Thưa ông, năm học mới 2024-2025 đã cận kề, công tác chuẩn bị cho năm học mới tại các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được thực hiện như thế nào?
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Bùi Quang Trí: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, trước tiên, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Từ cơ sở đó, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai các hoạt động chuyên môn từ giáo dục mầm non đến trung học phổ thông; hướng dẫn công tác rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị; hướng dẫn về thu học phí và việc thu, chi cũng như quản lý các khoản thu, chi trong các đơn vị trường học.
Với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, từng đơn vị hiện đang gấp rút rà soát, xác nhận học sinh nhập học các lớp đầu cấp; tăng cường tuyên truyền với các bậc phụ huynh về ngày tựu trường và lễ khai giảng năm học mới. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm học và phân công nhiệm vụ giảng dạy cho từng giáo viên…
Được biết, Hà Giang vẫn là một trong những địa phương còn thiếu nhiều giáo viên, xin ông cho biết ngành GD&ĐT tỉnh Hà Giang sẽ khắc phục khó khăn này như thế nào, thưa ông?
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Bùi Quang Trí: Toàn tỉnh Hà Giang hiện có 17.925 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (trong đó gồm 405 lao động hợp đồng). Hiện nay, ngành Giáo dục của tỉnh còn thiếu 1.039 người so với biên chế được giao, trong đó gồm 40 cán bộ quản lý; 912 giáo viên; 40 nhân viên.
Thực tế, nhu cầu cần bổ sung biên chế cho năm học 2024 - 2025 của tỉnh Hà Giang là 2.912 người (trong đó gồm 74 cán bộ quản lý; 1.997 giáo viên; người; 841 nhân viên, kế toán; 618 lao động hợp đồng). Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn, Xín Mần là những địa phương còn thiếu nhiều giáo viên, nhân viên nhất trong tỉnh.
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên như đã nêu trên, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, sắp xếp lại quy mô trường, lớp học; đưa học sinh từ điểm trường về học tại trường chính; sắp xếp, phân công nhiệm vụ giáo viên giảng dạy khoa học, hợp lý.
Bên cạnh đó, ngành Giáo dục của tỉnh Hà Giang cũng tiếp nhận sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương khác như tỉnh Lâm Đồng, thành phố Hà Nội trong việc hỗ trợ giáo viên dạy học trực tuyến, nhất là môn tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Về lâu dài, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang sẽ đề xuất Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu cử tuyển giáo viên; đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng; sắp xếp lại các đơn vị trường học một cách khoa học, hợp lý hơn, từ đó hình thành các cụm điểm trường…
Những năm học gần đây, tỉnh Hà Giang luôn đứng trong nhóm cuối về điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, vậy theo ông đâu là giải pháp mà địa phương và đơn vị sẽ tập trung thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện điểm số các kỳ thi?
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Bùi Quang Trí: Các chỉ số thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có tăng so với năm 2023: Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 97,53%, tăng 3,28% so với năm 2023; điểm trung bình các môn thi đạt 5,68, tăng 0,44 điểm so với năm 2023. Tuy nhiên, ngành GD&ĐT Hà Giang cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Hà Giang vẫn đứng trong nhóm cuối của cả nước.
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện điểm số các kỳ thi, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực học sinh theo khối lớp, nhằm nắm bắt, điều chỉnh, triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao chất lượng học tập cho từng đối tượng.
Thời gian qua, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo tổ, nhóm; tổ chức hội thảo chuyên môn, chuyên đề theo cụm trường và giữa các trường trên địa bàn nhằm chia sẻ những cách làm hay, những phương pháp hiệu quả trong công tác giáo dục.
Ngoài ra, trong năm học mới 2024 – 2025 các đơn vị trường học sẽ tăng cường tổ chức dạy đổi chéo giữa các lớp trong tổ chuyên môn, để nắm bắt chất lượng và điều chỉnh phương pháp dạy học sao cho phù hợp với các em học sinh. Việc thực hiện phụ đạo thêm cho học sinh và phát huy hiệu quả giờ tự học của học sinh nội trú, bán trú cũng là một trong những giải pháp quan trọng.
Trước thềm năm học mới 2024 – 2025, ông có nhắn nhủ gì tới các thầy cô giáo, các em học sinh và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh?
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Bùi Quang Trí: Trước thềm năm học mới, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các thầy cô giáo, các em học sinh và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Các thầy cô giáo luôn là những người truyền cảm hứng, dẫn dắt và định hướng cho các em học sinh. Do đó, tôi luôn hy vọng các thầy cô giáo hãy giữ vững lòng nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo và tận tâm trong công tác giảng dạy. Sự kiên nhẫn, tình yêu thương của các thầy cô chính là nguồn động lực lớn lao cho các em học sinh!
Tôi mong muốn các em học sinh luôn giữ vững tinh thần chủ động, sáng tạo, siêng năng học tập và không ngừng nỗ lực. Các em hãy tin tưởng vào khả năng của mình và hãy luôn cố gắng hết mình. Với các cơ sở giáo dục hãy tiếp tục tạo ra môi trường học tập an toàn, thân thiện và sáng tạo. Sự hỗ trợ và đồng hành của nhà trường là yếu tố quan trọng giúp các thầy cô và các em học sinh đạt được những kết quả cao nhất.
Tin tưởng rằng, năm học mới này, toàn ngành Giáo dục Hà Giang sẽ quyết tâm vượt khó, có nhiều đổi mới, linh hoạt, tận tâm hoàn thành tốt sự nghiệp "trồng người" nơi vùng khó này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!