Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thầy cô “vượt” dịch tới trường

PV - 15:26, 09/08/2021

Sau nghỉ hè, các thầy cô ở nhiều địa phương đã và đang trở lại trường chuẩn bị cho một năm học mới.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng vệ sinh lớp học phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng vệ sinh lớp học phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, không như mọi năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hành trình trở lại trường không tránh khỏi vất vả.

“Vượt” dịch tới trường

Dù ngày 31/7 mới hết phép nhưng thầy Hà Hồng Soạn công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai), quê ở Thanh Sơn - Phú Thọ quyết định lên trước vài ngày để ổn định chỗ ăn ở, chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới. Vì vậy, từ ngày 19/7, thầy đã trở lại trường.

“Vì vợ con ở quê, gia đình xa nhau đằng đẵng, ngắn thì tháng đoàn tụ 2 - 3 ngày, nhưng có đợt dịch căng thẳng thì 1 - 2 tháng không về. Năm nay về nghỉ hè, bản thân tôi vẫn ý thức chỉ ở nhà và rất ít gặp người thân quen… để bảo đảm phòng chống dịch…” - thầy Soạn nói.

Theo thầy Soạn, trước khi giáo viên (GV) nghỉ hè và trả phép, nhà trường đã thông qua Zalo, Facebook để quán triệt GV khi ra khỏi địa phương phải khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

“Mình thấy việc dừng lại để tiến hành một số thủ tục dù mất thời gian hơn, song không phiền phức và cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay” - thầy Soạn nói.

Thậm chí, thầy Soạn còn cho biết, trước khi trở lại trường, đã chủ động tới UBND xã nơi gia đình cư trú xin xác nhận vùng chưa có dịch và gia đình tuân thủ phòng chống dịch. “Thủ tục này không bắt buộc, nhưng bản thân tôi thấy cần thiết để hành trình trở lại trường có thêm sự đảm bảo...”, thầy Soạn cho hay.

Cô Nguyễn Thị Đỏ cũng công tác tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Sín Chéng (Si Ma Cai – Lào Cai), trong dịp nghỉ hè đã tranh thủ về 2 quê Hải Dương và Thái Nguyên.

Lo dịch bùng phát nên cô Đỏ thu xếp trở lại Si Ma Cai từ 14/7. Hành trình từ Thái Nguyên lên Si Ma Cai, cô Đỏ và gia đình đều khai báo y tế tại 3 chốt kiểm dịch của Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai. Tại địa phương, cô tiếp tục tới phòng khám xã Sín Chéng để khai báo y tế; khai báo chi tiết về hành trình với nhà trường.

Cô Định Thị Gửi quê ở Xuân Trường, Nam Định công tác tại Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải – Yên Bái) về quê dịp nghỉ hè và trở lại trường ngày 21/7. Vì Covid-19 diễn biến phức tạp, nên cô đã nhờ người thân đưa lên bằng xe riêng. Suốt hành trình trở lại trường từ Nam Định tới Mù Cang Chải (Yên Bái), cô Gửi đã làm thủ tục khai báo y tế và đo thân nhiệt tại 4 chốt đầy đủ.

Trở lại Mù Cang Chải, cô Gửi khai báo y tế đầy đủ, thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày theo yêu cầu của y tế xã. “Đang trong thời gian cách ly, chỉ ở nhà một mình, tuy nhiên, em đã xác định và chủ động mọi việc để việc cách ly hiệu quả…”, cô Gửi cho hay.

