Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Tháng 4 về Quảng Trị...

Thanh Hải - 4 giờ trước

Chúng tôi đến Quảng Trị không biết bao lần; khi thì trên cây cầu Hiền Lương lịch sử, qua Dốc Miếu; khi lại từ Đường 9 gió Lào đến Thành cổ đất thiêng; cả những nghĩa trang liệt sĩ trầm mặc với thời gian… Đâu đâu trên mảnh đất này, cũng đã từng nhuộm thấm máu và nước mắt để có giá trị hòa bình và những câu chuyện về sự hồi sinh.

Ngày hội thống nhất non sông ở tỉnh Quảng Trị
Ngày hội thống nhất non sông ở tỉnh Quảng Trị

Trong tâm tưởng của người dân Quảng Trị, của mỗi một con người khi về lại mảnh đất thiêng này, mỗi ngày trôi qua là một ngày của sự tưởng nhớ, tri ân và biết ơn. Ở vùng đất này, những câu chuyện của chiến tranh đã làm nên giá trị hòa bình; những câu chuyện về sự hồi sinh cũng đã góp phần tôn thêm giá trị của hòa bình. Hòa bình, hồi sinh, phát triển được nhắc nhiều, nói nhiều ở mảnh đất Quảng Trị và sẽ được nói tiếp đến muôn đời sau thay cho lời nhắc nhở từ tâm.

Thì cứ thử về Quảng Trị mà xem. Khi thả bước trên cây cầu Hiền Lương với hai màu vàng xanh, lòng chắc hẳn sẽ không thôi thổn thức. Chiếc cầu gỗ năm xưa chia đôi đất nước giờ là điểm nối của ký ức và hiện tại. Chiếc cầu gỗ mà cả dân tộc Việt Nam phải nối ròng rã hơn 20 năm thì mới liền một dải trên lộ trình thiên lí Bắc Nam.

Bà Nguyễn Thị Dậu, gần 80 tuổi, ở xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh tâm sự: “Hơn nửa thế kỷ rồi còn đâu. Hồi nớ, bom đạn nổ suốt cả ngày đêm. Đứng bờ Bắc nhìn sang bờ Nam, nhớ thương người thân mà không thể gặp mặt”.

Rồi Bến Hải, một vùng giới tuyến chia cắt. “Vành đai trắng” một thuở đang đổi thay từng ngày bằng những làng quê trù phú, nhà cao tầng san sát, trường học, trạm y tế khang trang. Ở vùng đất từng được ví là “đất chết” những năm khói lửa, mà nay, hồi sinh bằng những vùng nuôi tôm trù phú, những cánh đồng lúa chất lượng cao màu mỡ quanh năm. Trong nhịp sống ồn ã hôm nay, là tiếng vọng từ hai đầu giới tuyến, như nhắc nhở hậu thế một ký ức chẳng thể nào quên.

Ngược đường 9 gió Lào bỏng rát, những Làng Vây, Tà Cơn, Lao Bảo… vẫn còn đó, như đang ngày đêm vá víu nỗi đau thời hậu chiến. Con đường chiến lược của cuộc chiến năm ấy, nhuộm thắm xương máu và mồ hôi của lớp lớp thanh niên xung phong, của những binh đoàn giải phóng quân… đã được trải nhựa phẳng lỳ, mở ra một vành đai kinh tế Đông Tây nhộn nhịp.

Điểm đầu là cửa khẩu Lao Bảo và điểm cuối là cảng nước sâu Mỹ Thủy cứ thế sôi động tàu xe với những chuyến hàng vươn từ miền núi cao ra biển lớn bao la, mà tỏa đi năm châu. Ở vùng Bắc Trung Bộ, Lao Bảo là cái tên nằm ở tốp đầu về hàng hóa thông quan, về sự phát triển kinh tế năng động khu vực mậu biên.

Còn Cổ thành, cỏ và hoa một thời nhuộm thấm máu đào những chiến sĩ giữ thành mà trở nên xanh thắm đến vô cùng. 81 ngày đêm mùa Hè đỏ lửa năm 1972 với “mỗi tấc đất là một tấc máu”… mà nay Cổ thành đang hiện hữu một công viên cây xanh, một khu tưởng niệm trang nghiêm… ngay giữa lòng thành phố trẻ.

Đài Tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ trong Thành Cổ Quảng Trị
Đài Tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ trong Thành Cổ Quảng Trị

Quảng Trị hôm nay là biểu tượng tuyệt vời cho nghị lực vươn lên từ tàn tích chiến tranh. Một địa phương đổ nát, nghèo nàn nhất nước đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế không ngừng mở rộng. Theo Tổng cục Thống kê, GRDP năm 2024 trên địa bàn Quảng Trị tăng gần 6% so với năm 2023, GRDP bình quân đầu người ước đạt 81,2 triệu đồng; tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh tính đến cuối năm 2024 còn 11,53%, giảm 1,63%.

Còn gió Lào, thứ gió “đặc sản” của vùng đất Trung Bộ khô cằn thì vẫn thổi đều đặn trên mảnh đất từng hứng chịu quá nhiều đau thương. Nhưng trên những cánh đồng gió quăng quật với nắng mưa dầu dãi đã hiện diện những trụ turbine điện gió quay đều, thắp sáng khát vọng mới. Quảng Trị đang hướng đến trung tâm năng lượng xanh ở vùng Bắc Trung Bộ. Điều đó đang dần thành hiện thực, chứ không phải là quá xa vời.

Chả thế mà Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải đã thổ lộ rằng: Chúng tôi không bao giờ quên quá khứ, nhưng cũng không bị ràng buộc bởi quá khứ. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là biến Quảng Trị thành nơi xứng đáng để sống, để đầu tư, để phát triển.

Tháng Tư này, mời bạn bè muôn phương về với Quảng Trị, để một lần được đắm mình trong lễ hội Thống nhất non sông và hoạt động thả chim bồ câu mang ước nguyện hòa bình.

Những con người chọn điểm đến là Quảng Trị, sẽ bắt gặp nhau trong nỗi xúc động buổi hòa bình; trong nỗi nhớ thương những đồng đội, đồng chí đã mãi mãi nằm xuống. Dẫu cho ngọn gió hòa bình đã thổi trên mảnh đất này hơn nửa thế kỷ rồi, thì những câu chuyện của biết bao cựu binh nơi đây vẫn trĩu nặng những tâm tư, vẫn mênh mang niềm thương nhớ vô bờ. Bởi vậy, từ rất lâu rồi, tháng Tư và Quảng Trị vẫn là mốc thời gian và địa danh mà nhiều cựu binh chọn làm điểm khởi đầu cho cuộc hành trình về nguồn. Tháng Tư ở Quảng Trị nói riêng, vẫn luôn thắp lên trong tâm tư mỗi người những rưng rưng thương nhớ, tự hào… 

Tin cùng chuyên mục
Nơi khởi đầu một con đường huyền thoại

Nơi khởi đầu một con đường huyền thoại

Giữa lòng núi rừng xứ Nghệ, ngay từ thời kháng chiến chống Mỹ, đã có những nhát cuốc đầu tiên hạ xuống khai mở một con đường huyền thoại. Cũng ngay từ lúc ấy, có một cây gỗ lớn dựng lên, thành cột mốc đơn sơ mang tên “Km số 0”…