Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Thầy tào trong đời sống tín ngưỡng của người Tày - Nùng

Lý Viết Trường - Ngọc Ánh - 18:08, 27/07/2021

Trong quan niệm của người Tày, Nùng ở vùng miền núi phía Bắc, thầy Tào là những người có khả năng giao tiếp với thế giới thần linh, giúp dân bản trừ ma tà, cầu bình an, mùa màng bội thu… Ngoài thầy Tào thì những người làm nghề tín ngưỡng khác như Mo, Pụt, Then cũng đều được gọi là những người “cứu nhân độ thế”.

Thầy tào Hoàng Văn Điền (thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đang làm Lễ trưởng thành
Thầy Tào Hoàng Văn Điền (thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đang làm Lễ trưởng thành

Theo Tiến sĩ Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam thì có 2 nhóm người có thể trở thành thầy Tào: Thứ nhất là những người thuộc con cháu của những gia đình có tổ tiên làm tào, người ta gọi là có tổ nghề; thứ hai là những người có căn số, được nghề tào chọn mặt gửi vàng.

Hiện nay ở thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn có 6 thầy Tào. Người lớn tuổi nhất là thầy Hoàng Văn Điền (61 tuổi), người trẻ tuổi nhất là Hoàng Văn Thụ (25 tuổi). Trong đó có 2 thầy vào nghề do có căn số, 4 thầy làm tào vì mong muốn nối nghiệp tổ tiên. “Tôi làm nghề thầy cúng vì gia đình đã có 4 đời hành nghề. Từ khi tôi còn trẻ đã được bố động viên theo nghề, vì trách nhiệm với tổ tiên nên tôi đã đồng ý cấp sắc làm thầy”, thầy Tào Hoàng Văn Lài, thôn Sơn Hồng cho biết.

Một người từ khi quyết định trở thành thầy Tào phải trải qua rất nhiều công việc, trong đó quan trọng nhất là lễ cấp sắc, tiếng Tày, Nùng gọi là “cai tào”. Nghi lễ này thường diễn ra trong vòng 2 ngày 1 đêm, với rất nhiều lễ nghi. Qua quan sát nghi lễ cấp sắc của thầy Tào Hoàng Văn Thụ ở thôn Sơn Hồng, chúng tôi nhận thấy cấp sắc là nghi lễ miêu tả lại hành trình xuất hiện của một thầy Tào từ khi thụ thai đến khi trưởng thành.

Nghi lễ cấp sắc thường thu hút đông đảo bà con họ hàng và hàng xóm tham dự. Sự có mặt của người dân không chỉ góp phần khẳng định sự thành công của nghi lễ, mà còn thể hiện danh tiếng của dòng Tào và bản thân thầy Tào mới được cấp sắc ra ngoài cộng đồng.

Thầy tào chủ trì đám tang (Ảnh: Nông Văn Tới)
Thầy Tào chủ trì đám tang (Ảnh: Nông Văn Tới)

Trước và sau khi trở thành thầy Tào, phải trải qua một quá trình học tập và kiêng kỵ vô cùng nghiêm ngặt. Việc học ở đây là học chữ Hán theo các sách: Tam tự kinh, Luận ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung, Đại học, Thi kinh, Ấu học quỳnh lâm, Thành ngữ khảo… Còn những điều phải kiêng kị như: Không ham mê nữ sắc; không trọng giàu khinh nghèo; không được sát sinh; phải kiêng thịt trâu, thịt bò, thịt chó;...

Trong quan niệm dân gian của người Tày, Nùng, những vị thầy Tào có khả năng kết nối với thế giới thần linh, có khả năng cầu cho mưa thuận gió hòa để bà con có vụ mùa bội thu, xua tan đi âm khí làm hại gia chủ hay những điều không tốt đẹp. Chính vì vậy, những thầy Tào được coi như một chức sắc quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh của người Tày, Nùng. Khi chức sắc càng cao, thầy Tào càng có năng lực hơn và được mọi người kính trọng. 

Với mỗi một người Tày, Nùng, từ khi sinh ra, lớn lên và mất đi đều gắn bó với những nghi lễ vòng đời mà thầy Tào thực hiện. Từ khi còn trong bụng mẹ, đứa bé đã được thầy Tào làm lễ cầu chúc mẹ tròn con vuông; khi sinh ra được tròn 1 tháng thì thầy Tào làm lễ lập bàn thờ mụ; tròn 1 năm thì làm lễ cầu bình an, tránh bệnh tật; tuổi thiếu niên thì làm lễ trưởng thành; cưới xin thì thầy Tào là người dẫn về nhà gái, đón dâu; về già thì thầy Tào làm lễ vằn khoăn, nhằm tăng thêm tuổi thọ; khi qua đời thầy Tào chủ trì đám tang, đưa linh hồn người mất về với tổ tiên.

Với cộng đồng bản, thầy Tào là những người phụ trách cầu mùa trong những dịp lễ Tết; cầu mưa thuận gió hòa khi đất trời thiên tai, hạn hán; cầu bản làng bình yên khi gặp nhiều dịch bệnh, bất ổn…

Thầy tào làm lễ (Ảnh: Nông Văn Tới)
Thầy Tào làm lễ (Ảnh: Nông Văn Tới)

Xưa kia, mọi việc buồn vui, hiếu hỉ, ốm đau, bệnh tật... xảy ra trong mỗi một gia đình người Tày, Nùng đều có sự tham dự của thầy Tào với vai trò chủ trì các lễ cúng để giải quyết các vấn đề liên quan đến đời sống tâm linh. Vì vậy, việc các gia đình liên tục mời thầy Tào về làm nghi lễ cúng với nhiều lễ vật tốn kém là sa vào mê tín dị đoan.

 Hiện nay, nhận thức của đồng bào đã có nhiều tiến bộ, khi gia chủ có việc mời thầy Tào đến nhà  làm lễ cúng chỉ mang tính chất thực hành tín ngưỡng tâm linh ấm cúng và giản dị, tiết kiệm. Tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình mà mua sắm các lễ vật mức vừa đủ, không gây ra lãng phí, tốn kém như thời xưa. Và thầy Tào cũng là người sẽ khuyên gia chủ những việc nên làm, việc không nên làm. Ví dụ như khi có người bệnh nặng  thì đi viện để nhờ bác sĩ chữa trị chứ không phải chỉ ở nhà để cúng bái.  

Bên cạnh các hoạt động về thực hành tín ngưỡng tâm linh, thầy Tào còn là người giữ vai trò quan trọng trong việc cố kết cộng đồng. Theo ông Hoàng Việt Bình, cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh Lạng Sơn thì, khi trong bản có tranh chấp về đất đai, thầy Tào cùng với bộ máy chính quyền cấp cơ sở tham gia hòa giải; khi vợ chồng mâu thuẫn, với uy tín của mình, thầy Tào thường đứng ra khuyên răn, giảng giải để họ hiểu và yêu thương nhau hơn. Lúc này, thầy Tào chính là người Có uy tín trong tuyên truyền, vận động bà con xây dựng tình đoàn kết cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.

Tin cùng chuyên mục
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang thăm, chúc Tết Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang thăm, chúc Tết Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Ngày 14/1/2025, tại Thiền viện Quảng Đức, Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Đoàn đến thăm và chúc Tết Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam và chư Tôn đức trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng 2 Trung ương GHPG Việt Nam.