Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Thanh Hóa: Tiếp tục phát huy vai trò Người có uy tín để thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG

Quỳnh Trâm - 18:48, 08/12/2022

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 1.289 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Trong những năm qua, đội ngũ Người có uy tín tại vùng núi xứ Thanh đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng; thực sự là “chỗ dựa” quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, vận động đồng bào DTTS tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương.

Tỉnh Thanh Hóa biểu dương những đóng góp to lớn của Người có uy tín trong đồng bào DTTS
Tỉnh Thanh Hóa biểu dương những đóng góp to lớn của Người có uy tín trong đồng bào DTTS

Người có uy tín thể hiện trách nhiệm xã hội

Điển hình như ông Triệu Phúc Hiến, Người có uy tín, Trưởng ban Công tác Mặt trận tại khu dân cư, ở tổ dân phố Ngọc Sơn (thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa), được ví như sợi dây nối giữa ý Đảng với lòng dân. Ông không chỉ giúp bà con Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn góp phần quan trọng trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc của người Dao như: Mở các lớp dạy chữ Nôm Dao và học hát giao duyên; duy trì và bảo tồn việc mặc trang phục, lễ hội, lễ cấp sắc, lễ tết nhảy, lễ tạ mạ, lễ thượng thiền, tết thanh minh; từ bỏ những hủ tục, mê tín, dị đoan, những phong tục gây tốn nhiều kinh phí và thời gian cho gia đình.

Trong xây dựng nông thôn mới, ông đã vận động Nhân dân bê tông hóa đường nội thôn, đường ra khu nghĩa trang, lắp đặt hệ thống điện thắp sáng, nâng cấp chỉnh trang nhà văn hóa thôn... với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Trong phát triển kinh tế gia đình, ông đã tích cực trồng, chăm sóc hơn 50 ha keo kết hợp nuôi ong, chăn nuôi lợn, dê, gà, hàng năm cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động trong thôn.

Trong những năm qua, đội ngũ Người có uy tín tại vùng núi xứ Thanh đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng
Trong những năm qua, đội ngũ Người có uy tín tại vùng núi xứ Thanh đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với xã hội và cộng đồng

Hay như ông Lâu Văn Chá, dân tộc Mông, Người có uy tín, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Pù Toong, xã Pù Nhi (Mường Lát) là người tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, chấp hành tốt quy ước của bản, xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang, lễ hội; không tham gia các tệ nạn xã hội. 

Trong phát triển kinh tế, ông đã cùng Chi ủy, Ban Quản lý bản vận động đồng bào trồng rừng, trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi theo mô hình VAC, hạ thấp độ cao phát nương làm rẫy chuyển sang trồng lúa nước nhằm bảo vệ rừng đầu nguồn... Với những nỗ lực của ông Chá, năm 2020 bản Pù Toong đã được công nhận bản nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,1% (theo tiêu chí mới).

Các ông Triệu Phúc Hiến, Lâu Văn Chá là 2 tấm gương Người có uy tín trong số 120 điển hình Người có uy tín, vừa được biểu dương tại Hội nghị biểu dương điển hình Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2020 - 2022 vào cuối tháng 5/2022. Ngoài ra, còn rất nhiều các tấm gương sáng, những hành động cao đẹp mà Người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã đóng góp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ thực sự là những ngọn lửa luôn tỏa sáng trên mọi mặt trận của đời sống xã hội, được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản vùng núi xứ Thanh
Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã có những đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở các thôn, bản vùng núi xứ Thanh

Tiếp tục phát huy vai trò Người có uy tín 

Nhằm phát huy vai trò của Người có uy tín, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện triển khai, tổ chức thực hiện chính sách cho Người có uy tín. Các chế độ, chính sách đối với Người có uy tín trên địa bàn tỉnh hàng năm được thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng định mức theo quy định. Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh và các huyện miền núi nơi có đồng bào DTTS sinh sống đã tổ chức các buổi gặp mặt thăm hỏi động viên, tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin cho đội ngũ Người có uy tín.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hiện đầy đủ các chính sách cho Người có uy tín theo Quyết định 12/QĐ-TTg, ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS, qua đó động viên, khích lệ Người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò của mình. Theo đó, hơn 10 năm qua, Thanh Hóa cũng đã tổ chức được khoảng 1.500  cuộc phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin cho 7.612 lượt Người có uy tín tham gia; tổ chức 257 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức cho 11.715 lượt Người có uy tín trên địa bàn toàn tỉnh; trên 13.259 lượt Người có uy tín được thăm hỏi tặng quà nhân dịp lễ tết Nguyên đán, tết của đồng bào; 7.271 Người có uy tín được tham gia các cuộc thăm quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh...

Đánh giá về vai trò, những những đóng góp  của Người có uy tín trong đồng bào DTTS đối với sự phát triển của tỉnh, ông Đỗ Trọng Hưng - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 1.289 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Thực tế đã chứng minh, các già làng, trưởng bản, Người có uy tín là những người tiêu biểu, “giữ lửa” ở các bản, làng; “chỗ dựa” vững chắc, “cầu nối” quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc.

Ông Triệu Văn Chính, là một trong những Người có uy tín ở huyện Ngọc Lặc có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa
Ông Triệu Văn Chính, là một trong những Người có uy tín ở huyện Ngọc Lặc có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa

Trong giai đoạn hiện nay, vùng đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh trong đầu tư, hỗ trợ các chương trình, chính sách để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững; gần đây nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Để các chương trình, dự án, chính sách trong thời gian tới thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, chắc chắn, sẽ có một phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ những Người có uy tín trong đồng bào các DTTS toàn tỉnh. 

"Chính vì vậy, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ những Người có uy tín hoạt động để họ ngày càng phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế,  xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh", Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh

Tin cùng chuyên mục
Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Hai Nghệ nhân Nhân dân tiêu biểu của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh tập trung khá đông đồng bào Khmer sinh sống (tỷ lệ trên 30%). Đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, giàu bản sắc, được truyền nối qua nhiều thế hệ. Trong cộng đồng có những hạt nhân ưu tú đã và đang miệt mài, cần mẫn đóng góp tâm sức để làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc, tiêu biểu như hai Nghệ nhân Nhân dân Châu Ôn và Lý Lết.