trọng phát huy vai trò của các cộng tác viên dân số tại các xóm, bản.
Chính quyền xã Văn Lăng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, chú trọng phát huy vai trò của các cộng tác viên dân số tại các xóm, bản.

Tăng cường nhiều giải pháp giảm thiểu, ngăn chặn.

Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính thì có 4 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao. Tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra ở địa bàn những huyện vùng cao, miền núi, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ đầu năm đến nay, qua rà soát của các trạm y tế tuyến xã, Thái Nguyên phát hiện 44 trường hợp tảo hôn (hầu hết là người dân tộc Mông), giảm 10 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Võ Nhai là địa phương có nhiều trường hợp tảo hôn nhất (28 người); tiếp đến là Đồng Hỷ có 15 trường hợp. Đáng nói, TP. Thái Nguyên cũng phát hiện 1 trường hợp tảo hôn.

Trước thực trạng này, để thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành kế hoạch số 33 ngày 23/2/2021 về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đã tích cực triển khai nhiệm vụ của đề án như: Chủ động xây dựng, triển khai, nhân rộng mô hình điểm đối với địa bàn vùng DTTS có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...

Bà Hồ Thị Thanh Thủy - Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh Thái Nguyên, cho biết, hàng năm, trung tâm đã chủ động, tích cực phối hợp thường xuyên với Sở Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tuyên truyền đến các già làng, trưởng bản, người có uy tín... về pháp luật dân số, Luật Hôn nhân và Gia đình, những hậu quả, hệ lụy của tảo hôn cho đồng bào. Đặc biệt, lực lượng y tế xã, nhân viên y tế và cộng tác viên dân số thôn, bản đã tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép qua các hội nghị của xã, xóm, bản và từng hộ dân… Tuy nhiên, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân bằng các hoạt động thiết thực rất cần có sự phối hợp tích cực, thường xuyên trong quản lý, giáo dục trẻ em giữa nhà trường và gia đình. Có như vậy, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống với giảm thiểu bền vững...