Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh Hóa: Tuyên truyền phổ biến pháp luật góp phần giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS

Quỳnh Trâm - 15:36, 30/10/2024

Huyện Mường Lát (Thanh Hóa), một vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hóa, là nơi sinh sống của đông đảo các DTTS cùng sinh sống gồm Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, Kinh. Tại đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) từng là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, đời sống, giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực tuyên truyền, “mưa dầm thấm lâu”

Thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn II (2021-2025); Kế hoạch số 99/KH-UBND, ngày 22/4/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025” và Tiểu dự án 2 của Dự án 9 thuộc Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, huyện Mường Lát đã và đang đề ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tập trung đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS trên địa bàn huyện.

Công tác tuyên truyền còn được đặc biệt trú trọng trong các trường học, đặc biệt là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú
Công tác tuyên truyền được trú trọng trong các trường học, đặc biệt là Trường PTDT bán trú

Điển hình tại xã Trung Lý, từ năm 2019 trở về trước, mỗi năm có khoảng 18-20 trường hợp tảo hôn. Nhiều trẻ em trong độ tuổi đến trường bỏ học sớm để lập gia đình, khiến tình trạng nghèo đói kéo dài. Xã có 15 bản, thì vấn đề tảo hôn và HNCHT cũng đã được đưa vào hương ước, quy ước của bản.

Công tác tuyên truyền còn được đặc biệt trú trọng trong các trường học, đặc biệt là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý. Thông qua việc tổ chức Hội nghị tuyên truyền với đối tượng là học sinh nhằm mục đích nâng cao nhận thức, ý thức của các em về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; ngăn chặn việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngay từ khi các em còn trên ghế nhà trường; đồng thời các em sẽ là đội ngũ góp phần đáng kể vào công tác tuyên truyền, vận động tại thôn làng, trong gia đình, dòng tộc...

Anh Giàng A Lâu, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lý, chia sẻ: "Hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn hiện nay đã được chấm dứt. Tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn tình trạng tảo hôn cần một quá trình dài và nỗ lực đồng bộ từ chính quyền đến người dân."

Bà Trương Thị Huyên, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát, cho biết: Trong 2 năm 2022 và 2023, phòng đã phối hợp tổ chức 18 buổi tuyên truyền nói chuyện ngoại khóa về giảm thiểu tảo hôn và HNCHT tại các trường phổ thông dân tộc bán trú THCS trên địa bàn huyện với gần 4.000 lượt em học sinh và phụ huynh tham gia. 

Phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức 19 hội nghị tuyên truyền về phòng ngừa tảo hôn và HNCHT với trên 1.000 lượt đại biểu tham gia là đại diện các tổ chức đoàn thể ở bản, khu phố. Tổ chức hội thi “Tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trên địa bàn huyện Mường Lát năm 2023”; triển khai xây dựng mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT” tại xã Nhi Sơn năm 2022 và Trung Lý năm 2023. 

Tiếp nhận và cấp phát 88 sổ tay tuyên truyền cho 88 bí thư chi bộ (trưởng bản), khu phố và trên 2.000 tờ rơi về tảo hôn và HNCHT cho các bản, khu phố trên địa huyện. Lắp đặt 8 pano tuyên truyền tại 8 xã, thị trấn, in và cấp phát 77 băng rôn truyền thông về tảo hôn và HNCHT cho các bản, khu phố. Tổ chức đợt tham quan, học tập kinh nghiệm về mô hình “Giảm thiểu tảo hôn và HNCHT” tại tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La...

Năm 2023, Tiểu phẩm về “Nạn tạo hôn” của các em học sinh Trường PTDTNT THCS Thạch Thành đã bổ sung thêm vào hành trang kiến thức về pháp luật cho các em
Năm 2023, Tiểu phẩm về “Nạn tảo hôn” của các em học sinh Trường PTDTNT THCS Thạch Thành đã bổ sung thêm vào hành trang kiến thức về pháp luật cho các em

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, ý thức của người dân được cải thiện, nâng cao nhận thức về tảo hôn và HNCHT, một số hủ tục gây ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn và HNCHT dần được xóa bỏ. 

