Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thầy và trò ở những lớp học đặc biệt

Giang Lam - 11:03, 06/01/2020

Ở nhiều điểm trường lẻ, có những lớp học chỉ có vài học sinh nhưng không khí học tập vẫn diễn ra sôi nổi. Đó là nhờ những thầy, cô giáo vẫn ngày ngày “thắp lửa”, mang cái chữ đến với học sinh dân tộc thiểu số.

 Cô giáo Nguyễn Minh Duyên, điểm trường Tiểu học Tâm Mi thuộc Trường Tiểu học Công Đa (Yên Sơn) trong một tiết học dạy lớp 1
Cô giáo Nguyễn Minh Duyên, điểm trường Tiểu học Tâm Mi thuộc Trường Tiểu học Công Đa (Yên Sơn) trong một tiết học dạy lớp 1

Một người đóng 3 vai

Ở điểm trường Tâm Mi, xã Công Đa, Yên Sơn (Tuyên Quang), các thầy, cô giáo ở đây vẫn phải dạy ghép 3 trình độ. Lớp học ghép 3 trình độ của cô giáo Nguyễn Minh Duyên hiện có 5 em học sinh. Trong đó, lớp 1 có 2 học sinh, lớp 2 có 1 học sinh và lớp 3 có 2 học sinh. 

Cô Duyên đã dạy ở điểm trường này 7 năm và năm nào cũng dạy các lớp ghép. Dạy lớp ghép 2 trình độ đã khó nhưng dạy ghép 3 trình độ thì người giáo viên phải đóng 3 vai một lúc.

Lớp học của cô Duyên có 5 học sinh với 3 bộ bàn ghế, có 2 bảng viết quay ngược vào nhau. Trong đó, một bảng viết được chia làm đôi để dạy ghép. Cô Duyên bảo, thường thì những lớp dạy ghép 3 trình độ thì bảng viết được bố trí theo hình chữ U nhưng do lớp học hẹp nên đành phải chia đôi bảng. 

Lớp học 5 em đều là người dân tộc Nùng, có 2 em lớp 1 ban đầu còn không biết nói tiếng phổ thông. Cô Duyên kể, những ngày đầu lên nhận lớp học, vì có ít học sinh quá nên cũng thấy hơi buồn. Nhưng càng gần gũi với các em, cô lại càng thương các em. Một tiết học phải vào vai 3 giáo viên, 3 trình độ khác nhau là không đơn giản. Nhưng với tình yêu nghề và tình yêu thương với các em học sinh cô Duyên cũng như các thầy, cô giáo dạy ghép 2 đến 3 trình độ ở đây vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện nhiều năm liền.

Nói thạo, nghe thông 2 tiếng dân tộc

Điểm trường Tiểu học Bản Giáng, trường Tiểu học Trung Sơn (Yên Sơn, Tuyên Quang) có 2 lớp học ghép 2 trình độ. Nơi đây 100% là học sinh dân tộc Dao và Nùng. Điểm trường có 3 thầy, cô giáo là người dân tộc Tày và Kinh. Có lớp học có học sinh của cả 2 dân tộc Nùng và Dao, các em vào lớp 1 không biết nói tiếng phổ thông.

Thầy giáo Lương Xuân Trường, dân tộc Tày, đã công tác ở trường được 8 năm, hiện đang dạy lớp ghép 4 và 5. Lớp học của thầy có 5 học sinh. Thầy Trường kể: "Lúc đầu lên đây dạy lớp ghép 1 và 2, các em học sinh người Dao không biết nói tiếng phổ thông đâu. Mình nhớ mãi một kỷ niệm, có em học sinh người dân tộc Dao khi được mình hỏi bài, em chỉ cười mà không nói câu gì. Nhiều buổi học, em cũng như thế. Mình bảo em viết các từ gần lại nhau hơn thì em lại viết xa nhau ra. Mình buồn quá cứ nghĩ rằng em chưa nghe lời thầy. Về sau tìm hiểu thì biết em không biết nói tiếng Kinh. Từ đó mình quyết tâm phải học nói thêm tiếng Dao. Để giao tiếp với học sinh, nói cho học sinh hiểu và hiểu học sinh nói”. Thầy Trường đã dành thời gian học nói cả tiếng Dao, Nùng. Bây giờ thầy Trường đã nói thạo, nghe thông được cả tiếng, Nùng và Dao.

Cô giáo Lương Thị Hoa, người dân tộc Tày, hiện nay cũng đang dạy lớp ghép 3 và 4. Lớp của cô Hoa chỉ có 9 em. Khi được phân công lên Bản Giáng giảng dạy, việc đầu tiên của cô là học nói tiếng dân tộc Nùng, Dao. 

Cô Hoa tâm sự: Phải thật sự coi các em như con em của mình thì mới dạy được. Chính nhờ gần gũi nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của các em học sinh dân tộc thiểu số bằng cả trái tim nên từ nhiều năm nay, tỷ lệ chuyên cần của học sinh ở Bản Giáng luôn đạt 100%.

Tin cùng chuyên mục