Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thanh niên DTTS ở Đắk Lắk khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa: Lan tỏa phong trào trong các buôn làng (Bài 2)

Hoàng Thùy - 11:11, 05/12/2023

Những năm qua, phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa đến các buôn làng. Đặc biệt, nhiều thanh niên DTTS khai thác thế mạnh từ sản phẩm nông nghiệp, văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng của các dân tộc để khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương.

Đoàn du khách chụp hình lưu niệm trước Y Sol House
Đoàn du khách chụp hình lưu niệm trước Y Sol House

Làm giàu trên quê hương

Nhận thấy quê hương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, Y Sôl Sruk, dân tộc Mnông ở xã Yang Tao, huyện Lắk đã mạnh dạn cải tạo khu vườn của gia đình thành không gian du lịch. Theo đó, Y Sol dựng 3 căn nhà sàn theo kiểu truyền thống của người Mnông. Phía trước là khu vực tiếp khách, với những chóe rượu cần, bếp lửa, cồng chiêng và không gian tổ chức giao lưu văn nghệ, cồng chiêng với các nghệ nhân. Phía sau là phòng ngủ được thiết kế nhà truyền thống, cải tiến bằng các vách chia phòng tiện lợi cho du khách đến lưu trú. Cuối năm 2020, Y Sol House đi vào hoạt động.

Khởi nghiệp ngay trên quê hương bằng kiến thức sẵn có và những trải nghiệm thực tế, Y Sol giới thiệu các thông tin về buôn làng, nghề gốm thủ công của người Mnông, chú voi thân thiện, không gian văn hóa cồng chiêng và những món ăn đậm chất núi rừng trên mạng xã hội. Du khách ở nhiều địa phương thích thú tìm hiểu và đăng ký tua du lịch cộng đồng của Y Sol.

Phối hợp với các nhóm bạn, hộ dân nuôi voi, làm gốm thủ công tổ chức các tour đưa khách đến buôn làng, ngắm phong cảnh thiên nhiên và làng nghề truyền thống của người Mnông trên địa bàn huyện. Sau chuyến trải nghiệm du khách về Y Sol House để thưởng thức món ăn dân dã, ngủ trong nhà sàn của người Mnông. Đến nay, nhà của Y Sol được du khách tìm đến trải nghiệm đều đặn mỗi ngày.

H’Zu Ni Niê đưa sản phẩm cà phê bột nguyên chất của mình giới thiệu đến du khách
H’Zu Ni Niê đưa sản phẩm cà phê bột nguyên chất của mình giới thiệu đến du khách

Không chỉ khởi nghiệp cho bản thân, Y Sol House còn tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động địa phương, với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, còn giúp nhiều hộ dân có thêm thu nhập nghề truyền thống.

Cũng khởi nghiệp với tài nguyên quê hương, chị H’Zu Ni Niê, dân tộc Ê Đê, ở buôn Ako Dhong, phường Tân Lợi, Tp.Buôn Ma Thuột đã tạo ra sản phẩm cà phê bột nguyên chất với thương hiệu Zu Ni Café được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.

Tỉnh Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, hiện có gần 3.000 thanh niên, trong đó thanh niên DTTS chiếm 30,4%. Những năm gần đây, phong trào thanh niên lập nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa sâu rộng. Đặc biệt, nhiều thanh niên DTTS mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Lan tỏa phong trào khởi nghiệp

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/5/2016 tại Quyết định số 844/QĐ-TTg, từ năm 2018, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh, giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; năm 2021 tiếp tục ban hành Kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đã giao cho các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Thông qua các hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên nói chung, thanh niên vùng DTTS nói riêng thay đổi tư duy, mạnh dạn khởi nghiệp.

Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk cùng các sở, ngành đã có nhiều hoạt động hỗ trợ như: Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; Tổ chức chương trình đối thoại với thanh niên; tuyên dương thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu… từ đó lan tỏa rộng rãi tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, đặc biệt là thanh niên DTTS.

Nhiều mô hình khởi nghiệp tham gia Ngày hội khởi nghiệm, đổi mới, sáng tạo của tỉnh năm 2023
Nhiều mô hình khởi nghiệp tham gia Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo của tỉnh năm 2023

Những năm gần đây thanh niên DTTS đã có tự khẳng định mình với ý chí và quyết tâm cao để phát triển kinh tế cho bản thân, gia đình, tạo công ăn việc làm, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, tạo sự lan tỏa sâu rộng. Các cấp đoàn, hội trong tỉnh duy trì tốt hoạt động của các câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp; các nhóm, câu lạc bộ giúp nhau làm ăn tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động khá hiệu quả…

Theo anh Y Lê Pas Tơr, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk, phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại Đắk Lắk đã mở hướng mới giảm nghèo và phát triển bền vững vùng DTTS. Với tư duy đổi mới, khát vọng của tuổi trẻ, nhiều thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh mạnh dạn khởi nghiệp và thành công.

Được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhiều thanh niên  trong vùng đồng bào DTTS đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh với nhiều mô hình. Để có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong thanh niên một cách xuyên suốt, phù hợp, Ban thường vụ Tỉnh đoàn đã phát huy hiệu quả các nguồn vốn. Điển hình “Quỹ khởi nghiệp” do tổ chức Đoàn Thanh niên, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vận động từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân thành lập. 

Ngoài ra, Tỉnh đoàn Đắk Lắk xây dựng và phát triển các mô hình phát triển kinh tế của thanh niên; Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội trong việc nhận ủy thác vốn vay dành cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, tháng 10 hàng năm, tỉnh Đắk Lắk cũng đã tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là dịp sơ kết các hoạt động khởi nghiệp trong một năm trên địa bản tỉnh.


Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.