Xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn được tỉnh Sơn La chọn là một trong những địa phương thực hiện thí điểm xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu. Theo bộ tiêu chí đạt chuẩn NTM nâng cao tỉnh Sơn La, giai đoạn 2018 - 2020 gồm 17 tiêu chí, quy định cụ thể, như: Thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,2 lần trở lên so với chuẩn thu nhập của xã NTM; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm dưới 8%; 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định...
Để đạt xã NTM nâng cao, Chiềng Ban tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập bình quân đầu người và tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia mua BHYT đạt trên 95%. Đồng thời, phát huy vai trò của hệ thống chính trị và các tổ chức đoàn thể vận động Nhân dân thi đua thực hiện các tiêu chí về giáo dục, giao thông, thu nhập, quan tâm thay đổi cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp.
Ông Phạm Văn Khánh, Bí thư xã Chiềng Ban cho biết: Xác định việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn NTM đã khó, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân để đạt chuẩn xã NTM ở mức độ cao càng khó khăn hơn. Đến thời điểm này, Chiềng Ban mới chỉ đạt đạt 10/17 tiêu chí xã NTM nâng cao; các tiêu chí chưa đạt, gồm: Giao thông, thủy lợi, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế và cảnh quan môi trường.
“Đặc biệt, để đáp ứng tiêu chí 100% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định thì sẽ rất khó hoàn thành nếu không có nguồn kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước”, ông Khánh cho biết.
Còn tại xã Mông Ân, huyện Bình Gia (Lạng Sơn), xã được huyện phê duyệt xây dựng NTM kiểu mẫu hoàn thành trong năm 2019, với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước là 200 triệu đồng để xây dựng các hạng mục đường giao thông nông thôn, nhưng đến nay địa phương này vẫn chưa hoàn thành.
Ông Hoàng Văn Ấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã Mông Ân cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là việc thực hiện tiêu chí môi trường và thu nhập. Với đặc thù là xã vùng cao, kinh tế chủ yếu là dựa vào sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả, do đó thu nhập của người dân chưa ổn định. Cụ thể như, trong năm 2018, người dân trong xã đã chuyển đổi mô hình kinh tế sang trồng cây chanh leo. Nhưng do địa phương không có cơ sở chế biến, thu mua tại chỗ, chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nhỏ lẻ, giá thành thấp nên người dân không mặn mà chuyển đổi.
“Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền địa phương sẽ cùng người dân phấn đấu hoàn thành xây dựng khu dân cư kiểu mẫu trong năm 2020”, ông Ấn nói.
Từ thực tế của các địa phương có thể thấy, việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở vùng DTTS và miền núi đang gặp nhiều khó khăn. Làm thế nào để xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu mà vẫn không gây áp lực cho địa phương và người dân là vấn đề cần được các nhà hoạch định tính toán chu toàn khi xây dựng các tiêu chí, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS và miền núi giai đoạn sau năm 2020.