Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Tháng 7 về thành cổ Quảng Trị: Những bức phù điêu kể chuyện (Bài 2)

Thanh Hải - 11:26, 20/07/2022

Anh bạn tôi cho rằng, những bức phù điêu, tượng và cả tranh ảnh nơi thành cổ đều có linh hồn. Ấy là linh hồn của những người lính trận đã xả thân, đánh đổi máu xương để giữ cổ thành mùa hè năm 1972. Còn tôi đeo đuổi mãi với ý nghĩ: mỗi một bức tượng, phù điêu, tranh ảnh nơi đây, là một câu chuyện từ đời thực được cách điệu hóa qua hình tượng nghệ thuật.

Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị
Đài chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị

Bây giờ vào khuôn viên Khu Di tích thành cổ, tôi vẫn ấn tượng với bức tượng “Mẹ xin” của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, sáng tác khi Trại điêu khắc Thành Cổ được mở dạo hè năm 2016. Trên chất liệu đá cứng và thô ráp, người nghệ sĩ đã nhập tâm để có được những đường gọt dũa mềm mại của một người phụ nữ, góc cạnh của một người đàn bà khó nhọc. 

Bức tượng “Mẹ xin”
Bức tượng “Mẹ xin”

Cả bức tượng toát lên nỗi đau đáu của một bà mẹ Việt ôm chéo khăn trên đôi tay gầy đang đi giữa ngổn ngang gạch đá thành xưa để xin nhúm xương cốt con cái mình còn sót lại. Ánh mắt mẹ như van lơn, khẩn cầu; còn khuôn mặt, đầy trầm tư và âu lo…

Bức tượng “Vẫn đợi anh về” của Nguyễn Xuân Tiên tại trại sáng tác điêu khắc thành cổ Quảng Trị-Bất tử và hồi sinh năm 2016, cũng ẩn chứa bao nỗi niềm của những người mẹ đợi con đằng đẵng trong héo hắt ruột gan.

Bức tượng “vẫn đợi anh về”
Bức tượng “Vẫn đợi anh về”

Hỡi ôi, người mẹ Việt Nam nào đi qua chiến tranh lại không khắc khoải mong ngóng đứa con mình về, dù chỉ về trong nhúm tro tàn lẫn cùng cát bụi. 

Tôi nhìn bức tượng của Phạm Văn Hạng, rồi Nguyễn Xuân Tiên và nghe trên đôi tay người mẹ ấy, trong chiếc khăn nâng niu xương cốt ấy, trong chiếc mũ còn chực chờ trên tay rơi ra những âm vọng đẫm buồn của Phạm Minh Tuấn: “…Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình mẹ lặng im…”.

 Dẫu cũng đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, nhưng làm sao mà diễn đạt hết nỗi đớn đau của bao nhiêu bà mẹ Việt Nam đã khắc khoải và ngậm ngùi về những đứa con còn nằm lại đâu đó nơi chân trời góc bể?

Nhưng khắc khoải, đau đớn, xót xa nhất với mỗi người khi đặt chân về cổ thành là bức phù điêu “chiến sĩ vô danh” của Phan Trọng Văn. Tôi chợt nhớ đến bài thơ của nhà báo Văn Hiền: “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh. Anh có tên như bao khuôn mặt khác. Mẹ sinh Anh tròn ngày tròn tháng. Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa”. Vậy mà đạn bom, chiến tranh đã chôn vùi, để thân xác anh vĩnh viễn hòa vào lòng đất; cho mãi đến hôm nay thế hệ cháu con vẫn tha thiết kiếm tìm.

Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh (người ngồi đầu) trong tấm ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị”
Cựu chiến binh Lê Xuân Chinh (người ngồi đầu) trong tấm ảnh “Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị”

Giữa những mất mát, đau thương của cổ thành, vẫn toát lên những hào sảng của tuổi trẻ, sự lạc quan, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tôi đã có cơ may khi bất chợt gặp ngay hình ảnh một cháu nhỏ đang mải mê đọc dòng chú thích trên bức tượng “Nụ cười” của Vương Duy Biên. 

Bức tượng mô tả một chiến sĩ giải phóng quân bồng súng, ngồi mỉm cười rất lạc quan. Hai số phận, hai cuộc đời, hai thế hệ nhưng đang giao cắt ở một điểm chung sau 50 năm bầu trời thành cổ im tiếng súng.

