Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Thanh Hóa: Cuộc sống gian nan vì không có điện lưới nơi bản nghèo Xa Lung

Quỳnh Trâm - 17:05, 03/08/2024

Bản Xa Lung thuộc xã Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông. Nơi đây từ lâu đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do điều kiện khí hậu khắc nghiệt và đất đai khô cằn, giao thông trắc trở. Bên cạnh đó, việc chưa có điện lưới quốc gia trong nhiều thập kỷ qua, cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cuộc sống và sản xuất của người dân trở nên gian nan hơn.

Vào những ngày hè tháng 7, chúng tôi có dịp đến thăm bản Xa Lung, một trong những bản người Mông còn nhiều khó khăn của xã Mường Lý. Con đường dẫn vào bản gập ghềnh dốc cao và lầy lội, uốn lượn quanh các sườn núi, cùng với những cơn mưa rừng bất chợt hôm đó, khiến hành trình vào Xa Lung lại thêm xa xôi và cách trở hơn.

Xa Lung còn nhiều cái khó như chưa có nhà văn hóa, nước sinh hoạt, trong đó niềm mơ ước lớn nhất của bản là có điện lưới
Xa Lung còn nhiều cái khó như chưa có nhà văn hóa, nước sinh hoạt, trong đó niềm mơ ước lớn nhất của bản là có điện lưới

Ở Xa Lung, đồng bào Mông sống rải rác trên các sườn đồi, gần dòng sông Mã. Nhà cửa đơn sơ dựng lên bên sườn núi, thoạt nhìn có cảm giác về một bức tranh mộc mạc, yên bình, tuy nhiên vào mùa mưa, người dân luôn nơm nớp đối mặt với nguy cơ lũ ống và lũ quét, đe dọa sự an toàn tính mạng của bà con. 

Theo lời chia sẻ của anh Sùng Seo Sểnh, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, đồng bào nơi đây chủ yếu dựa vào nương rẫy, sản xuất manh mún, cái nghèo vẫn đeo bám nên 100% hộ trong bản thuộc hộ nghèo. Vì vậy, mỗi năm, dân bản vẫn cần nhận sự hỗ trợ từ Nhà nước và các chương trình giảm nghèo khác. Ngoài ra, ở Xa Lung còn nhiều cái khó khác như chưa có nhà văn hóa, nước sinh hoạt. Đặc biệt, bao năm qua, niềm mơ ước lớn nhất của bản là có điện lưới.

Việc không có điện ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất và sinh hoạt, trẻ em không có điện sáng để học tập, người dân không tiếp cận được thông tin, kiến thức để phát triển kinh tế. Với họ, những thứ như ti vi, tủ lạnh... vẫn là những vật dụng vô cùng xa lạ. 

Trưởng bản Sùng Seo Sểnh nói tiếp, để có ánh sáng sinh hoạt, người dân trong bản thường tận dụng các dòng suối để chạy máy tuabin phát điện. Một số hộ thì  kéo điện từ bản khác trong xã về sử dụng, nhưng điện yếu nên cũng chỉ thắp được bóng đèn. "Việc này dễ nảy sinh nhiều rủi ro, nguy hiểm lắm vì đường dây vắt vẻo trên những cây tre, cây gỗ tạm không đảm bảo, rất dễ chập. Những bất cập đó chính là lý do khiến nơi đây bao năm vẫn quanh quẩn với thiếu thốn, thậm chí lạc hậu, không thể phát triển được".

Thiếu điện sinh hoạt làm ảnh hưởng đến việc học tập của các em trẻ nơi đây
Thiếu điện sinh hoạt làm ảnh hưởng đến việc học tập của con em nơi đây

Anh Mua Seo Sàng, 32 tuổi, sinh ra và lớn lên tại bản Xa Lung, hiểu rõ những vất vả của cuộc sống không có điện lưới. Với gia đình 6 nhân khẩu, anh phải nỗ lực không ngừng để trang trải cuộc sống. Anh Sàng kể, ngoài vài sào lúa nương, anh trồng thêm sắn, ngô và chăn nuôi lợn, gà cũng tạm gọi là có thể an tâm, tuy nhiên, vì thiếu điện nên mọi việc trở nên khó khăn hơn. Cả bản chỉ có 2 - 3 máy xay xát, phải chạy bằng dầu hoặc kéo điện từ bản khác. Khi mưa gió, điện chập chờn, khiến năng suất thấp và hiệu quả kinh tế không cao.

