Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thắp sáng con chữ nơi núi rừng Ea Rớt

Lê Hường - 14:55, 04/09/2024

Những phòng học dựng tạm bằng tre, nứa trước đây, nay đã thay thế bằng ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp. Niềm vui ấy không chỉ dành riêng cho thầy và trò vùng sâu, mà còn là hạnh phúc của người dân nơi núi rừng Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk.

Gian khó lùi xa

Thôn Ea Rớt nằm cách trung tâm xã chừng 20km, tọa lạc ở vị trí cao, giữa núi rừng, nên người dân địa phương gọi là cổng trời Ea Rớt. Bao năm qua, cuộc sống của người dân Ea Rớt gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trẻ con theo đuổi con chữ vô cùng gian nan. Nhưng nay, Ea Rớt đã có trường học khang trang, sạch đẹp thay thế cho những phòng học tạm bợ, chật chội đã tồn tại hàng chục năm, đảm bảo sự học cho học sinh ở Ea Rớt.

Công tác tại Trường Tiểu học Cư Pui II đã nhiều năm, cô giáo Nguyễn Thị Bình, cũng như các thầy cô trong trường đều từng tăng cường lên điểm trường Ea Rớt giảng dạy. Cô Bình kể: Điểm trường thôn Ea Rớt cách trung tâm rất xa, hằng năm nhà trường phân công nhiệm vụ cho các giáo viên luân phiên phụ trách giảng dạy. Cách đây hơn 1 năm,  đường giao thông lại khó khăn, phòng học dựng tạm bằng phên tre nứa, mùa đông gió thốc vào trong phòng rất lạnh. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền và cộng đồng xã hội, thời gian khó ấy đã lùi xa. Ea Rớt được đầu tư xây dựng trường học khang trang, cơ sở vật chất đảm bảo việc dạy và học. Đây là năm học thứ 2 học sinh tiểu học, mầm non thôn Ea Rớt học trong ngôi nhà trường mới.

Học sinh Ea Rớt hào hứng đi học trong ngôi trường mới
Học sinh Ea Rớt hào hứng đi học trong ngôi trường mới

Không chỉ được xây dựng điểm trường tiểu học và mầm non khang trang, Ea Rớt còn được đầu tư làm đường, xây dựng cầu Ea Rớt, đường đến trường của trẻ em nơi đây càng thêm thuận lợi.

Ông Giàng Seo Măng, Trưởng thôn Ea Rớt chia sẻ: Thôn Ea Rớt thành lập năm 2004, chủ yếu bà con dân tộc Mông di cư từ phía Bắc vào. Toàn thôn hiện có gần 200 hộ, hơn 1.000 khẩu. Trước đây, cơ sở hạ tầng cũng như đời sống của người dân vô cùng khốn khó, đường giao thông, điện lưới, trường học không có. Học sinh tiểu học đến trường rất gian nan bởi đường đi cách trở, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy và phải băng qua suối. Nhưng bây giờ đã có cầu kiên cố, đường bê tông, đường đến trường của các em học sinh đã bớt khổ.

Đường tương lai thêm gần

Không chỉ học sinh và phụ huynh thôn Ea Rớt cũng vui mừng khi có trường học mới
Không chỉ học sinh mà các bậc phụ huynh ở thôn Ea Rớt cũng vui mừng khi có trường học mới

Điểm trường thôn Ea Rớt, Trường tiểu học Cư Pui II được xây dựng trên khuôn đất rộng 1ha với tòa nhà 2 tầng 8 phòng học, 3 phòng chức năng, công trình vệ sinh, nhà công vụ. Không chỉ phòng học kiên cố, điểm trường còn xây dựng hệ thống tường rào bao quanh, sân chơi rộng rãi và các công trình phụ đầy đủ. Niềm vui ấy không chỉ dành riêng cho những đứa trẻ thôn Ea Rớt, mà còn là hạnh phúc của các bậc phụ huynh.

Có hai con học tại điểm trường Ea Rớt, năm học này một em lên lớp 3, một em lên lớp 4, chị Vương Thị Dớ vui vẻ nói: Các con được học trong ngôi trường mới an toàn, bà con chúng tôi rất vui, yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế nuôi con ăn học, để có tương lai tươi sáng hơn.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2 chia sẻ: Điểm trường thôn Ea Rớt có gần 200 em học sinh, khi thực hiện chương trình giáo dục mới, cơ sở trường lớp thiếu thốn khiến công tác dạy và học gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năm học vừa qua điểm trường đã được xây dựng khang trang, kiên cố, đảm bảo cho việc dạy và học ngày 2 buổi.

Ngoài cơ sở trường lớp, thôn Ea Rớt còn được đầu tư các công trình giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến lớp
Ngoài cơ sở trường lớp, thôn Ea Rớt còn được đầu tư các công trình giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến lớp

Xã Cư Pui có số lượng học sinh các cấp thuộc tóp đầu của huyện Krông Bông, trong đó chủ yếu học sinh DTTS. Từ địa bàn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, học sinh bỏ học nhiều… nhưng đến nay, xã Cư Pui đã trở thành điểm sáng về xây dựng cơ sở vật chất trường học và nâng cao chất lượng giáo dục.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pui Y Lai Niê: Toàn xã hiện có 5 trường học gồm 1 trường THCS, 3 trường tiểu học và 1 trường mẫu giáo và hàng chục điểm trường lẻ. So với trước, đến nay cơ sở vật chất trường học đã được đầu tư xây dựng đảm bảo công tác dạy và học. Bên cạnh trường lớp khang trang, các công trình giao thông cũng được xây dựng, đường đến trường của thầy và trò đã bớt gian nan.

Được biết, không chỉ thôn Ea Rớt, hằng năm từ nhiều nguồn vốn khác nhau, các địa phương vùng sâu, vùng xa đã được đầu tư xây dựng nhiều phòng học mới đảm bảo quy định, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.