Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Lớp học đặc biệt dưới chân núi Pom Có

Vũ Lợi - Hải Yến - 15:24, 27/11/2019

Dưới chân núi Pom Có sừng sững thuộc xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) hiện có một lớp học vô cùng đặc biệt, khi mỗi buổi trưa hằng ngày vẫn đều đều vang lên tiếng ê a đánh vần con chữ. Điều đặc biệt ở đây, đó là các học trò phần lớn đều là các chị, các bà, các mẹ và những người nghèo thất học. Còn cô giáo của lớp, chính là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ của bản.

Cô giáo Lò Thị Ơi và lớp học đặc biệt của mình dưới chân núi Pom Có
Cô giáo Lò Thị Ơi và lớp học đặc biệt của mình dưới chân núi Pom Có

Dù đã bước sang tuổi 60, song mỗi buổi trưa hằng ngày, bà Quàng Thị Thiện ở bản Chạng, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo vẫn không quản ngại vất vả, luôn có mặt sớm và đầy đủ tại lớp học xóa mù chữ của cô giáo Lò Thị Ơi cũng là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ của bản. Đôi bàn tay chai sần qua hơn nửa đời người vốn đã thuần thục với từng đường cày, nhát cuốc, nay lại trở nên vụng về khi cầm bút, nắn nót viết từng con chữ. Nhưng đối với bà Thiện, đó lại chính là niềm vui mỗi ngày, để từ đó kêu gọi những người khác trong bản chưa biết đến mặt con chữ, hưởng ứng nhiệt tình tham gia và duy trì lớp học đặc biệt này.

“Ngày xưa, nhà vốn đông người, phải ở nhà trông em cho bố mẹ đi làm nên không được đi học chữ. Bây giờ xã hội phát triển, làm cái gì cũng phải dùng đến con chữ. Bây giờ được bản mở lớp cho học chữ thì cảm thấy rất mừng, dù nhiều tuổi nhưng vẫn phải cố gắng đi học”, bà Thiện cho biết.

Lớp học bản Chạng của cô giáo Ơi bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 2/2019, trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện của chị em phụ nữ trong bản. Từ tấm bảng đen, viên phấn, mỗi quyển sách, quyển vở đều được các học viên quyên góp, ủng hộ. Vì là tự nguyện, nên chị em tham gia rất tự giác và đầy đủ. Đều đặn từ 12 giờ đến 13 giờ trưa mỗi ngày, là khoảng thời gian được chị em thống nhất lựa chọn đến học, sau khi đã hoàn tất các hoạt động lao động sản xuất và chăm lo cho gia đình riêng.

Cô giáo Lò Thị Ơi chia sẻ: Qua tìm hiểu sinh hoạt hội viên, được biết rất nhiều chị em trong bản còn không biết chữ, không được đến trường hoặc tái mù chữ. Dù cũng đã có thầy, cô giáo tình nguyện vào giảng dạy, nhưng tâm lý e ngại khiến nhiều bà, nhiều mẹ, chị em phụ nữ không muốn tham gia”.

Nhờ nỗ lực học tập, đến nay nhiều phụ nữ lớn tuổi trong bản đã biết đọc, biết viết
Nhờ nỗ lực học tập, đến nay nhiều phụ nữ lớn tuổi trong bản đã biết đọc, biết viết

Từ thực tế đó, chị đã tìm hiểu nguyện vọng của các hội viên, tìm hiểu cách thức truyền đạt kiến thức từ các thầy cô giáo, học cách giảng dạy thế nào để chị em hiểu và tiếp thu nhanh nhất. Do đó mọi người đã đồng ý và háo hức tham gia, không còn e ngại nữa.

Hiện, bản Chạng có 80 hội viên phụ nữ. Qua rà soát, có đến 12 người chưa từng được đến trường, đến lớp; 30 người không biết chữ; 5 người tái mù chữ. Toàn bộ số phụ nữ này, hiện nay đều được vận động tham gia lớp học xóa mù chữ đặc biệt. Sau 6 tháng kiên trì theo học, đến nay, cơ bản chị em đều đã nhận biết được chữ cái, ghép vần và bước đầu biết viết và đọc một số từ, ngữ cơ bản.

Biết đọc, biết viết tưởng chừng như hết sức đơn giản, song lại là ước mơ ấp ủ từ lâu của những người phụ nữ nơi đây. Và giờ đây, mỗi ngày trôi qua, họ vẫn đang nỗ lực hết mình để hiện thực hóa được ước mơ đó. Dẫu còn đơn sơ và chưa được bài bản, song vì mọi thứ đều xuất phát từ tâm, nên lớp học đã và đang mang lại những giá trị nhân văn rất lớn, là cầu nối giúp chị em phụ nữ ở bản Chạng nối gần hơn hành trình đến với giấc mơ con chữ.

Qua tìm hiểu sinh hoạt hội viên, được biết rất nhiều chị em trong bản còn không biết chữ, không được đến trường hoặc tái mù chữ. Dù cũng đã có thầy, cô giáo tình nguyện vào giảng dạy, nhưng tâm lý e ngại khiến nhiều bà, nhiều mẹ, chị em phụ nữ không muốn tham gia”.

Cô giáo Lò Thị Ơi