Theo lời kể của các bậc cao niên vùng Mường So, Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Trước cảnh xâm lược bạo tàn của giặc phương Bắc, Nàng đã cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc. Nàng đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc phương Bắc. Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, Nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Từ đó, nhớ công ơn của Nàng, bà con lập đền thờ và tổ chức Lễ hội ngay ở mó nước Nàng tắm và tục lấy nước nơi Nàng tắm về gội đầu và rửa mặt cũng bắt nguồn từ đó…
Một số hình ảnh trong lễ hội Nàng Han năm 2023
Các đại biểu, người dân, du khách làm lễ và dâng hương tại Đền thờ Nàng Han
Người dân đến dâng hương tại Đền thờ Nàng Han với mong cầu sức khỏe, cuộc sống no ấm, mùa màng bội thu…
Lễ hội Nàng Han năm nay được UBND huyện Phong Thổ tổ chức trong 2 ngày (5 -6/3/2023) với nhiều hoạt động đặc sắc hấp dẫn, như: Thi ẩm thực; thực hành di sản nghệ thuật múa Xòe dân tộc Thái; tái hiện Lễ Áp hô chiêng (gội đầu năm mới); tổ chức các hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian như đẩy gậy, bắn nỏ, tó má lẹ, tung còn, đi cà kheo, chơi én cáy…
Những tiết mục dân vũ mang đậm bản sắc của người Thái trắng vùng Mường So được các cô gái thể hiện trong ngày hội
Múa sạp góp phần thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc
Giếng nước Nàng Han nơi du khách đến thăm quan và trải nghiệm tục gội đầu, rửa mặt
Tương truyền rằng giếng nước Nàng Han rất trong, mát, nếu con gái gội dầu, rửa mặt thì tóc đen, nhanh dài, da trắng má hồng, xinh đẹp; con trai rửa tay, rửa mặt khỏe mạnh khôi ngô…
Nước ở giếng Nàng Han được các thiếu nữ Thái múc lên bằng ống tre và rước về đền thờ trong thời khắc khai hội
Vùng Mường So (Phong Thổ) nức tiếng là vùng con gái đẹp, lễ hội là dịp các thiếu nữ gội đầu, khoe sắc
Các thiếu nữ Thái trắng Mường So tái hiện lễ hội “Áp hô chiêng” (gội đầu) bên suối Nậm Lùm trong lễ hội Nàng Han