Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Thấy gì qua những vụ tai nạn bom mìn ở Kon Tum

Văn Phương - 06:30, 11/04/2023

Chiến tranh đã đi qua non nửa thế kỷ, thế nhưng những đau thương, mất mát do bom mìn còn sót vẫn chưa dứt. Những vụ việc đau lòng từ bom mìn vẫn xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum, là vấn đề khiến chúng ta cần phải nhìn nhận lại công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo về những hệ lụy, những chứng tích bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh.

Bác sĩ BV Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu nạn nhân trong vụ nổ đầu đạn ở xã Đak Long, huyện Đak Hà.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu nạn nhân của vụ nổ đầu đạn ở làng Kon Đao Yốp, xã Đak Long, huyện Đak Hà

Nỗi đau từ bom mìn

Theo thông tin công bố tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm triển khai hoạt động giáo dục phòng tránh nguy cơ bom mìn, vật nổ, do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum phối hợp với Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) tổ chức cuối năm 2022, Kon Tum là 1 trong 19 tỉnh, thành trong cả nước có 100% xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ.

Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực, công sức, tiền bạc, thậm chí là máu, để “làm sạch” những mét vuông đất ô nhiễm bom mìn. Từ năm 2012 - 2020, tỉnh đã thu gom, xử lý hơn 1.100 quả bom, mìn, vật nổ các loại với tổng khối lượng ước tính gần 17.000 kg.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, kể cả khi chúng đã được làm sạch ở khu đất này, nỗi đau vẫn còn ở lại với rất nhiều gia đình có nạn nhân của bom, mìn.

Minh chứng là ngày 25/3/2023, tại làng Kon Đao Yốp (xã Đăk Long, huyện Đăk Hà) đã xảy ra vụ tai nổ đầu đạn thương tâm, khiến 5 người trở thành nạn nhân của bom mìn, vật liệu nổ. Trong đó, có 2 người đã tử vong, 3 người phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Cụ thể, vào khoảng 16 giờ ngày 25/3/2023, anh A Nhi (24 tuổi, trú tại làng Kon Đao Yốp, xã Đăk Long) chở theo một đầu đạn từ rẫy mì về nhà bố vợ là ông A Tu ở cùng làng. Sau đó, anh A Nhi dùng rựa tác động mạnh vào đầu đạn khiến đầu đạn phát nổ.

 Vụ nổ đã khiến anh A Nhi tử vong tại chỗ. Bốn người khác là chị Y Khung (22 tuổi, vợ A Nhi), con trai A.P. (4 tuổi); em A.K. (11 tuổi, em ruột chị Y Khung) và A.T. (cháu ông A Tu) bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Hà. Đến 19 giờ ngày 25/3/2023, vì vết thương quá nặng nên em A.P. đã tử vong.

Ba trường hợp còn lại được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum điều trị. Sáng 26/3, chị Y Khung đã dần bình phục, có thể nghe, nói được và đang được chăm sóc tại Khoa Ngoại Chấn thương. Em A.K. bị chấn thương sọ não đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc; em A.T. bị đa vết thương và đang được đội ngũ y bác sĩ tiến hành mổ để điều trị vết thương thủng ruột.

Trước đó, một sự việc tương tự đã xảy ra tại thôn 5, xã Đăk Cấm, Tp. Kon Tum. Vào khoảng 12h ngày 23/10/2017, trong lúc đi câu cá, ông A Then (46 tuổi) đã nhặt được một đầu đạn, sau đó mang về nhà tự ý đập, tháo đầu đạn. Đạn phát nổ, khiến ông A Then tử vong tại chỗ. Bà Y Đưch (45 tuổi), là vợ ông A Then tử vong trên đường đi cấp cứu. Hai cháu Y Thuy (15 tuổi) và A Theo (9 tuổi) bị thương nặng.

Điều đáng nói, những vụ việc đau lòng nói trên xảy ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đều liên quan đến đồng bào DTTS ở thôn làng vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Sự hiểu biết, nhận thức còn hạn chế là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc trên. 

Cũng từ những vụ việc trên cho thấy, lỗ hổng trong công tác thông tin tuyên truyền còn hạn chế. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền về tác hại và sự nguy hiểm của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, để người dân hiểu và phòng tránh…

Để không còn nỗi đau từ bom mìn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích do bom mìn gây ra, nhưng nguyên nhân khiến chúng ta trăn trở, đó là sự thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức về phòng chống bom mìn, vật liệu nổ của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. 

Nhiều người khi phát hiện bom mìn thì tự ý tháo gỡ, mang về tái sử dụng mà không ý thức được mức độ nguy hiểm và dự lường được hậu quả mà nó gây ra. Vì vậy, có những người vĩnh viễn mất đi mạng sống chỉ sau một tiếng nổ, người may mắn thoát chết thì cũng tàn phế, mang thương tật suốt đời.

Đau xót hơn, là trong số những nạn nhân của bom mìn có không ít các trường hợp là trẻ em. Vì tính tò mò, hiếu động, vì chưa được giáo dục kiến thức phòng tránh bom mìn, vật nổ hay sự bất cẩn của người lớn đã gây ra tai nạn đáng tiếc cho các em.

Để giảm thiểu tai nạn do bom mìn cho người dân và cộng đồng, thì cùng với nỗ lực rà phá bom mìn của các cơ quan, lực lượng chức năng, việc nâng cao nhận thức, ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại cũng là giải pháp rất quan trọng.

Trong đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tỉnh Kon Tum nói riêng và rất nhiều vùng đất khác trên mọi miền Tổ quốc đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về mối nguy hiểm; trang bị kiến thức để người dân có khả năng tự nhận biết, ứng phó khi phát hiện, tiếp xúc với bom mìn, vật liệu nổ, hạn chế tối đa những hành động tùy tiện. Từ đó, giúp mỗi người bảo vệ bản thân và cộng đồng, để không còn những vụ tai nạn đau lòng từ bom mìn, vật nổ gây ra.