Cô Đinh Thị Gửi cũng cho biết: Thời gian tự cách ly tại nhà vẫn tham gia đầy đủ đợt tập huấn của nhà xuất bản đối với GV dạy chương trình, sách giáo khoa lớp 6 (môn Tin học) trong 3 ngày 22 - 24/7. Hiện tại, sức khỏe bình thường, ngày 10/8 sẽ hết thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà và yêu tâm trở lại với trường lớp.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên cô Bùi Minh Khuyên – Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè - Lai Châu) lại chưa thể trở lại trường đúng lịch. Hiện, cô vẫn “kẹt” ở Hà Nội và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Ngày 12/7, cô Bùi Minh Khuyên đưa 6 học sinh hoàn cảnh khó khăn từ xã Pa Ủ lên Hà Nội thực hiện phẫu thuật và phục hồi chức năng… (các tổ chức từ thiện hỗ trợ kinh phí). Chương trình do cô Khuyên kết nối và phụ huynh không biết chữ… nên nhờ cô đại diện đưa đi và lo cho các em suốt thời gian chữa bệnh.

Khi việc khám chữa bệnh cho học sinh cơ bản đã hoàn thành thì Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16. Tỉnh Lai Châu cũng thông báo người đang ở vùng dịch và thực hiện Chỉ thị 16 không được trở lại địa phương vào thời điểm này. Do vậy, cô Khuyên và 6 học sinh phải ở lại Hà Nội cho tới khi hết Chỉ thị 16 mới có thể trở lại Lai Châu.

GV đang trở lại trường để chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: NTCC
GV đang trở lại trường để chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: NTCC

Chủ động phòng, chống dịch

Thầy Hà Trần Hồng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải – Yên Bái) cho biết: Do dịch Covid-19 nên việc nghỉ hè của đội ngũ GV có nhiều đảo lộn.

Trước khi GV về nghỉ hè, Công đoàn trường đã yêu cầu toàn bộ GV khai báo địa điểm, thời gian… cụ thể. Mặt khác, dựa vào thông tin dịch bệnh đã đưa ra những khuyến cáo cho GV những nơi không nên đến, không an toàn để thầy cô cân nhắc quyết định.

Mặt khác, qua kênh Zalo chung, trường yêu cầu GV khi trở lại địa phương để thực hiện tập huấn chương trình, sách giáo khoa mới và trả phép phải khai báo y tế; thực hiện nghiêm yêu cầu, khuyến cáo của ngành Y tế và địa phương...

“Năm nay do dịch bệnh, nên đa số GV không rời địa phương dịp hè, chỉ một số trường hợp có việc cần thiết mới về quê. Vì vậy, việc tập trung GV bước vào năm học mới sẽ không vướng mắc và đúng thời gian quy định…” - thầy Hà Trần Hồng bày tỏ.

Theo ông Bùi Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Hà (Lào Cai), trước khi nghỉ hè, phòng GD&ĐT đã quán triệt tới toàn thể GV và học sinh về tình hình dịch, các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với thực tiễn đơn vị, tăng cường tuyên truyền thông điệp 9K (“Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế - Kiểm soát biên giới - Khu cách ly an toàn - Không ra khỏi nhà khi không cần thiết - Không đăng thông tin sai sự thật”) để không xuất hiện tư tưởng, tâm lý, biểu hiện chủ quan, lơ là.

Mặt khác, phòng chỉ đạo các trường học tích cực tuyên truyền, khuyến cáo cán bộ, GV, học sinh khi được nghỉ hè thực hiện nghiêm nội quy, quy định phòng, chống dịch tại địa phương đang tạm trú.

Ngành cũng khuyến khích GV tạm dừng các chuyến tham quan, du lịch, thăm thân và công việc không cần thiết đến các địa phương đang có dịch. Hạn chế việc di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác…

“31/7 là thời điểm GV phải quay lại trường nhưng phòng GD&ĐT khuyến khích GV trở lại địa bàn sớm để tự cách ly. Dù đã xin phép và được sự đồng ý của nhà trường ở lại Hà Nội nhưng em cũng sốt ruột bởi còn 2 con ở nhà. Tuy nhiên, dù thế nào em cũng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trước khi trở lại trường để bảo đảm an toàn cho xã hội và bản thân…” – cô Khuyên chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.