Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tham gia BHXH tự nguyện, nguồn thu nhập quan trọng khi về già

Lê Thiết - 13:33, 11/11/2020

“Vài năm trở lại đây, với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đặc biệt là công tác phối hợp tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh nên đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đã nhận thức, hiểu hơn về loại hình bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện”. Đó là chia sẻ của ông Vũ Cao Cường, Giám đốc BHXH huyện Lang Chánh.

Tham gia BHXH tự nguyện giúp những NLĐ tự do, người dân khu vực nông thôn bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi về già, hết tuổi lao động
Tham gia BHXH tự nguyện giúp những NLĐ tự do, người dân khu vực nông thôn bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi về già, hết tuổi lao động

Điều đặc biệt là, trong số người tham gia BHXH tự nguyện, không chỉ có những cán bộ nghỉ hưu đủ tuổi nhưng chưa đủ năm tham gia BHXH bắt buộc, tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, mà có rất nhiều người lao động (NLĐ) tự do, buôn bán nhỏ lẻ, làm nghề nông… trên địa bàn huyện, cũng đã tham gia BHXH tự nguyện để sau này về già có lương hưu.

Đây là lý do mà hiện nay, huyện miền núi Lang Chánh, địa phương còn nhiều khó khăn có đông đồng bào DTTS sinh sống đã phát triển được trên 500 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có 14 người đã được hưởng lương hưu từ chính sách này.

Chị Lê Thị Đoàn, ở khu phố Chiềng Trải, thị trấn Lang Chánh quanh năm chỉ buôn bán nhỏ lẻ các mặt hàng phục vụ ăn sáng, giải khát và ở nhà làm nội trợ, luôn cảm thấy thiệt thòi khi thấy nhiều người đi làm về hưu có được lương hưu; thậm chí đôi lúc chị lo lắng nếu sau này già, ốm đau không làm việc được nữa thì lấy gì sinh sống. Vì vậy, khi được cán bộ đại lý BHXH đến tuyên truyền, vận động, chị và chồng đã tham gia không chút ngại ngần.

“Từ ngày tham gia đóng bảo hiểm tôi thấy yên tâm rồi, về già cũng không phải lo trở thành gánh nặng cho con cháu. Đóng đủ thời hạn là tôi có lương hưu hằng tháng, thế là đủ chi tiêu gạo mắm rồi”, chị Đoàn chia sẻ.

Năm 2019, bà Lương Thị Lan, thôn Pọng, xã Giao Thiện đủ tuổi về hưu, nhưng thời gian tham gia BHXH của bà mới được 19 năm. Bà Lan quyết định đóng thêm 1 lần cho số thời gian còn thiếu, để ngay khi nghỉ hưu được hưởng các chế độ hưu trí của BHXH.

Tương tự, ông Hà Xuân Sinh, ở bản Năng Cát, xã Trí Nang trước đây từng làm cán bộ địa chính xã. Khi hết tuổi lao động, ông chỉ mới tham gia BHXH bắt buộc được gần 18 năm, do đó, ông đóng thêm 2 năm theo hình thức tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí như mọi người. Hiện nay, ông có mức lương hưu khoảng 2,4 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải chi tiêu cho cuộc sống lúc về già, khi ốm đau được hưởng các chính sách từ bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo ông Vũ Cao Cường, Giám đốc BHXH huyện Lang Chánh, với chính sách khuyến khích người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bằng 10% mức đóng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn; đối tượng thuộc diện cận nghèo thì mức hỗ trợ là 25% và hộ nghèo là 30%... nên số người tham gia BHXH tự nguyện đang tăng dần.

Tuy nhiên, trên thực tế, sau bao nhiêu năm triển khai chính sách này, thì số người tham gia đạt tỷ lệ rất thấp so với lực lượng lao động trên địa bàn. Nguyên nhân một phần do điều kiện kinh tế của đa số lao động tự do còn thấp, trong khi BHXH tự nguyện yêu cầu đối tượng phải có mức thu nhập tương đối ổn định và thời gian tham gia dài, sau 20 năm tham gia mới được hưởng chế độ.

Do đó, để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở những địa bàn khó khăn, công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện vẫn cần phải điều chỉnh, hướng đến từng đối tượng, trong đó rất cần sự phối hợp thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội để người dân biết nhiều hơn về chính sách này.

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.