Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc: Xử lý sau kết luận thanh tra còn gặp nhiều khó khăn

Nguyễn Thanh - 05:55, 19/07/2022

Nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót đã được chỉ ra tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, vấn đề được đề cập nhiều nhất, khiến nhiều địa phương băn khoăn là việc xử lý sau kết luận thanh tra, kiểm tra còn chưa được thực hiện rốt ráo.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông (ngoài cùng bên trái) và các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông (ngoài cùng bên trái) và các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020

Thanh tra ra… sai phạm

Trong 5 năm từ 2016-2020, Thanh tra Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Ban Dân tộc các địa phương đã tiến hành 675 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc. Trong đó, Ban Dân tộc của 48 tỉnh, thành phố đã tiến hành 469 cuộc thanh tra, 125 cuộc kiểm tra, 4 tỉnh có cơ quan làm công tác dân tộc tiến hành 40 cuộc kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn các tỉnh; Thanh tra Ủy ban Dân tộc đã tổ chức tiến hành 41 thanh kiểm tra (30 cuộc thanh tra chuyên ngành, 8 cuộc thanh tra hành chính, 3 cuộc kiểm tra) thực hiện chính sách dân tộc.

Qua công tác thanh kiểm tra giai đoạn 2016-2020, đã phát hiện, phần lớn các địa phương, đơn vị được thanh tra, kiểm tra đều có hạn chế, thiếu sót trong tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách; các vi phạm xảy ra ở nhiều khâu, nhiều lĩnh vực, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực liên quan đến công tác tài chính như phân bổ, cấp phát, quản lí, sử dụng nguồn vốn.

Chẳng hạn, ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thì sai phạm được phát hiện trong tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư; từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện và bàn giao công trình đưa vào sử dụng, đến công tác khảo sát thiết kế, thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán.

Có những sai phạm liên quan đến hỗ trợ phát triển sản xuất không đúng đối tượng, được thanh tra chỉ rõ. Theo đó, với các dự án định canh định cư, tại các tỉnh được thanh tra như Bình Định, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Cao Bằng… đều có tình trạng xây dựng, phê duyệt dự án chưa sát, không đúng quy định về đối tượng.

Thậm chí, một số tỉnh như Bình Thuận, Lâm Đồng, phê duyệt thực hiện một số dự án không có tên trong danh mục dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhiều tỉnh khi xây dựng dự án trình Chính phủ có dự toán phần vốn đối ứng của địa phương, nhưng khi thực hiện không bố trí được vốn đối ứng. Nhiều đối tượng không nằm trong diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã được Thanh tra chỉ rõ.

Theo kết luận của Thanh tra, các tỉnh như Phú Thọ, Sơn La, còn tình trạng xây dựng, phê duyệt dự án hỗ trợ đối tượng thụ hưởng không đúng quy định, dẫn đến việc hỗ trợ cho cả các hộ không có tên trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo.

Các tỉnh như Quảng Ngãi, Bắc Kạn có tình trạng phê duyệt cho các xã được giao làm chủ đầu tư thu tiền mặt đối ứng của các hộ nghèo, cận nghèo sai quy định hoặc chưa thiết thực với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương.

Thanh tra cũng đã chỉ rõ một số địa phương như Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Bình Thuận, Bình Định, thực hiện việc phân bổ và sử dụng không đúng mục đích nguồn vốn. Đó là phân bổ, sử dụng nguồn vốn sự nghiệp vào đầu tư các dự án công trình xây dựng cơ bản hoặc thực hiện nhiệm vụ khác; phân bổ vốn được cấp của chính sách định canh định cư để thực hiện các dự án khác của tỉnh; sử dụng vốn sự nghiệp cấp cho việc duy tu, bảo dưỡng để đầu tư, xây dựng các công trình mới.

Đáng lưu ý, có tình trạng phân bổ nguồn vốn chậm, không phù hợp với mùa vụ sản xuất xảy ra hầu hết ở các tỉnh được thanh tra.

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, như chính sách hỗ trợ cho học sinh con hộ nghèo, phát triển sản xuất theo Chương trình 135, mô hình giảm nghèo bền vững… cũng bộc lộ nhiều hạn chế như hỗ trợ sai đối tượng, vượt định mức, không kịp thời.

Người có uy tín là cánh tay nối dài chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến tận người dân vùng DTTS và miền núi. Nhưng chính sách với Người uy tín một số tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Hòa Bình làm chưa tốt, nhiều Người có uy tín chưa được nhận các chế độ đầy đủ kịp thời theo quy định. Ở nhiều địa phương, thậm chí đã dùng nguồn kinh phí ngân sách Trung ương chi trả sai chế độ cho Người có uy tín…

Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020 được tổ chức ngày 16/7 tại Nghệ An
Hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra chính sách dân tộc giai đoạn 2016-2020 được tổ chức ngày 16/7 tại Nghệ An

Cần chế tài xử lý sau thanh kiểm tra

Vấn đề khiến nhiều đại biểu thảo luận, tập trung trao đổi là xử lý như thế nào với những vướng mắc trong quá trình thanh kiểm tra cũng như xử lý sau kết luận thanh tra, kiểm tra.

