Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh Hóa: "Bệ đỡ" cho thanh niên miền núi khởi nghiệp

Quỳnh Trâm - 10:45, 05/02/2024

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa thực hiện nhiều chính sách, chủ trương thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, sáng tạo trong thanh niên vùng DTTS miền núi. Nhờ được hỗ trợ về vốn, kiến thức từ các chương trình này, trên địa bàn miền núi Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều thanh niên ưu tú, có nghị lực vượt khó, vươn lên khởi nghiệp với những mô hình hay, sáng tạo.


Khu nhà lưới với đủ các loại rau, như: rau cải, mồng tơi, xà lách...của anh Nguyễn Danh Hoàng
Khu nhà lưới với đủ các loại rau, như: rau cải, mồng tơi, xà lách...của anh Nguyễn Danh Hoàng

Khích lệ thanh niên chủ động, sáng tạo

Một trong những điển hình thanh niên đi đầu trong phong trào khởi nghiệp ở huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa), là anh Nguyễn Danh Hoàng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp xã Mậu Lâm.

Thông qua các chương trình của đoàn thanh niên, anh Hoàng được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi tại một số mô hình trang trại có hiệu quả cao ở các địa phương trong tỉnh; đồng thời được tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội huyện với số tiền 100 triệu đồng. 

Theo đó, anh mạnh dạn vay vốn thêm của anh em, bạn bè mua gom thêm đất của người dân với tổng diện tích là 8 ha (tại xã Phượng Nghi). Anh Hoàng đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi gà, lợn và đào ao nuôi cá. Trong quá trình chăn nuôi, nhờ kinh nghiệm học hỏi được và luôn tuân thủ các quy trình kỹ thuật, thường xuyên vệ sinh chuồng trại nên tránh được dịch bệnh, đàn vật nuôi của gia đình phát triển tốt và ngày càng được nhân đàn.

Đến nay, mỗi năm anh Hoàng xuất bán khoảng 10.000 con gà thịt, với giá bán 90.000 đồng/kg; 200 con lợn nái; 50 gốc bưởi, 150 trụ cây thanh long, 6 ha cây keo. Ngoài ra, anh Hoàng còn trồng thêm 1.000 mét vuông rau trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp cho các trường học ăn bán trú trên địa bàn huyện. Ước tính nguồn thu của gia đình đạt khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần chục lao động ở địa phương.

Theo anh Hoàng, nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thực sự là “cứu cánh” để anh có động lực và sự tự tin bắt đầu khởi nghiệp. Anh Hoàng chia sẻ: Con đường khởi nghiệp của thanh niên, nhất là với thanh niên miền núi gặp rất nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là vấn đề tài chính. Hầu hết thanh niên nơi đây có xuất phát điểm thấp, nguồn vốn tích lũy đầu tư kinh doanh không nhiều, nguồn hỗ trợ từ người thân, gia đình hạn chế. Do vậy, nguồn vốn vay khởi nghiệp từ các kênh của đoàn thanh niên đã trở thành chỗ dựa tin cậy, giúp thanh niên dám nghĩ, dám làm.

Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Như Thanh diễn ra rất sôi nổi, đã hình thành được nhiều mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, mang lại hiệu quả cao. Để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện đoàn Như Thanh đã tích cực tuyên truyền, vận động thanh niên làm kinh tế, tự tin khởi nghiệp; duy trì hoạt động và thành lập mới các câu lạc bộ thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, thanh niên khởi nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện để đoàn viên đi học tập, tham quan các mô hình phát triển kinh tế ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Hiện tổng nguồn vốn dành cho chương trình thanh niên khởi nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đạt trên 70 tỷ đồng, với hơn 1.000 dự án được hỗ trợ về vốn.
Hiện tổng nguồn vốn dành cho chương trình thanh niên khởi nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đạt trên 70 tỷ đồng, với hơn 1.000 dự án được hỗ trợ về vốn.

Ngoài ra, để phát huy tinh thần tiên phong trong khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên, đặc biệt là việc thực hiện Đề án “Bí thư Chi đoàn tiên phong khởi nghiệp”, Huyện đoàn Như Thanh đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, rà soát cho thanh niên tham gia vay vốn phát triển kinh tế.

