Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thái Nguyên: Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Thảo Khánh - 16:39, 04/09/2024

Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó có lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển, sự nghiệp giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã có những chuyển biến rõ nét.

Ký túc xá Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên được nâng cấp sửa chữa với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình MTQG về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi
Ký túc xá Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên được nâng cấp sửa chữa với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình MTQG về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, tỉnh Thái Nguyên còn chú trọng triển khai nhiều chương trình, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục ở vùng DTTS và miền núi.

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 688 cơ sở giáo dục, gồm: 245 trường mầm non, 205 trường tiểu học, 191 trường trung học cơ sở, 36 trường trung học phổ thông, 09 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm GDTX cấp tỉnh và 04 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 177 trung tâm học tập cộng đồng. Trong tổng số trường trên toàn tỉnh, thì có 06 trường phổ thông dân tộc nội trú và 11 trường phổ thông dân tộc bán trú (TH 03 trường, THCS 08 trường).

Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Phú Lương, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, năm học 2024 - 2025 trường có tổng số 374 học sinh. Để đảm bảo về cơ sở vật chất, phục vụ tốt cho công tác dạy và học, ngay từ khi kết thúc năm học 2023 - 2024, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch trình các ngành chức năng, để tiến hành tu sửa, nâng cấp khu ký túc xá, nhà ăn, xây nhà kho chứa lương thực và các công trình phụ trợ khác, nhằm đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và học tập của các em.

Cô giáo Phan Thị Thúy An, chuẩn bị trang cấp hiện vật và học phẩm cho các em học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên
Cô giáo Phan Thị Thúy An, chuẩn bị trang cấp hiện vật và học phẩm cho các em học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

Cô Đỗ Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Phú Lương, cho hay: Các em học sinh đều là con em đồng bào DTTS, hoàn cảnh khó khăn, kinh tế gia đình chủ yếu làm nông nghiệp. Trong những năm qua, Nhà trường đã thực hiện đảm bảo đầy đủ chế độ chính sách cho các em học sinh theo Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú; Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc; Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ về "chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người"; Nghị quyết 09/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về thực hiện hỗ trợ tiền ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý nên phụ huynh yên tâm gửi con học tập và sinh hoạt tại Trường.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương đi vào hoạt động từ năm học 2013-2014 đến nay, sau 11 năm, các công trình bị xuống cấp, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động sinh hoạt, nghỉ ngơi, học tập của học sinh. Đặc biệt là khu ký túc xá, nhà ăn của các em học sinh. Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập, vui chơi đảm bảo an toàn trong công tác quản lý, chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng các em học sinh nội trú, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương tham mưu với UBND huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, Phòng Dân tộc và Phòng GDĐT huyện Phú Lương quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục công trình đã bị xuống cấp để đảm bảo an toàn cho các em học sinh (khu nhà ở nội trú; hệ thống nước; thiết bị điện…).

Tháng 01 năm 2023, từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Nhà trường đã được sửa chữa nhà ăn, nhà ở nội trú 3 tầng (thay mới hệ thống cửa và nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt) với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng; tháng 6 năm 2023, Nhà trường được xây dựng kho chứa lương thực với tổng kinh phí 1 tỷ đồng; tháng 7 năm 2024, Nhà trường được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo khu vực KTX với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Qua đó góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, vui chơi, đáp ứng nhu cầu học tập, đời sống của các em học sinh ở ngôi nhà nội trú Phú Lương.

Còn tại huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, toàn huyện hiện có 60 trường ở 3 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS) trong đó, cấp mầm non có 40 điểm trường; tiểu học có 37 điểm trường và cấp THCS có 2 điểm trường. Đường đến các điểm trường đã được đổ bê tông đạt gần 100% số tuyến; các phòng học đã được xây dựng kiên cố, đảm bảo 1 phòng học/1 lớp; học sinh được học tập và sinh hoạt trong điều kiện vật chất, thiết bị dạy và học tương đối đầy đủ. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 3 trường THPT được đầu tư khang trang, đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu học tập của con em địa phương.

Cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên môn tin học đang kiểm tra toàn bộ máy tính, để chuẩn bị cho năm học mới 2024 – 2025, Trường THCS Dân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai.
Cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên môn Tin học đang kiểm tra toàn bộ máy tính, để chuẩn bị cho năm học mới 2024 – 2025, Trường THCS Dân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai

Cô giáo Đinh Thị Phương Hằng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên, cho biết: Năm học 2024 - 2025, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Thần Sa, huyện Võ Nhai có 182 học sinh theo học với tỷ lệ học sinh người DTTS là 100%. Trong đó, 40% học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo, trên 2/3 (115/182) học sinh đang ở bán trú tại Trường.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, những năm qua, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, cơ sở vật chất Nhà trường đã được đầu tư đồng bộ, bao gồm trường lớp học với đầy đủ trang thiết bị dạy học, phòng học bộ môn, khu vực ký túc xá, bếp ăn… Ngoài ra, thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, các học sinh nơi đây cũng đã được hỗ trợ các khoản chi phí học tập, từ đó giúp các em có thêm động lực đến trường.

Ông Nguyễn Văn Mùi, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ: Để đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới, ngay khi kết thúc năm học 2023-2024, Phòng GDĐT chỉ đạo các nhà trường tập trung rà soát toàn bộ điều kiện phục vụ dạy học, để kịp thời chỉnh trang, sửa chữa lớp học, kịp thời mua sắm các trang thiết bị dạy học, đảm bảo đủ định mức theo quy định.

Các cô giáo Trường Mầm non Phương Giao, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai vệ sinh trường lớp, khu vui chơi, để chuẩn bị cho các cháu đón đón năm học mới.
Các cô giáo Trường Mầm non Phương Giao, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai vệ sinh trường lớp, khu vui chơi, để chuẩn bị cho các cháu đón đón năm học mới.

“Trong dịp hè vừa qua, toàn huyện đã tổ chức sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất cho 5 trường từ các nguồn, như: Chương trình quốc gia nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nguồn sự nghiệp giáo dục, xã hội hóa giáo dục với tổng kinh phí 22,390 tỷ đồng”, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai, cho biết thêm.

Như vậy, trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục vùng DTTS và miền núi ở các cấp học. Trong đó phấn đấu ít nhất 8% học sinh DTTS được học tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú. Với sự đầu tư kịp thời cho các trường, điểm trường vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.