Ông Ngô Đức Quân, Phó Chánh Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu thẳng thắn cho rằng: Cần phải có chế tài để xử lý nghiêm sau thanh kiểm tra. Thực tế thì chúng tôi chỉ ra văn bản đôn đốc, thậm chí xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh, nhưng nhiều đơn vị cơ sở lại chậm thực hiện nhưng chưa biết giải quyết thế nào.

Còn ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết: Sau các cuộc thanh tra, cần phải xử lí nghiêm theo kết luận đã ban hành.“Thanh tra nhưng không được xử phạt vi phạm hành chính nên hạn chế, giảm hiệu quả của công tác thanh kiểm tra rất  nhiều”.

Chánh Thanh tra Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Dũng cũng đề cập đến bất cập, là ai sẽ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra khi mà Thanh tra Ban Dân tộc ở các địa phương đang rất thiếu người.

Về những vướng mắc, bất cập nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra trao đổi: Thực tế hiện nay, thanh tra chưa có thẩm quyền xử phạt hành chính. Còn việc giám sát, thì người nào ra quyết định phải giám sát hoạt động của đoàn thanh tra.

Làm rõ thêm vấn đề, ông Võ Văn Bảy, Chánh Thanh tra Ủy ban Dân tộc thông tin rằng: Chính phủ cũng đã giao xây dựng một nghị định xử phạt sau thanh tra, nhưng chúng ta chưa xác định được hành vi vi phạm trong lĩnh vực công tác dân tộc nên chưa thực hiện được.

Để hoạt động thanh kiểm tra có hiệu quả, đi vào chiều sâu và thực chất, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh Vũ Kiên Cường đề xuất: Với thực trạng trình độ, số lượng cán bộ làm công tác thanh kiểm tra của các Ban Dân tộc hiện nay, tôi cho rằng, cần triển khai ngay các giải pháp củng cố đội ngũ toàn hệ thống, sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo nâng cao trình độ. 

"Có những cơ chế phát huy vai trò, của đội ngũ thanh tra. Để hoạt động thanh kiểm tra có hiệu quả cao, thì Thanh tra cần phối hợp tốt với chính quyền sở tại, thậm chí làm việc với cấp chính quyền. Khi tiến hành thanh kiểm tra, cần chọn đúng và trúng nội dung thanh tra, sát địa bàn thanh tra", ông Cường nói.

Ông Lô Xuân Vinh, Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị
Ông Lô Xuân Vinh, Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị

Đồng quan điểm này, ông Lô Xuân Vinh, Phó ban Dân tộc Nghệ An cũng chia sẻ kinh nghiệm: Sau những cuộc thanh kiểm tra, Ban Dân tộc Nghệ An đã có văn bản đôn đốc gửi Thường trực Huyện ủy để họ nắm và chỉ đạo kịp thời. Nhờ vậy, việc xử lý kết luận thanh tra đã tốt hơn.

Trong giai đoạn 2016-2020, Thanh Tra Ủy ban Dân tộc đã phát hiện và kiến nghị xử lí về tài chính là 235,3 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, tổng số tiền các đối tượng thực hiện kết luận thanh tra đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Ủy ban Dân tộc là 5,2 tỉ đồng.

Công tác ở tỉnh miền núi phía Bắc, bà Đinh Thị Thảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình mong muốn: Cần tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, kinh nghiệm, chuyên môn cho đội ngũ những cán bộ làm công tác thanh tra. Bên cạnh đó, bản thân những cán bộ này cũng phải tự ý thức học tập nâng cao trình độ thường xuyên để nâng cao hơn năng lực thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Theo bà Thảo, công tác tham mưu của thanh tra Ban Dân tộc và thanh tra tỉnh là rất quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác thanh kiểm tra.

Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, nghiêm túc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông khẳng định: hoạt động thanh kiểm tra có ý nghĩa rất quan trọng để chúng ta thực hiện tốt hơn công tác dân tộc. Vì thế, cán bộ làm công tác thanh kiểm tra cần trau dồi trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, liêm chính, trách nhiệm để những cuộc thanh tra trở nên thực chất, không né tránh, không nể nang. Mục tiêu cuối cùng đạt được là chính sách dân tộc sẽ được thực hiện tốt hơn, ý nghĩa hơn sau các hoạt động thanh kiểm tra./.