 Năm 2021, tổng số cặp kết hôn trên địa bàn huyện là 545 cặp, trong đó số cặp tảo hôn là 105 cặp, chiếm tỷ lệ 19,2%, HNCHT 1 cặp, chiếm tỷ lệ 0,18%. Năm 2022, tổng số cặp kết hôn là 570 cặp, trong đó số cặp tảo hôn là 86 cặp, không còn HNCHT. Năm 2023, tổng số cặp kết hôn là 412 cặp, trong đó số cặp tảo hôn là 50 cặp (tảo hôn vợ hoặc chồng 29, tảo hôn cả vợ và chồng 21), chiếm tỷ lệ 12%, không còn HNCHT.

Tiến tới không còn tảo hôn và HNCHT

Tại huyện Như Thanh, hằng năm, trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và HNCHT thông qua các hội nghị, tập huấn, nói chuyện truyền thông, hội thi (sân khấu hóa), giao lưu văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền qua pano, áp phích, sản phẩm truyền thông. 

Huyện cũng xây dựng 2 mô hình điểm tại Trường THPT Như Thanh II và Trường THCS&THPT Như Thanh về tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và HNCHT; tổ chức 34 buổi nói chuyện truyền thông tại các trường THPT, trường dân tộc nội trú và Trường THCS Xuân Thái cho 6.428 học sinh; tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Phòng chống tảo hôn tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện... 

Các buổi tuyên truyền, nói chuyện đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân, từ đó hạn chế tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS. Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện chỉ có 5 trường hợp tảo hôn, không có trường hợp HNCHT.

Ông Cầm Bá Tường, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Ban Dân tộc là cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 22/4/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021 - 2025” (giai đoạn II) và Tiểu dự án 2, Dự án 9 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình MTQG 1719). Theo đó, Ban Dân tộc đã hướng dẫn, triển khai, đôn đốc các huyện thực hiện và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân vùng DTTS&MN của tỉnh.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, các huyện miền núi Thanh Hóa đã tổ chức nhiều Hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật đến các tầng lớp Nhân dân
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, các huyện miền núi Thanh Hóa đã tổ chức nhiều Hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật đến các tầng lớp Nhân dân

Hoạt động được Ban Dân tộc tập trung triển khai trong năm 2024, là tổ chức các hội nghị tuyên truyền cho người dân và cán bộ cơ sở. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2024, Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tổ chức thành công 05 hội nghị tuyên truyền cho hơn 1.000 đại biểu là người dân các DTTS (đặc biệt là dân tộc Mông, dân tộc Khơ Mú), cán bộ thôn bản và cán bộ xã của các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới thuộc các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Như Thanh.

Theo số liệu thống kê trên địa bàn 11 huyện MN, tỷ lệ tảo hôn đang có xu hướng giảm từ 2,38% năm 2021 xuống còn 1,67% năm 2023. Các huyện còn có tỷ lệ tảo hôn cao tập trung ở các huyện như: Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân. Nhiều huyện không còn tỷ lệ tảo hôn như: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước và các huyện giáp ranh có xã, thôn vùng DTTS&MN. Về HNCHT, trong giai đoạn 2021-2023, chỉ có 1 cặp xảy ra vào năm 2021 tại huyện Mường Lát, từ năm 2022 không còn HNCHT.

Theo ông Tường, qua công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện Đề án 498 tại các huyện miền núi Thanh Hóa, đa số người dân đã nhận thức được tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của việc TH&HNCHT không chỉ có tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản, giống nòi... mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo được sự đồng thuận trong xã hội để ngăn ngừa tình trạng TH&HNCHT, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS. 

Việc giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT đã giúp cho các cặp vợ chồng kết hôn đúng độ tuổi, có đủ sức khỏe, khả năng lao động để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục tập trung nâng cao công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, mở rộng các mô hình điểm và đẩy mạnh giáo dục pháp luật trong đồng bào DTTS miền núi. 

Tin cùng chuyên mục
Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) đã phát huy vai trò của mình, chung tay, góp sức cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, Người có uy tín là một “kênh truyền thông” hữu hiệu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) đến với Nhân dân.