Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

“Tháng 3 biên giới” ở Nậm Chẩy

Trọng Bảo - 12:20, 16/03/2021

Trong những ngày “tháng 3 biên giới”, chúng tôi có dịp lên với xã Nậm Chẩy, huyện Mường Khương (Lào Cai). Là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng nơi đây các phong trào Đoàn, Đội của tuổi trẻ Nậm Chẩy hoạt động khá sôi nổi, được đánh giá là điểm sáng của huyện biên giới này.

Đoàn viên, thanh niên xã Nậm Chẩy phối hợp cùng với Bộ đội biên phòng vệ sinh phát quang khu vực mốc giới 130
Đoàn viên, thanh niên xã Nậm Chẩy phối hợp cùng với Bộ đội biên phòng vệ sinh phát quang khu vực mốc giới 130

Phối hợp giữ đường biên, cột mốc

Ngồi sau chiếc xe Win của chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Nậm Chẩy, vượt qua gần 10km, trên đường đi những cây gạo hoa nở đỏ rực, như những đốm lửa bừng sáng một góc trời biên giới, chúng tôi đến cột mốc 130. Mốc 130 được xây dựng ngày 22/6/2004. Giữa vùng rừng núi hoang vu. Tận mắt nhìn thấy cột mốc được xây dựng kiên cố ai cũng thấy xúc động, cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng của hai từ Tổ quốc. 

Sau khi thực hiện các thủ tục như chào cột mốc, kiểm tra vị trí mốc giới… cán bộ, chiến sĩ ĐBP cùng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tiến hành dọn vệ sinh phát quang khu vực cột mốc. Tiếng nói cười của các bạn trẻ xua tan đi sự tĩnh mịch hoang vu giữa núi rừng biên giới.

Bí thư Đoàn xã Ly Vần Hương cho biết: Thực hiện chương trình phối hợp giữa Đoàn thanh niên xã với Chi đoàn ĐBP Nậm Chẩy, hằng quý, ĐVTN trong xã phối hợp với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức phát quang đường biên, mốc giới. Bên cạnh việc góp sức của tuổi trẻ cùng với BĐBP bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia thì đây cũng là dịp để giáo dục chính trị tư tưởng cho ĐVTN trong xã; khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc…

Trung tá Trần Mạnh Tài, Chính trị viên ĐBP Nậm Chẩy cho biết: ĐBP Nậm Chẩy là một trong những đơn vị hiện đang quản lý đường biên giới dài nhất trong các ĐBP thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Lào Cai. Hiện tại, Đồn quản lý gần 18km đường biên giới với 19 cột mốc.

“Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn đánh giá cao sự phối kết hợp của lực lượng ĐVTN của xã với BĐBP trong công tác phối kết hợp bảo vệ đường biên, mốc giới. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, ĐVTN đã tham gia nhiệt tình cùng với cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân trong khu vực biên giới cách phòng, chống dịch bệnh cũng như phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép”, Trung tá Tài chia sẻ.  

Đoàn viên Liềng Thị Pẳn đã và đang vươn lên làm giàu từ trồng chuối
Đoàn viên Liềng Thị Pẳn đã và đang vươn lên làm giàu từ trồng chuối

Đồng hành xóa đói,  giảm nghèo

Cùng với phong trào “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, thì phong trào thanh niên khởi nghiệp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cũng được ĐVTN xã Nậm Chẩy tham gia hưởng ứng và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiện nay, Đoàn xã Nậm Chẩy có 256 đoàn viên, chủ yếu là người DTTS, hầu hết không còn hộ nghèo. Phát huy tinh thần xung kích, tuổi trẻ Nậm Chẩy luôn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, mạnh dạn đưa các giống cây, con mới vào nuôi trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, gia đình đoàn viên Liềng Thị Pẳn (dân tộc Nùng) ở thôn Nậm Chẩy, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào trồng ngô, lúa. Vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn, cái đói cái nghèo luôn đeo bám. Không chấp nhận cảnh nghèo, năm 2017, Pẳn mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội trồng 3.000 gốc chuối. Từ vườn chuối này, mỗi năm gia đình Pẳn thu về gần 150 triệu đồng. Ngoài ra, Pẳn còn trồng thêm hơn 1.000m2 cây sa nhân, mỗi năm cũng cho thu nhập gần 30 triệu đồng.

Hộ gia đình ĐVTN có thu nhập hàng trăm triệu đồng như Liềng Thị Pẳn ở xã Nậm Chẩy không phải hiếm; như đoàn viên Ly Vần Bình, Lồ Củi Khờ, Thền Tờ Lỏi, Vùi Thị Thúy, Giàng Diu Sai, Vàng Ngọc Bình... Từ trồng sa nhân, chuối, thảo quả, quýt, cam, ổi... mỗi năm các gia đình đoàn viên này cũng thu nhập 50 - 200 triệu đồng/hộ.

Hiện nay, trong khi ở rất nhiều nơi, thanh niên đang phải xa quê đi lao động để có thu nhập thì tuổi trẻ trên mảnh đất biên giới Nậm Chẩy đang ngày đêm hăng hái lao động, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Qua đó, góp phần làm cho vùng “phên dậu” của Tổ quốc ngày càng ấm no, hạnh phúc và bình yên.

Tin cùng chuyên mục
Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cách TP.Kon Tum khoảng 60 km về hướng bắc, làng Đăk Chờ (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, Kon Tum) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ. Sâu trong khu rừng tại huyện Đăk Tô (Kon Tum) có một cây Sao cát hàng trăm năm tuổi đang được lực lượng chức năng luân phiên bảo vệ. Và câu chuyện giữ rừng của họ cũng đầy cam go, nguy hiểm.