Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thanh Hóa: Chuẩn bị tốt các điều kiện cho ngày hội toàn dân

Quỳnh Trâm - 22:48, 21/03/2021

Những ngày này, từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở ở Thanh Hóa, các đơn vị đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội hướng tới cuộc bầu cử đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Thanh Hóa, bàn giao danh sách hồ sơ ứng cử ĐBQH và đại biều HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 cho Uỷ ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Thanh Hóa, bàn giao danh sách hồ sơ ứng cử ĐBQH và đại biều HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 cho Uỷ ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa

Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Thanh Hóa cho biết: thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khoá XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động chỉ đạo, triển khai công tác chuẩn bị bầu cử sớm so với các địa phương khác trong cả nước.

Theo ông Tuấn, Thanh Hóa được phân bổ bầu 14 ĐBQH; bầu 85 đại biểu HĐND tỉnh, 920 đại biểu HĐND cấp huyện, 13.272 đại biểu HĐND cấp xã. Theo ấn định của Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp, toàn tỉnh có 5 đơn vị bầu cử ĐBQH, 27 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 259 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 3.911 đơn vị bầu cử HĐND cấp xã.

Ngày 17/3, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026.

Theo đó, có 28 đại biểu được các tổ chức, cơ quan, đơn vị giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV và 2 đại biểu tự ứng cử ĐBQH khóa XV. Đối với đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, những người ứng cử sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất gồm 231 người, trong đó có 1 người tự ứng cử.

Trên cơ sở rà soát hồ sơ những người được cơ quan, đơn vị giới thiệu và tự ứng cử, đối chiếu với số lượng, cơ cấu thành phần, được phân bổ, giới thiệu, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh lập danh sách sơ bộ, trình Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 là 196 người, không đưa vào danh sách sơ bộ những người ứng cử sơ bộ đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là 35 người. Đây là những người có đơn xin rút không ứng cử hoặc không đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu.

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh: Thanh Hóa là địa phương  triển khai Hội nghị công tác bầu cử trong toàn tỉnh sớm hơn so với quy định của Trung ương. Để chuẩn bị tốt cho công tác bầu cử, ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thanh Hóa đã tiến hành việc hiệp thương lần thứ nhất và các bước tiếp theo cho công tác bầu cử. Đến nay, về cơ bản Thanh Hóa triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các khâu, các bước cho việc bầu cử, từ công tác thông tin tuyên truyền, an ninh - trật tự đến công tác nhân sự đều được triển khai thực hiện bài bản, khoa học.

Trong chuyến kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại Thanh Hóa ngày 17/3 mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đã ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã triển khai công tác chuẩn bị bầu cử bài bản, đúng trình tự.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng của cả nước và từng địa phương; là dấu mốc quan trọng được tổ chức ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đưa đất nước sang một giai đoạn phát triển mới. Các cấp, các ngành, các địa phương cần phải bám sát chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương, của Quốc hội để triển khai Cuộc bầu cử đảm bảo dân chủ, công khai, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Thanh Hóa là tỉnh lớn, có số lượng lớn đơn vị bầu cử các cấp, vì thế công tác nhân sự, hiệp thương cần phải làm chặt chẽ, đúng quy định. Bảo đảm các bước hiệp thương, lập danh sách đề cử, ứng cử, giới thiệu đúng cơ cấu, thành phần; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa cuộc bầu cử, các quy định của pháp luật về bầu cử, quyền bầu cử, ứng cử của công dân…