Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Những Người có uy tín ở Mộc Châu

Thuý Hồng - 09:20, 18/11/2022

Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã và đang phát huy vai trò nói dân tin, làm dân theo, góp phần cùng các cấp, ngành xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Chị Hà Thị Xoa - Người có uy tín bản Phách, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu chăm sóc vườn chanh leo của gia đình
Chị Hà Thị Xoa - Người có uy tín bản Phách, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu chăm sóc vườn chanh leo của gia đình

Nhắc đến ông Mùa A Dính ở bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc bà con trong thôn đều thể hiện sự quý mến, tin tưởng. Ông là một trong những người có công lớn trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi nương ngô, sắn sang trồng mận, đào, nhãn; phát triển chăn nuôi trâu, bò để nâng cao thu nhập và từng bước đẩy lùi đói nghèo, tệ nạn xã hội, nhất là ma túy.

Bản Tà Số 1 là bản vùng cao, nằm ở khu vực khá biệt lập trên địa bàn xã Chiềng Hắc, với 100% là đồng bào dân tộc Mông cùng sinh sống. Được bà con tín nhiệm bầu là Người có uy tín trong bản năm 2017, trong qúa trình vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hoa màu phù hợp với thổ nhưỡng để tăng thu nhập, thoát nghèo, để bà con tin tưởng, ông Dính đã đi đầu chuyển đổi từ trồng ngô, sắn trên nương sang trồng mận hậu, đào. 

Ngoài ra, ông cùng gia đình còn tích cực tăng gia nuôi trâu, bò, lợn, gà đặc sản để có thêm nguồn thu và cải thiện dinh dưỡng. Theo đó, từ trồng hoa quả và chăn nuôi mỗi năm cho gia đình ông thu nhập từ 80-100 triệu đồng. Nhận thấy gia đình ông phát triển kinh tế mang lại thu nhập, giúp ổn định đời sống, người dân trong bản đã học tập làm theo. Nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%.

Đặc biệt, ông Dính luôn tích cực phối hợp với cán bộ bản đến từng hộ tuyên truyền, vận động Nhân dân làm chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà; vận động Nhân dân hiến đất, công lao động và đóng góp 200.000 đồng/khẩu để làm 2 km đường nội bản bằng bê tông. Nhờ đó, đến nay, 90% tuyến đường trong bản đã được bê tông hóa, giúp bà con đi lại trao đổi hàng hóa thuận lợi hơn trước rất nhiều, bà con ở bản ai cũng phấn khởi.

Ngoài ra, tranh thủ các cuộc họp của bản, của các tổ chức, ông Dính đã phối hợp tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, không để con em tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; không thách cưới, không để người chết lâu ngày trong nhà... Nhờ vậy, nhiều thủ tục trong việc cưới, việc tang của dân tộc đã được tổ chức ngắn gọn, văn minh, tiết kiệm…

 Bản Tà Số 1 hôm nay đã đổi khác, bản còn được chọn làm điểm để phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông của huyện. Cả bản đã khôi phục, duy trì một số lễ hội, trò chơi dân gian, các phong tục tập quán truyền thống, truyền dạy thêu, may trang phục dân tộc, các nhạc cụ như khèn, sáo Mông cho lớp trẻ, giữ gìn nét đẹp để thu hút khách du lịch.

Nhận thấy Người có uy tín Hà Thị Xoa trồng chanh leo hiệu quả, nhiều gia đình trong bản đã chuyển đổi sang trồng cây chanh leo, mang lại thu nhập ổn định
Nhận thấy Người có uy tín Hà Thị Xoa trồng chanh leo hiệu quả, nhiều gia đình trong bản đã chuyển đổi sang trồng cây chanh leo, mang lại thu nhập ổn định

Với chị Hà Thị Xoa, Người có uy tín bản Phách, xã Chiềng Khừa cũng đã đi đầu chuyển đổi sang mô hình kinh tế từ cây chanh leo mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ năm 2017, khi chính quyền xã vận động người dân chuyển đổi từ diện tích đất kém năng suất sang trồng cây chanh leo, nhưng người dân vẫn còn nghi ngại, gia đình chị Xoa đã mạnh dạn đi đầu trồng chanh leo, với diện tích ban đầu là 1ha. Nhờ được xã tập huấn về kỹ thuật, nên vườn chanh leo của gia đình chị sinh trưởng phát triển tốt, nên chị đã quyết định mở rộng lên 2ha, mỗi ha cho thu hoạch trên 20 tấn/năm, thu nhập bình quân/năm là 250 triệu đồng/ha, nếu được mùa và được giá thì thu nhập đạt 500 triệu đồng/ha.

Nhận thấy chị trồng chanh leo hiệu quả, nhiều gia đình trong bản đã chuyển đổi sang trồng cây chanh leo, mang lại thu nhập ổn định. Ngoài việc vận động người dân trong bản trồng cây chanh leo chị Xoa còn tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do các cấp tổ chức, chia sẻ cho bà con cùng áp dụng. Nhờ đó đến nay, toàn xã có 7ha diện tích trồng cây chanh leo mang lại năng suất, chất lượng cao, mang lại thu nhập, giúp bà con trong bản xoá đói giảm nghèo.

Mô hình nuôi cá của Người có uy tín ỏ xã Tân Hợp Mộc Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi cá của Người có uy tín ỏ xã Tân Hợp Mộc Châu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không riêng gì ông Dính, chị Xoa mà còn có nhiều Người uy tín khác như ông Đinh Văn Ót, bản Sao Tua, xã Tân Hợp, chị Hà Thị Ước, xã Chiềng Khừa, ông Vì Văn Phịnh, Người có uy tín ở bản Áng, xã Đông Sang… Những Người có uy tín trong đồng bào DTTS huyện Mộc Châu, luôn tích cực tham gia và vận động người dân trong khu dân cư nhiệt tình hưởng ứng thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động, nhất là việc vận động đồng bào DTTS phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chuyển đổi trồng cây ăn quả trên đất dốc, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Ông Hà Văn Cường, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mộc Châu, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu có 137 Người có uy tín, chủ yếu là già làng, trưởng dòng họ, trưởng bản, cán bộ nghỉ hưu. Bằng kinh nghiệm, uy tín, trí tuệ của mình, đội ngũ Người có uy tín thực sự là “cầu nối” quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

“Họ cũng là những người nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng; những khó khăn, vướng mắc của người dân tại cơ sở để phản ánh với chính quyền, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo tồn phát huy bản sắc văn hoá truyền thống và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn huyện Mộc Châu ông Cường cho biết.