Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh Hóa nhiều hình thức đưa pháp luật đến với người dân vùng biên

Quỳnh Trâm - 09:37, 03/12/2024

Với những biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, những năm qua các cấp, ngành chức năng các huyện biên giới xứ Thanh đã bám sát tình hình thực tế, có nhiều cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho người dân. Qua đó, tạo bước đột phá trong công tác tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân ở địa bàn biên giới.

Điển hình như tại huyện Quan Hóa, đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện Dự án 10 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Thông qua các hoạt động như, hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới từng thôn bản, góp phần giúp đồng bào dân tộc nơi đây hiểu rõ quy định của pháp luật, qua đó đồng bào hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong chấp hành pháp luật.

Huyện Quan Hóa chú trọng tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong các trường học
Huyện Quan Hóa chú trọng tổ chức các buổi tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong các trường học

Chỉ tính riêng trong năm 2024, toàn huyện phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật được 241 cuộc. Đối tượng tham gia là lãnh đạo UBND, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, công chức các xã, thị trấn; Bí thư kiêm Trưởng bản, các đoàn thể, Người có uy tín và người dân trên địa bàn 107 bản, khu phố, với tổng số người được tuyên truyền trực tiếp là 18.354 lượt người; cấp phát 18.354 tài liệu về pháp luật. 

Ông Hà Văn Hưng, một người dân xã Hiền Kiệt, chia sẻ: “Thông qua các hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật tại địa phương, tôi đã hiểu rõ hơn về những luật cơ bản gắn liền với đời sống hằng ngày như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ rừng, và Luật Hôn nhân và Gia đình. Những kiến thức này không chỉ giúp tôi nâng cao nhận thức mà còn trang bị kỹ năng để bảo vệ bản thân và gia đình tốt hơn”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Tư pháp huyện Quan Hóa chia sẻ, các buổi tuyên truyền không chỉ mang đến những kiến thức pháp luật cần thiết mà còn tạo cơ hội để bà con trao đổi, đặt câu hỏi và nhận được giải đáp cụ thể, từ đó áp dụng hiệu quả pháp luật vào cuộc sống hằng ngày. Đây không chỉ là hoạt động mang tính thời điểm mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược dài hạn nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật trong cộng đồng...

Tại huyện Mường Lát, để nâng cao nhận thức pháp luật trong Nhân dân, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Lát đã đưa nội dung công tác tuyên truyền PBGDPL vào nghị quyết để chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện. 

Đồng thời, duy trì hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL và đội ngũ báo cáo viên pháp luật; thường xuyên bổ sung và cập nhật các đầu sách pháp luật; các văn bản pháp luật mới ban hành tại tủ sách pháp luật ở 8 xã, thị trấn. Những địa bàn có vùng biên giới, việc tuyên truyền, PBGDPL cho người dân thường được kết hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, công an và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Việc tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật góp phần giữ vững vùng biên tại xã biên giới Hiền Kiệt, Quan Hóa.
Việc tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật góp phần giữ vững vùng biên tại xã biên giới Hiền Kiệt, Quan Hóa

Trưởng Phòng Tư pháp huyện Mường Lát Lại Phạm Sơn cho biết: Thời gian qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã xây dựng các văn bản tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện công tác PBGDPL; nội dung, hình thức tuyên truyền được định hướng ngay từ đầu năm. 

Các kế hoạch, chương trình được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng, từng địa phương. Trên cơ sở đó, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã được củng cố, kiện toàn gồm 22 người; số đội ngũ tuyên truyền viên các xã, thị trấn có 96 người; 88 tổ hòa giải ở cơ sở, với 456 hòa giải viên các thôn, bản.

Để công tác tuyên truyền thực sự mang lại hiệu quả, Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã lựa chọn những báo cáo viên, tuyên truyền viên là người dân tộc, giàu kinh nghiệm, am hiểu phong tục, tập quán sinh hoạt địa phương, trực tiếp tham gia các buổi tuyên truyền bằng tiếng địa phương... 

Các hình thức tuyên truyền cũng được đa dạng như trình chiếu video, hình ảnh minh họa, phát các tờ rơi pháp luật tạo sự gần gũi, thu hút sự chú ý lắng nghe của người dân, giúp người dân dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Nội dung tuyên truyền tập trung vào phổ biến các luật, quy định mới ban hành, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhất là Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống mua bán người, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đó, công tác tuyên truyền, PBGDPL đã góp phần nâng cao hiểu biết luật cho người dân, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên, hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức về pháp luật, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân luôn được huyện Mường Lát quan tâm chú trọng
Công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân luôn được huyện Mường Lát quan tâm chú trọng

Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Tư pháp huyện Mường Lát đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền, PBGDPL được 2 hội nghị với 514 lượt người tham gia, đối tượng là cán bộ tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn; tổ trưởng các tổ hòa giải, tổ viên tổ hòa giải, bí thư chi bộ thôn bản trên địa bàn.

Nội dung tập trung giới thiệu một số điểm cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật Thanh tra năm 2022; Luật Phòng chống, bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022... UBND các xã, thị trấn đã tổ chức tuyên truyền, PBGDPL được 46 cuộc, với 8.123 lượt người tham dự. Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Thanh Hóa tổ chức triển khai tư vấn pháp luật miễn phí cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo cần trợ giúp theo quy định của pháp luật.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, công tác PBGDPL tại các huyện biên giới xứ Thanh đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật của Nhân dân các dân tộc, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Đổi thay ở Ya Xiêr

Đổi thay ở Ya Xiêr

Xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy (Kon Tum) có 6 thôn, làng; dân số hơn 6.470 người, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 87% dân số. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của đồng bào DTTS và nguồn lực đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, diện mạo xã đang khởi sắc từng ngày, nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.