Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng giữa cộng đồng

Thanh niên DTTS tỉnh Quảng Ninh với trách nhiệm cộng đồng: Tiếp nối và phát triển nghề truyền thống (Bài 1)

Thiên An - Mỹ Dung - 10:22, 16/10/2022

Khởi nghiệp từ khi còn trẻ, chàng thanh niên dân tộc Sán Chỉ Trần Văn Hoàng, sinh năm 1988, xã Húc Động, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã rất ý thức việc tiếp nối, phát triển nghề làm miến dong truyền thống của gia đình. Ngoài mục đích giữ nghề truyền thống để phát triển kinh tế, Trần Văn Hoàng còn mong muốn tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là thanh niên tại địa phương.

Anh Trần Văn Hoàng (thứ 3 từ phải sang) nhận hoa từ Liên Đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh nhân dịp tham gia Hội chợ ngày Quốc tế lao động
Anh Trần Văn Hoàng (thứ 3 từ phải sang) nhận hoa từ Liên Đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh nhân dịp tham gia Hội chợ ngày Quốc tế lao động

Khởi nghiệp từ nghề truyền thống gia đình

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Húc Động, chủ yếu là người đồng bào DTTS sinh sống, đông nhất là dân tộc Sán Chỉ, ngay từ nhỏ anh Hoàng đã biết đến nghề miến dong truyền thống  ở Húc Động. Tốt nghiệp cấp 3, anh lên học và làm việc tại Hà Nội. Cuối năm 2016, anh trở về địa phương, quyết tâm khởi nghiệp làm giàu từ nghề làm miến dong truyền thống của gia đình.

Anh Hoàng chia sẻ, nghe cha ông kể lại, từ xưa những người làm miến dong thủ công truyền thống, cứ cuối năm lại lặn lội trên con đường đồi núi gập ghềnh, mất 2,3 ngày mang miến ra Móng Cái bán hoặc trao đổi lấy mắm, muối. Rồi dần dần, khi nhu cầu ngày một tăng, người dân làm miến dong theo mùa vụ để bán.

Chàng thanh niên dân tộc Sán Chỉ Trần Văn Hoàng
Chàng thanh niên dân tộc Sán Chỉ Trần Văn Hoàng

.Ngoài diện tích dong của gia đình, anh vận động thêm một vài hộ trồng diện tích lớn rồi thu hoạch mua lại. Thời gian đầu khởi nghiệp, anh sản xuất khoảng 10-15 tấn. Tuy nhiên, nguyên liệu thừa, năng lực sản xuất thì không đáp ứng nên không tiêu thụ hết được sản phẩm. Trước khó khăn này, năm 2018, anh lại đi tìm thị trường, quảng bá sản phẩm để tìm chỗ tiêu thụ miến dong, nhưng khi quay lại sản xuất thì bà con không trồng nữa.

Anh chia sẻ: “Con đường làm miến dong cũng nhiều chông chênh lắm. Mới đầu tôi cứ nghĩ áp dụng máy móc vào mình làm là có người mua hết. Nhưng phải nghỉ một thời gian do không tìm được chỗ tiêu thụ. Có những lúc bà con bỏ trồng, phải ra sức vận động bà con, hứa bao tiêu sản phẩm bà con mới yên tâm trồng tiếp”

Anh Hoàng ra sức vận động bà con trồng dong để sản xuất miến dong
Anh Hoàng ra sức vận động bà con trồng dong để sản xuất miến dong

Đến 2020 anh Hoàng chính thức bắt đầu ký hợp đồng bao tiêu, mua dong cho bà con. Rồi từ việc ban đầu làm chung với ông chú, từ năm 2021, anh Hoàng chủ động tách riêng làm sổ mới, đồng thời đầu tư khoảng 600-700tr mua máy móc làm nghề.

 “Khi có khoảng 50% đầu ra, tôi mới dám mở rộng liên kết với bà con để tiêu thụ sản phẩm. Ban đầu cũng thiếu vốn làm ăn. Nhưng sau đó, cũng rất may mắn là nhận được sự quan tâm và hỗ trợ nguồn vốn của Hội Nông dân huyện”, anh Hoàng chia sẻ thêm.

Hiệu quả từ việc gắn bó với cây dong 

Khi sản xuất có đầu ra ồn định, anh Trần Văn Hoàng đã đứng ra vận động và thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Húc Động, với mục tiêu: gìn giữ và phát triển nghề truyền thống sản xuất miến dong của ông cha; tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên Hợp tác xã và Nhân dân trong xã, để bà con gắn bó với cây dong riềng.

Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Húc Động
Sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Húc Động

Từ việc hỗ trợ vốn, phân bón, kỹ thuật, thu mua khi cho bà con thu hoạch, Hợp tác xã sản xuất theo mùa vụ từ đầu tháng 10 đến hết năm. Hiện tại, Hợp tác xã giải quyết việc làm cho khoảng 25 lao động. Doanh thu năm 2021, đạt 500 triệu đồng (do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Năm 2022, dự kiến doanh thu đạt 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng..

Anh Trần A Si, một thành viên của Hợp tác xã cho biết: “Anh Hoàng đã vận động những thanh niên như chúng tôi đóng góp vốn, công sức để cùng nhau sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm miến dong truyền thống này. Cũng may mắn, miến dong của Húc Động rất "ăn khách" nên các hộ có thu nhập rất ổn định”.

Ngoài việc phát triển cơ sở sản xuất của mình, chàng thanh niên dân tộc Sán Chỉ này rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thanh niên, Hợp tác xã…

Chị Trần Thị Hường, Bí thư Huyện đoàn Bình Liêu, cho biết: Địa phương rất đề cao và khuyến khích những thanh niên DTTS như anh Hoàng. Để giữ lửa đam mê làm giàu từ nghề truyền thống, Hoàng rất chịu khó học hỏi, nghiên cứu nên đã nắm bắt được thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng đối với những sản phẩm của quê hương. Do vậy, Hoàng đã mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại để phát triển nghề miến dong truyền thống, qua đó không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, còn tạo việc làm, thu nhập cho nhiều hộ gia đình và những thanh niên trên địa bàn...


Tin cùng chuyên mục
"Biệt đội” cứu hộ xe 0 đồng ở Hội An, Quảng Nam

"Biệt đội” cứu hộ xe 0 đồng ở Hội An, Quảng Nam

Làm nhiều công việc khác nhau, nhưng các anh đều có chung mong muốn giúp đỡ những người gặp sự cố về xe cộ trong đêm nên đã thành lập nhóm SOS Hội An. Hơn 3 năm nay, hàng nghìn lượt ô tô, xe máy của người dân không may gặp sự cố trong đêm được Đội của các anh hỗ trợ kịp trời, với chi phí chỉ bằng... một nụ cười.