Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Thanh Hóa: Chú trọng phát triển Bảo hiểm y tế ở vùng ‘lõi nghèo”

Tô Hà - 11:55, 10/07/2022

Khác với việc triển khai BHYT miền xuôi, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Thanh Hóa việc triển khai phát triển BHYT gặp nhiều khó khăn do rất nhiều hộ gia đình nằm ở khu vực có địa hình hiểm trở, phương tiện khó di chuyển. Bên cạnh đó, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều bà con chưa thực sự quan tâm đến chăm sóc sức khỏe. Việc đưa các chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện vào cuộc sống, luôn là thách thức không nhỏ với những người làm công tác BHXH.

(CĐ BHXH) Thanh Hóa: Chú trọng phát triển Bảo hiểm y tế ở vùng ‘lõi nghèo”
Việc tuyên tuyền BHXH tự nguyện, BHYT đến với lao động tự do được ngành BHXH Thanh Hóa triển khai bằng nhiều hình thức

Vì lợi ích sức khỏe của người dân vùng khó

Tuy nhiên, góp sức chăm lo sức khỏe cho đồng bào vùng khó, những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa luôn tích cực phối hợp các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, phổ biến về chính sách BHYT liên tục tới người dân thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó từng bước nâng cao nhận thức của người dân về BHYT, mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới BHYT toàn dân.

Với gia đình chị Lê Thị Mai, xã Hóa Quỳ (Như Xuân), BHYT đã trở thành “người bạn đồng hành” gần 10 năm qua. Chị Mai cho hay, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên việc bỏ ra một số tiền tương đối lớn để mua BHYT cho 4 thành viên trong gia đình đôi lúc cũng phải đắn đo. Thế nhưng, bệnh tật, tai nạn rủi ro là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên cứ đến thời điểm gia hạn thẻ, chị lại đến đại lý gần nhất để được tư vấn các chính sách về BHYT và tiếp tục tham gia. Sau thời gian dài tham gia BHYT, chị Mai khẳng định so với số tiền phải đóng, thì những lợi ích mà BHYT mang lại lớn hơn rất nhiều.

Giám đốc BHXH huyện Như Xuân Lê Minh Hòa cho biết, thời gian qua, BHXH huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng về cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi khi tham gia BHYT. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc khẳng định vai trò, ý nghĩa của BHYT, qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về chế độ, chính sách BHYT; chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHYT thuộc các đối tượng cận nghèo, học sinh, sinh viên.

Các đại lý bán BHYT cũng kịp thời nắm bắt tình hình người dân và trực tiếp đến các hộ gia đình để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT. Đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn huyện có 53.959 người tham gia BHYT, đạt 85,44% kế hoạch. Để thực hiện quyền lợi cho đối tượng tham gia BHYT, BHXH, huyện đã cử cán bộ giám định thường trực tại bệnh viện để theo dõi việc khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, giải thích và giải quyết vướng mắc liên quan đến công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời, ngành cũng đã hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng nguồn quỹ BHYT.

 Cùng với đó, nhằm bảo đảm cho bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh có đầy đủ thuốc để chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, BHXH huyện đã quyết toán chi phí khám, chữa bệnh theo từng quý và cho cơ sở khám, chữa bệnh tạm ứng kinh phí kịp thời, đúng quy định.

(CĐ BHXH) Thanh Hóa: Chú trọng phát triển Bảo hiểm y tế ở vùng ‘lõi nghèo” 1
Cán bộ BHXH huyện Như Xuân đến từng nhà để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình

Kết quả tích cực

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có hơn 3,2 triệu người tham gia BHYT, chiếm tỷ lệ bao phủ về BHYT 86,4%. Có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh trong công tác phát triển BHYT; ngành BHXH tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai thực hiện chính sách, tạo chuyển biến tích cực và trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị trong thúc đẩy việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHYT. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT từng bước được cải thiện; quyền lợi của người bệnh được mở rộng, nâng cao. Nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn được Quỹ BHYT chi trả; chất lượng phục vụ được đổi mới, cải tiến hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận; mở các đợt cao điểm về tuyên truyền chính sách BHYT; cán bộ ngành BHXH phối hợp với nhân viên bưu điện trực tiếp đến từng hộ gia đình để vận động, tuyên truyền; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia và thụ hưởng các chính sách BHYT.

Ông Nguyễn Thế Sợi, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nhằm tăng cường truyền thông về chính sách, pháp luật BHYT và hướng tới hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân, ngành BHXH đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để từng bước gia tăng tỷ lệ BHYT, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Theo đó, BHXH tỉnh sẽ chú trọng truyền thông sâu, rộng về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHYT, nhất là BHYT hộ gia đình; truyền thông về quyền lợi của người dân khi đi khám, chữa bệnh BHYT; nhấn mạnh mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương khi tham gia BHYT hộ gia đình.

Ngoài ra, BHXH tỉnh cũng phổ biến rộng rãi những tiện ích khi sử dụng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VssID (BHXH số) trong khám, chữa bệnh BHYT. Bên cạnh những nỗ lực phát triển BHYT toàn dân, xuất phát từ những tác động về chính sách BHYT năm 2022, BHXH tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Hội đồng Dân tộc của Quốc hội kiến nghị Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT cho các đối tượng người DTTS, miền núi khó khăn đến hết năm 2025./.

Tin cùng chuyên mục
Nhiều cách làm để giảm thiểu tảo hôn ở huyện vùng cao Lộc Bình

Nhiều cách làm để giảm thiểu tảo hôn ở huyện vùng cao Lộc Bình

Là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Lạng Sơn với trên 96% là người DTTS sinh sống, người dân vùng cao Lộc Bình vẫn còn tồn tại một số hủ tục, trong đó có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Huyện đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của bà con vùng DTTS nơi đây, nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng này.