Nụ cười ấy, tôi cũng đã bắt gặp trong bức tranh của nhà báo chiến trường Đoàn Công Tính chụp chiến sĩ Lê Xuân Chinh năm 1972. Bức ảnh “Nụ cười chiến thắng bên thành cổ Quảng Trị” đang được treo trang trọng trong bảo tàng thành cổ, gợi nhắc một thời ác liệt nhất của đất nước. Chính nụ cười ấy đã làm nên một lớp lớp thanh niên Việt xả thân vì nghĩa lớn, không tiếc máu xương vì cuộc chiến vệ quốc của dân tộc.

Và nụ cười vượt lên bao khốc liệt của chết chóc, đau thương trong mùa hè đỏ lửa ấy, đã làm nên những “quyết tử” như những tác phẩm điêu khắc, tượng mà Phạm Hồng, Lê Liên thể hiện. Nếu không có những lạc quan, yêu đời ấy thì làm sao có những “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. 

81 ngày đêm năm ấy chính là 81 ngày đêm quyết tử của những người lính trẻ tuổi đôi mươi, để ba năm sau góp công vào mùa hè năm 1975, làm nên đại thắng cho đất nước trọn niềm vui.

Những bức tượng quyết tử
Những bức tượng quyết tử

Tôi đặc biệt chú ý đến những bức phù điêu mang tên hồi sinh, sức sống và khát vọng của các tác giả Nguyễn Phú Cường, Nguyễn Quốc Thắng, Mai Thu Vân, Nguyễn Thị Kim Liên. Trong thanh âm của những ca khúc dìu dặt, bâng khuâng về thành cổ; trong nắng gió miền cát trắng cổ thành; trong hồi tưởng nghẹn ngào về 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa… lòng chợt nhận ra rằng: chẳng có nơi đâu sự sống không thể hồi sinh, dẫu cho vùng đất thành cổ này từng là chiến địa với bom vùi, đạn dập. 

Đúng như Nguyễn Khải đã viết ở Mùa Lạc: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ”. Hôm nay, sự sống, sự bình yên đang hiện hữu ở  thành cổ đấy thôi. Cỏ ở thành cổ thành xanh miên man, phượng cổ thành rực cháy và sen quanh cổ thành ngào ngạt đưa hương… ấy là sự sống, là sự hồi sinh đến bất diệt từ trong những mất mát, hi sinh.

Bức “chiến sĩ vô danh”
Bức “chiến sĩ vô danh”

Có một bức phù điêu không thể không nói đến. Ấy là bàn tay cầm cây bút đặt trên dòng chữ “Hiệp định PaRis 1973”. Đó là thành quả của 81 ngày đêm rực lửa ở cổ thành, đập tan âm mưu leo thang chiến tranh của các thế lực hiếu chiến, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và ký kết hiệp định Paris. 

Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần quyết định làm chuyển biến mạnh mẽ thế bố trí chiến lược giữa ta và địch, tạo tương quan lực lượng có lợi cho ta phát huy sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta mở cuộc tấn công vũ bão, thần tốc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những bức phù điêu “hồi sinh” giữa thảm cỏ mướt xanh của cổ thành
Những bức phù điêu “hồi sinh” giữa thảm cỏ mướt xanh của cổ thành

Rất nhiều những bức tượngphù điêu, tranh ảnh trong cổ thành có chung những đề tài thể hiện như thế. Không khó để nhận ra mấy bức phù điêu, tượng về mẹ, về chủ đề quyết tử, về sự hồi sinh và khát vọng về sự lạc quan của những người lính nơi chiến trận... Cứ thế trầm mặc qua năm tháng, qua gió mưa, qua bao xúc cảm của những người đã về thăm cổ thành trong những nỗi niềm, bâng khuâng. Mỗi một tác phẩm nghệ thuật là một câu chuyện, là những lát cắt về một thời khắc lịch sử bi tráng của dân tộc.

Hôm nay trở lại cổ thành, lòng tôi chợt trào dâng bao niềm thiết tha, tin yêu mãnh liệt. Thiết tha sẽ có thêm nhiều đoàn hơn nữa về với cổ thành, như một niềm tri ân với những người lính trận đã ngã xuống cho độc lập tự do. Tin yêu cổ thành sẽ mãi là điểm đến của bình yên, của hòa bình. Với một nơi từng là khốc liệt nhất thì đó cũng như là cách để những mất mát, đau thương chìm sâu hơn vào quá khứ.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.