Trong đó, có 61 đoàn viên, thanh niên được nhận nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, với tổng nguồn vốn gần 5 tỷ đồng; 17 mô hình nhận nguồn vốn ủy thác địa phương, với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng; 763 hộ thanh niên được vay nguồn vốn ủy thác do đoàn thanh niên quản lý, với tổng số tiền là 36,2 tỷ đồng; 6 mô hình phát triển kinh tế của bí thư, phó bí thư chi đoàn cơ sở nhận được nguồn vốn vay từ chương trình “Bí thư chi đoàn tiên phong khởi nghiệp”...

Phó Bí thư Huyện đoàn Như Thanh Bùi Văn Lãm, cho biết: Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn, huyện đoàn còn triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho đoàn viên, thanh niên như thành lập chuyên mục kết nối cung cầu trên hệ thống mạng xã hội zalo, facebook của đoàn, trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại các hoạt động lớn của đoàn... Hiện toàn huyện có 14 câu lạc bộ (CLB) thanh niên khởi nghiệp với tổng 295 thành viên. Các CLB đã và đang phát huy hiệu quả giúp thanh niên nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả"...

Trang bị cho thanh niên khởi nghiệp

Bên cạnh huyện đoàn Như Thanh, huyện đoàn Như Xuân cũng đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khích lệ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp như: Phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thanh Hóa tổ chức diễn đàn thanh niên phát triển kinh tế huyện Như Xuân; thành lập câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế cấp huyện với 58 thành viên tham gia; tổ chức cho cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên tham quan, học tập mô hình, điển hình kinh tế trên địa bàn; phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh tổ chức các lớp tư vấn, hướng nghiệp cho đoàn viên, thanh niên; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; thường xuyên có những hình thức tuyên dương các gương thanh niên phát triển kinh tế trên trang facebook của Huyện đoàn; hàng tháng tổ chức giao ban định kỳ các cơ sở đoàn, qua đó nắm bắt tình hình và tăng cường chỉ đạo các cơ sở đoàn quan tâm, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế.
Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hoá năm 2023” đã góp phần thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh
Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên tỉnh Thanh Hoá năm 2023” đã góp phần thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh

Hiện nay trên địa bàn huyện có gần 60 mô hình thanh niên đầu tư phát triển kinh tế với nhiều hình thức đa dạng như: nuôi gà thả vườn, trồng cây ăn quả, trồng rừng gỗ lớn, VAC, trồng rau sạch, các loại hình kinh doanh dịch vụ sơn nước, in, quảng cáo, bán hàng tạp hóa... Có những tấm gương đoàn viên thanh niên đi đầu phong trào như chị Nguyễn Lê Ngọc Linh với mô hình “Vườn rừng bản Thổ”, hay anh Đỗ Trọng Học với mô hình trồng cây mắc ca, nuôi ong rừng lấy mật...

Các địa phương khác cũng tích cực triển khai chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp. Tại huyện Cẩm Thủy, nguồn vốn vay ưu đãi đã hỗ trợ đắc lực cho thanh niên khởi nghiệp, hình thành nên các mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm như mô hình chăn nuôi bò, dê của Lương Ngọc Quý (Cẩm Tâm); nuôi lợn ngoại sinh sản của Phạm Phi Khanh (Cẩm Châu); trồng rau màu sạch của Nguyễn Văn Lộc (Cẩm Thạch); nuôi gà kết hợp cây ăn quả của Phùng Văn Dũng (Cẩm Tân); sửa chữa điện tử, điện dân dụng của Lê Anh Tú (Cẩm Liên)...

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 27/27 đơn vị thành lập được các “Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế”, “Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi” cấp huyện. Thông qua hình thức câu lạc bộ này, các thành viên được trao đổi, hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, thông tin, kiến thức, vốn, giống, thị trường tiêu thụ... dựa trên nhu cầu và khả năng của các cá nhân trong câu lạc bộ.  Hiện tổng nguồn vốn dành cho chương trình thanh niên khởi nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đạt trên 70 tỷ đồng, với hơn 1.000 dự án được hỗ trợ về vốn.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.