Bí thư Chi bộ, Người có uy tín Hồ Mắt được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và các cơ quan, đơn vị tặng nhiều Bằng khen“Đầu tàu” ở Ba Nang
Đúng như cái tên cha mẹ đã đặt, Hồ Mắt (sinh năm 1989) gây ấn tượng mạnh bởi đôi mắt to, sáng và tinh anh. Trò chuyện với chúng tôi, Hồ Mắt cởi mở: “Năm 2013, tôi được bầu làm Trưởng thôn Cóc, xã Ba Nang, huyện Đakrông. Đến năm 2019, hai thôn Cóc và Sa Trầm sáp nhập thành thôn Sa Trầm. Tôi tiếp tục được 113 hộ dân tộc Bru Vân Kiều tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, đồng thời là Người có uy tín của thôn”.
Đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, Đồn Biên phòng Ba Nang là “cầu nối” đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Mỗi chiến sĩ là một tuyên truyền viên “3 cùng”, giúp Nhân dân nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong suốt thời gian làm Bí thư Chi bộ, Hồ Mắt luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với đồng bào trong bảo vệ chủ quyền biên giới. Anh đã vận động được 40 hộ gia đình Bru Vân Kiều tại các thôn Sa Trầm, Ra Poong tự nguyện tham gia bảo vệ tuyến biên giới dài 9km với 2 mốc quốc gia.
Cùng với đó, Hồ Mắt đã vận động đồng bào thành lập được 5 Tổ bảo vệ đường biên, cột mốc. Riêng thôn Sa Trầm còn thành lập thêm Tổ bảo vệ đường biên với 7 thành viên. Hồ Mắt và các thành viên trong Tổ thường xuyên cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra, bảo vệ cột mốc và đường biên.
Với những đóng góp của mình, Hồ Mắt đã vinh dự trở thành một trong 200 đại diện tiêu biểu tại Chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II tổ chức vào tháng 6/2024. Trong chuyến đi này, anh đã được gặp mặt Chủ tịch nước, tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông (K9) và tham dự Lễ tôn vinh, nhận giấy chứng nhận cùng biểu trưng của Chương trình.
Người có uy tín Hồ Mắt đi kiểm tra đường biên, cột mốc trên tuyến biên giớiĐồng hành giúp dân bảo đảm an sinh xã hội
Đồn Biên phòng Ba Nang, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tuyến biên giới dài hơn 15km với 6 cột mốc quốc gia, trải dài qua địa bàn hai xã Ba Nang và Tà Long, huyện Đakrông. Đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào DTTS, Đồn Biên phòng Ba Nang là “cầu nối” đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào. Mỗi chiến sĩ là một tuyên truyền viên “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), giúp Nhân dân nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tiêu biểu là Chương trình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” do Đồn phối hợp với Hội Nông dân huyện Đakrông tổ chức, trao tặng 100 cặp bánh chưng, 200kg gạo nếp và 332 phần quà cho các hộ Bru Vân Kiều có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị hơn 320 triệu đồng. Đồn còn duy trì việc chăm sóc định kỳ hằng tháng cho 3 cháu thuộc các Chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi Đồn Biên phòng”; 10 cháu trong dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” và 2 cháu bị nhiễm chất độc da cam.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Bang giúp đồng bào vùng biên dựng nhà ởSong song với công tác an sinh xã hội, Đồn Biên phòng Ba Nang đã phối hợp với Nhân dân thực hiện tốt phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ. Đơn vị đã tổ chức 45 buổi tuyên truyền thu hút hơn 2.820 lượt người tham gia, trao tặng trên 300 lá cờ Tổ quốc và tổ chức hàng chục đợt giao lưu văn hóa, thể thao. Đồn cũng đã kiện toàn và duy trì hiệu quả hoạt động của 13 tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản với 76 thành viên, 40 hộ gia đình tham gia tự quản đường biên, cột mốc.
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ba Nang và đồng bào Bru Vân Kiều trên tuyến biên giới đã tương trợ lẫn nhau, trở thành “lá chắn thép” bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi chiến sĩ Biên phòng cũng là một công dân tiêu biểu ở vùng biên. Nhờ đó, tuyến biên giới chiến lược ấy luôn được bình yên, đời sống của đồng bào Bru Vân Kiều cũng ngày càng khởi sắc.