Thiếu điện lưới không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất hằng ngày mà còn gây cản trở lớn tới việc dạy và học cho các em nhỏ.

Cô Phạm Thị Xuân, giáo viên trường Mầm non Mường Lý, đã có ba năm gắn bó với điểm trường Xa Lung. Cô thấu hiểu sâu sắc những khó khăn trong việc "gieo chữ" ở nơi mà cuộc sống còn nhiều thiếu thốn.

Điểm trường Xa Lung có 42 em nhỏ, nằm cách trung tâm xã hơn 3km nhưng vẫn chưa có điện lưới. Điều này gây ra nhiều bất cập trong công tác giảng dạy. Cô Xuân chia sẻ, việc sử dụng máy tính để dạy học phải dùng pin máy xách tay rất bất tiện, bởi pin nhanh chóng hỏng, không đủ dùng cho cả buổi học.

Thương nhất là lũ trẻ, sự học vốn đã khó khăn đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, thêm buổi tối, khi không có ánh sáng điện, các em chỉ biết đi ngủ sớm, không có điều kiện để ôn bài tập hay giải trí.

Hiện nay, sự học của các em trông chờ vào sự tận tụy, cố gắng hết sức của các thầy cô giáo trong việc hỗ trợ dạy dỗ các em. Để duy trì tỷ lệ học sinh đến trường và đảm bảo việc học, nhiều cô giáo phải ở lại trường cả tuần, cuối tuần mới về nhà. Sự tận tâm của các thầy cô, chính là nguồn động lực lớn, giúp các em có cơ hội tiếp cận con chữ.

Do không có điện sinh hoạt, nhiều hộ gia đình ở bản Xa Lung phải dùng tua bin hoạc bình ác quy
Do không có điện sinh hoạt, nhiều hộ gia đình ở bản Xa Lung phải dùng tua bin hoặc bình ác quy để thắp sáng

Theo ông Lê Hữu Chuân, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lý, Xa Lung chưa phải là bản xa nhất của xã, nhưng thiếu điện lưới, sinh hoạt thường ngày càng thêm phần vất vả, sinh hoạt cộng đồng trong bản vắng lặng. Việc sử dụng tua bin là phương án khả dĩ cho mỗi hộ dân, nhưng chỉ dùng để thắp sáng cho một bóng đèn tiết kiệm điện chứ không thể làm được gì hơn. Đó là chưa kể khi mùa mưa lũ về, tua bin cũng bị cuốn trôi, lại phải mất thêm tiền mua cái mới.

Theo thống kê, toàn huyện Mường Lát còn 4 bản chưa có điện lưới, qua tìm hiểu được biết, Xa Lung do nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của thiên tai nên các hộ dân sẽ được di chuyển đến khu tái định cư mới với sự đầu tư đồng bộ, khang trang về cơ sở hạ tầng, thuận lợi hơn cho việc đi lại, sinh hoạt, sản xuất và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, hàng chục năm qua, các cấp chính quyền vẫn chưa tìm được địa điểm hợp lý để làm khu tái định cư cho các hộ dân, nên việc di dời vẫn là câu chuyện chưa biết đến bao giờ đối với đồng bào Mông bản Xa Lung...

Tin cùng chuyên mục
Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Chuyện ở thung lũng nóc Ông Đến

Nóc Ông Đến là tên người dân gọi thân thương về nơi ở của mình. Còn gọi theo tên hành chính là tổ 4, thuộc thôn 2, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). Nóc Ông Đến như một thung lũng nằm biệt lập giữa rừng xanh, nơi đây có 14 nóc nhà, với hơn 60 nhân khẩu là đồng bào Co sinh sống hòa mình với núi rừng.