Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thanh Hóa: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Quỳnh Trâm - 08:46, 03/04/2024

Xác định di sản văn hóa là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút đối với du lịch, nhất là trong giai đoạn hội nhập toàn diện như hiện nay, những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển; đồng thời gìn giữ, bảo vệ các giá trị văn hóa cho thế hệ tương lai.

Những nếp nhà sàn truyền thống góp phần phát triển du lịch cộng đồng tại xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa ( ảnh Thùy Linh)
Những nếp nhà sàn truyền thống góp phần phát triển du lịch cộng đồng tại xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa ( ảnh Thùy Linh)

Vùng đất giàu trầm tích văn hóa

Nhắc đến xứ Thanh là nhắc đến vùng đất trầm tích các giá trị văn hóa, nổi bật là nền văn hóa Trống đồng Đông Sơn. Đây cũng là một trong những "cái nôi" chứa đựng giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Việt nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng với những hình thức đặc sắc về huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hóa, ẩm thực... ; nơi “địa linh, nhân kiệt” phát tích của nhiều triều đại phong kiến (Tiền Lê, Hậu Lê, Nhà Hồ, Nhà Nguyễn). Những yếu tố đó đã tạo nên truyền thống văn hóa giàu bản sắc của đất và người Thanh Hóa.

Để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thông qua việc quan tâm bảo tồn, xây dựng hồ sơ đề cử, trong năm 2023 tỉnh Thanh Hóa có thêm 7 di sản được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia. Ngành Văn hóa -Thể thao và Du lịch tỉnh đã có nhiều hoạt động để bảo tồn các di sản như: Hoàn thành khai quật 4 cổng Thành nhà Hồ, in sách “Thành tựu 10 năm khai quật khảo cổ học Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ”, chống mối tường thành phía bắc; công bố tư liệu về Lễ tế Giao, tổ chức Hội thảo khoa học phục hồi lễ tế Nam Giao, huyện Vĩnh Lộc; sưu tầm, phục dựng, gắn chíp 70 hiện vật khảo cổ; tăng cường quản lý vùng lõi Di sản Thành nhà Hồ với 3 bộ phận chính: La Thành, Hoàng Thành, Đàn tế Nam Giao.

Hiện tỉnh Thanh Hóa có hơn 1.535 di tích, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ. Trong đó, có 1 di sản thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, cùng với hàng trăm lễ hội, lễ tục, trò diễn dân gian ở khắp các vùng miền được lưu giữ, trong đó 15 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia. Hệ thống bảo tàng trong toàn tỉnh hiện đang bảo quản và trưng bày hơn 32.855 hiện vật các loại qua các thời kỳ lịch sử, trong đó có khoảng 120 trống đồng thuộc loại quý hiếm và hàng ngàn hiện vật, cổ vật quý có giá trị lịch sử, văn hóa cao.

Trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Thái tại Lễ hội Mường Ca Da (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) thu hút và hấp dẫn nhiều du khách tại Lễ hội
Trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Thái tại Lễ hội Mường Ca Da (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) thu hút và hấp dẫn nhiều du khách tại Lễ hội

Đa dạng các hình thức quảng bá di sản

Để khai thác các di sản văn hóa trong phát triển du lịch, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch như Kế hoạch bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh ...

Triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030: Ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức lớp tập huấn phương pháp bảo tồn trang phục dân tộc Thái huyện Như Thanh; tổ chức thành công Liên hoan văn nghệ dân gian - Phiên chợ vùng cao và Lễ hội “Hương sắc vùng cao” thu hút đông đảo các nghệ nhân, diễn viên, quần chúng các dân tộc thiểu số ở vùng thượng du Thanh Hóa tham gia biểu diễn, sáng tạo, hưởng thụ văn hóa. Bảo tồn, phát huy, phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; phục dựng, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc sắc nhằm bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa quan tâm bảo tồn, khai thác giá trị di sản, đưa hàm lượng văn hóa vào các sản phẩm du lịch; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ văn hóa cho lực lượng công tác tại cơ sở, nâng cao trình độ, kỹ năng cho nguồn nhân lực du lịch.

Lễ hội “Sết Boóc Mạy” tại huyện Như Thanh – Thanh Hóa là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Lễ hội “Sết Boóc Mạy” tại huyện Như Thanh – Thanh Hóa là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa với các địa phương có quan hệ hợp tác hữu nghị trong và ngoài nước, như: Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào); thành phố Seongnam (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc), tỉnh Mittelsachsen (bang Sachsen, Cộng hòa Liên bang Đức), tỉnh Al Farwaniyah, (Coet), tỉnh Niigata (Nhật Bản)... Đồng thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại văn hóa lớn tại Thanh Hóa, như: “Hội nghị gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc, Hội nghị 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, “Ngày Italia tại Thanh Hóa”...

Thông qua các chương trình, sự kiện, tỉnh đã lồng ghép đưa các di sản văn hóa phi vật thể mang đặc trưng riêng biệt của cộng đồng các dân tộc xứ Thanh, như lễ Hội Mường Ca Da (Quan Hóa), lễ Hội Sết Boóc mạy (Như Thanh), lễ Hội Mường Khô ở Bá Thước…đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó, góp tăng thêm giá trị cho sản phẩm du lịch, kích thích sự tìm tòi khám phá của du khách. Đồng thời, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau.