Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thầy giáo Mường miệt mài “gieo chữ” ở vùng cao

Hoài Dương - 15:17, 09/09/2020

Mới đây, có dịp về thăm Trường THCS và THPT Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), chúng tôi được gặp thầy giáo trẻ Hà Văn Đường (SN 1986) dân tộc Mường, Bí thư Đoàn Trường THCS và THPT Púng Luông, người có nhiều cống hiến cho giáo dục vùng cao và là 1 trong 41 đại biểu tiêu biểu của tỉnh Yên Bái được lựa chọn tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 sắp tới.

Thầy giáo Hà Văn Đường (người thứ nhất từ trái sang) nhận giải thưởng trong Hội thi cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT học tập và làm theo lời Bác.
Thầy giáo Hà Văn Đường (người thứ nhất từ trái sang) nhận giải thưởng trong Hội thi cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD&ĐT học tập và làm theo lời Bác.

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện vùng cao Cẩm Thủy (Thanh Hóa), từ bé chứng kiến cảnh dân mình còn nhiều vất vả, lam lũ, thiếu thốn, Hà Văn Đường đã sớm có ý thức tự giác học tập, với mong muốn làm sao trở thành một nhà giáo, sau này có thể đem cái chữ đến với trẻ em khó khăn, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Ước mơ ấy trở thành hiện thực, khi Hà Văn Đường thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, chuyên ngành Lịch sử. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp, thầy giáo trẻ Hà Văn Đường quyết định mang hồ sơ đến Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái xin việc. Sau đó 1 tháng, anh nhận quyết định công tác và được phân về dạy tại Trường THPT Mù Cang Chải.

“Ở đây đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 90%, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Lo ngại nhất là việc phụ huynh thường bắt con cái nghỉ học ở nhà đi làm nương rẫy và bắt lấy chồng, lấy vợ sớm. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ, các em học sinh còn quá nhỏ, nếu không được học hành sẽ không thể có tương lai tươi sáng”, thầy Đường chia sẻ.

Nghĩ vậy nên suốt nhiều năm trời, ngoài ngày chính khóa, vào các ngày nghỉ, ngày lễ, thầy Đường đến từng bản, từng nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh và nắm bắt tâm tư của các em, của phụ huynh để vận động, tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học, thuyết phục phụ huynh cho con trở lại trường.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất, thầy Đường tâm sự: “Đó là năm 2012, khi thầy đến nhà một em học sinh tìm hiểu lý do em hay đi học muộn. Mặc dù khoảng cách giữa trường và nhà chỉ cách 3km, nhưng chúng tôi phải đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ, do đường gồ ghề, đồi núi. Sau chuyến đi ấy, tôi càng thương các em hơn. Vì tôi nhận ra rằng, ở các em đã có một sự nỗ lực rất lớn trong học tập”.

Không chỉ miệt mài vận động học sinh ra lớp, là giáo viên dạy lịch sử, thầy Đường còn luôn trăn trở tìm cách đổi mới phương pháp dạy, với những mô hình sáng tạo để học sinh dễ dàng nhớ được các mốc lịch sử. Nhiều mô hình, sáng kiến của thầy như: Một số giải pháp nâng cao hiệu quả ôn thi tốt nghiệp môn Lịch sử cho học sinh lớp 12 ở Trường THPT Mù Cang Chải năm 2015 - 2016; sản phẩm tích hợp liên môn: Tây Âu thời hậu kỳ trung đại… được xếp loại sáng kiến đạt khá cấp tỉnh.

Gần đây nhất, năm học 2017 - 2018, với sáng kiến “Một số biện pháp giúp học sinh ghi nhớ các sự kiện lịch sử ở Trường THPT Mù Cang Chải”, thầy Đường tiếp tục được Hội đồng chấm sáng kiến cấp tỉnh công nhận là đề tài sáng kiến cấp tỉnh.

Ngoài ra, với vai trò là Bí thư Đoàn trường, thầy Đường đã vận động, quyên góp ủng hộ giúp đỡ các em học sinh có điều kiện khó khăn; tổ chức lao động tình nguyện mỗi khi đến mùa cấy, mùa gặt hỗ trợ gia đình các em học sinh. Đồng thời, vừa để gìn giữ bản sắc văn hóa vừa để tạo môi trường giúp các em tự tin, thầy Đường cũng thường xuyên tổ chức hoạt động thi múa dân tộc Mông; thổi khèn Mông, sáo Mông, kèn lá, kèn môi…

Nhờ những nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, thầy giáo Hà Văn Đường nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở, được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen. Tháng 8/2019, thầy giáo Hà Văn Đường chuyển công tác về Trường THCS và THPT Púng Luông. Cũng trong năm 2019, thầy được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục vùng DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.